Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dự kiến có chiều dài 112,8 km, gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối cao tốc theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long.
Theo đó, dự án được chia thành 7 phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư PPP. Nhu cầu sử dụng đất sơ bộ của dự án khoảng 1.341 ha. Trong đó, đất trồng lúa khoảng 816 ha.
Đối với mặt bằng, TP Hà Nội dự kiến tiến hành giải phóng mặt bằng theo quy hoạch gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành 2 bên, với chiều rộng mặt cắt ngang 120 m. Về phương án đầu tư, TP Hà Nội tiếp tục kiến nghị thực hiện phân kỳ đầu tư theo lộ trình đầu tư trước phần đường cao tốc quy mô 4 làn xe, rộng 17 m với phần đường và 17,5 m đối với phần cầu. Tuyến đường có vận tốc khai thác 80 km một giờ sẽ chủ yếu đi trên cao, ngoại trừ 37,43 km có nhu cầu liên kết ngang và phát triển quỹ đất hai bên không cao sẽ đi thấp.
Tại tờ trình số 47/TTr-UBND về việc thẩm định nội dụng cập nhật, bổ sung báo cáo nghiên cứu tiền khả thị dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ dự án khoảng 85.813 tỷ đồng. Bao gồm: Chi phí xây dựng và thiết bị 49.291 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 5.915 tỷ đồng; chi phí GPMB 19.590 tỷ đồng; chi phí dự phòng 8.787 tỷ đồng.
Trên cơ sở tiến độ thực hiện, để đảm bảo tính khả thi của dự án và phù hợp với cân đối nguồn vốn UBND TP Hà Nội đề xuất nguồn vốn và phương án huy động vốn như sau: Nhóm dự án thành phần thực hiện công tác GPMB, sử dụng vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương với chi phí 19.590 tỷ đồng.
Nhóm dự án thành phần thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống đường song hành: Sử dụng vốn ngân sách địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 9.634 tỷ đồng. Dự án thành phần 3 được Hà Nội đề xuất đầu tư theo hình thức PPPS. Với tổng vốn đầu tư 56.589 tỷ đồng (bao gồm lãi vay).
Tại tờ trình này, UBND TP Hà Nội cho rằng với những điều kiện thuận lợi của dự án và sự quan tâm của các nhà đầu tư thì có thể khẳng định việc huy động nguồn vốn BOT với khoảng 27.180 tỷ đồng là khả thi.
Mặt khác dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP kiến nghị được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định của Luật PPP, được đánh giá là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng xem xét cung cấp tín dụng.
Bên cạnh đó, ngoài nguồn cung cấp tín dụng từ các ngân hàng, Luật PPP cho phép doanh nghiệp dự án được phát hành trái phiếu doanh nghiệp, huy động vốn từ các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu trong giai đoạn triển khai đến khi hoàn thành dự án với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án thành phần chỉ sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
Về huy động nguồn lực, UBND TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu cho các địa phương vay khi thực hiện Dự án trong giai đoạn 2021 - 2025. Sau khi có nguồn thu từ các dự án khai thác quỹ đất 2 bên đường trong giai đoạn 2026 - 2030, các địa phương sẽ cân đối trả nguồn vay cho Chính phủ.