Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Theo đó, chủ đề điều hành năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển".
Một trong những nhiệm vụ quan trọng Nghị quyết đưa ra là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu tập trung ưu tiên triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, thực sự thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022; phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD.
Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Điều hành chủ động, linh hoạt, chặt chẽ, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác. Ổn định thị trường tiền tệ. Điều hành các giải pháp tín dụng góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động: cho vay ngoại tệ, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, huy động vốn của doanh nghiệp nhất là phát hành, trái phiếu doanh nghiệp.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản ý chặt chẽ thu, chi ngân sách. Chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, thống nhất quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7/2022; mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt.
Điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, theo dự toán giao. Tiết kiệm triệt để các khoản chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; tăng cường công tác kiểm soát chi, bảo đảm chi đúng, chi đủ, có hiệu quả; tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Kiên quyết cắt giảm những khoản chi thường xuyên ngân sách đã dược giao trong dự toán đầu năm, nhưng chưa thực hiện phân bổ theo quy định, nhất là các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, với tinh thần “thắt lưng buộc bụng” trong lúc khó khăn.
Bảo đảm kinh phí thực hiện các chính sách đã được ban hành như chính sách an sinh xã hội, chế độ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, điều chỉnh lương hưu trong năm 2022 đối với người nghỉ hưu trước năm 1995, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, thực hiện chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025.
Triển khai đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan trung ương, địa phương trong điều hành giá, tránh gây tác động cộng hưởng, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát. Công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá xăng dầu và hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác do nhà nước điều hành giá. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, năng chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với nguyên vật liệu quan trọng, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, trang thiết bị vật tư y tế và thuốc chữa bệnh.