Bộ Công Thương: Tăng cường quản lý xuất nhập khẩu, hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng trong nước

NHVN 10:51 24/08/2021

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Chỉ thị số 10 về việc tăng cường quản lý xuất nhập khẩu một số mặt hàng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Theo Bộ Công Thương, trong những tháng đầu năm 2021, hoạt động xuất nhập khẩu đạt được những kết quả đáng khích lệ, mặc dù thị trường trong và ngoài nước tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, hoạt động xuất nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược, có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng trong nước như xăng dầu, than đá, sắt thép, phân bón v..v đã xuất hiện một số dấu hiệu cần quan tâm, theo dõi, đánh giá.

Cụ thể, việc nhập khẩu một số mặt hàng tăng rất mạnh trong khi những mặt hàng này trong nước có khả năng sản xuất đáp ứng nhu cầu (như xăng dầu, than đá, gạo); một số mặt hàng trong nước có nhu cầu lớn nhưng lại được xuất khẩu nhiều, làm ảnh hưởng tới cán cân cung cầu và mặt bằng giá cả trong nước (như sắt thép, phân bón).

Tăng cường quản lý xuất nhập khẩu một số mặt hàng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước.



Vì vậy, để góp phần ổn định giá cả, thị trường, qua đó hỗ trợ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng Công ty, Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng có ý nghĩa chiến lược đối với nền kinh tế tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, Bộ đề nghị các đơn vị chức năng thuộc Bộ tiến hành rà soát tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, cơ chế quản lý xuất khẩu, nhập khẩu. Trên cơ sở đó, đề xuất các biện pháp tăng cường công tác quản lý xuất khẩu, nhập khẩu đối với các mặt hàng cần hỗ trợ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước; khẩn trương báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương trước ngày 30/8/2021.

Cụ thể, Vụ Thị trường trong nước có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị của Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan để sớm được thông qua và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83 Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối căn cứ nhu cầu sản xuất, kinh doanh thực tế tại đơn vị để rà soát, điều chỉnh kế hoạch bảo đảm nguồn hàng, ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước để bảo đảm cân đối cung cầu.

Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng xăng dầu bán ra thị trường theo các quy định hiện hành; bảo đảm nguồn cung xăng dầu tại các điểm bán lẻ nhằm phục vụ nhu cầu của người dân trong mọi tình huống.

Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp tiếp tục cập nhật tình hình sản xuất thép trong nước, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc thúc đẩy, tăng năng lực sản xuất trong nước để đảm bảo nhu cầu trong nước; rà soát cơ chế xuất khẩu và kiến nghị giải pháp quản lý xuất khẩu mặt hàng sắt thép và quặng sắt.

Đối với Cục Xuất nhập khẩu, rà soát cơ chế xuất khẩu, nhập khẩu chung và kiến nghị công tác quản lý nhập khẩu mặt hàng gạo, mặt hàng đường; làm đầu mối chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, giải pháp trình Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ nếu vượt thẩm quyền.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ căn cứ trách nhiệm được giao, khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị này. Bộ trưởng giao Cục Xuất nhập khẩu làm đầu mối chủ trì, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Chỉ thị này; tổng hợp tình hình báo cáo lãnh đạo Bộ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây được coi là việc làm cấp bách, kịp thời trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại TP.Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố với quy mô lớn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Theo Kinh tế Môi trường

Link gốc : https://kinhtemoitruong.vn/bo-cong-thuong-tang-cuong-quan-ly-xuat-nhap-khau-ho-tro-san-xuat-va-tieu-dung-trong-nuoc-58666.html

Bạn đang đọc bài viết Bộ Công Thương: Tăng cường quản lý xuất nhập khẩu, hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng trong nước tại chuyên mục Chính phủ - Bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chính phủ - Bộ ngành
Vắc xin là vũ khí hiệu quả nhất để chống lại COVID-19, thế nhưng trên thế giới, thứ vũ khí đó đang không được phân bổ đồng đều. Các khoản quyên góp vắc xin theo cơ chế COVAX dù hào phóng đến đâu cũng