Giá vàng biến động mạnh, chứa đựng nhiều rủi ro
Từ đầu tháng 12/2023 đến nay, giá vàng quốc tế tăng mạnh trên mức 2.000 USD/oz. Riêng ngày 26/12/2023, giá vàng quốc tế giao dịch quanh mức 2.063 USD/oz, tăng 232 USD/oz (tương đương tăng 12,7%) so với đầu năm. Trước đà tăng của giá vàng quốc tế, giá vàng miếng SJC trong nước diễn biến tăng theo. Riêng trong ngày 26/12/2023, giá vàng miếng SJC biến động mạnh, gần trưa lên đến 80 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên đến ngày 28/12, sau thông điệp của Chính phủ, nhất là từ NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, cần thiết sẽ có phương án can thiệp theo quy định Nghị định 24, thị trường vàng đã hạ nhiệt.
Với nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, sẽ không còn tình trạng hỗn loạn đầu cơ vàng |
Nếu như đầu giờ sáng giá vàng chạm mốc 80 triệu đồng/lượng thì đến 15h10 ngày 28/12, tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC đã giảm xuống còn 71,4-75,3 triệu đồng/lượng. Trong khi giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn vẫn giữ nguyên mức niêm yết như thời điểm 14h00 là 73-76 triệu đồng/lượng; Tập đoàn DOJI thì áp dụng mức 71,5-76,5 triệu đồng/lượng. Như vậy người mua vàng sáng ngày 28/12 đã mất ngay 7-8 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức điều chỉnh giảm mạnh nhất trong nhiều năm qua.
Thế nhưng đến thời điểm 16h, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC đã tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều mua – bán so với mức đáy lúc 15h00, niêm yết ở mức 74,5-77,5 triệu đồng/lượng. Tương tự, Tập đoàn DOJI tăng giá vàng lên 71,5-77,0 triệu đồng/lượng. Bảo Tín Minh Châu cũng tăng gần 2 triệu đồng/lượng so với 1 giờ đồng hồ trước, hiện niêm yết 73,35-77,3 triệu đồng/lượng.
Theo phân tích của giới chuyên gia, giá vàng miếng SJC trong nước tăng cao chủ yếu do yếu tố tâm lý của thị trường trước diễn biến tăng nhanh của giá vàng thế giới. TS. Trương Văn Phước – nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, giá vàng trong nước có sự biến động mạnh và tương thích với sự biến động mạnh của giá vàng quốc tế.
Lý giải nguyên nhân giá vàng quốc tế lại biến động mạnh, TS. Phước cho rằng có thể xuất phát từ sự thay đổi lập trường chính sách tiền tệ của nhiều NHTM lớn, đặc biệt là FED. Theo đó, sau một thời gian lãi suất nhanh và mạnh, đưa lãi suất cho vay qua đêm tại Mỹ lên 5,25% - 5,5%, FED đang phát đi tín hiệu có thể cắt giảm lãi suất vài ba lần trong năm 2024. Khi mà lãi suất giảm xuống thì chứng khoán hoặc giá vàng tăng lên rất mạnh. Giá vàng trên thị trường quốc tế biến động kéo theo sự biến động của giá vàng trong nước.
Đồng quan điểm TS. Lê Duy Bình – Giám đốc Enocmica cũng cho rằng, ngoài yếu tố giá vàng thế giới, biến động thị trường vàng trong giai đoạn vừa rồi còn do yếu tố tâm lý. Khi nhà đầu tư thấy giá vàng tăng, trong khi thời điểm này các kênh đầu tư không nhiều, khiến cho NĐT dễ dàng chuyển đổi sang mua vàng với kỳ vọng kiếm lợi nhuận từ loại kim loại quý này. Nhưng với sự biến động liên tục giá vàng với biên độ giá mua – bán dãn rộng và chênh lệch với giá vàng quốc tế, thị trường này đang chứa đựng nhiều rủi ro đối với các NĐT cả cá nhân và tổ chức.
Sẽ nghiên cứu chính sách quản lý
Thị trường vàng đang vận hành theo khuôn khổ pháp lý tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Theo quy định tại Nghị định 24, NHNN được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia.
Chia sẻ cụ thể hơn về bối cảnh ra đời Nghị định 24, TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, trong giai đoạn 2011-2012, lạm phát tăng cao, có thời điểm lên tới 18%, tình trạng vàng hóa nền kinh tế diễn ra khá đáng ngại, thậm chí là hoảng loạn; giá vàng có ngày điều chỉnh tăng 35 lần, tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh đó, để ổn định thị trường vàng, đặc biệt là chống đô la hóa, NHNN buộc phải tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 24. Nhờ Nghị định này, 12 năm qua Việt Nam từng bước hạn chế hiện tượng “vàng hóa”, "đô la hóa" và nâng dần vị thế của đồng VND lên.
Khẳng định thời gian vừa qua, Nghị định 24 đã phát huy rất tốt vai trò lịch sử trong nỗ lực chống vàng hóa, đô la hóa, song TS. Trương Văn Phước cho rằng, đang có sự mất cân đối cung – cầu dẫn đến độ cách biệt khá lớn giữa vàng miếng SJC với các thương hiệu vàng khác. Đây là một vấn đề mà NHNN cần nghiên cứu để có chính sách hiệu chỉnh sao cho đúng tinh thần của Nghị định 24 khi ban hành là NHNN có vai trò giữ ổn định và can thiệp thị trường vàng.
Chung quan điểm, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, giai đoạn trước việc NHNN quản lý sản xuất vàng miếng như Nghị định 24 là phù hợp và đã giúp hiện tượng vàng hóa nền kinh tế giảm mạnh. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình kinh tế vĩ mô đã khác, việc này nên xem xét lại.
“Việt Nam đã duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô trong 10 năm liền. Kinh nghiệm chống lạm phát của NHNN lên đẳng cấp khác. Có thể nói NĐT trong nước và quốc tế hoàn toàn yên tâm NHNN có thể cầm chịch chính sách tiền tệ, ít nhất về phương diện giữ giá trị đồng tiền ổn định. Từng đó thời gian cũng đủ tạo tâm lý chung của thị trường hoàn toàn yên tâm không có chuyện liên hệ giữa chuyện lạm phát, vàng, lãi suất, tỷ giá chặt chẽ như trước đây nữa, mà vàng đã tách rời trở thành hàng hóa bình thường không còn là hàng hóa đầu cơ như trước”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Giới chuyên môn cũng ghi nhận những nỗ lực quản lý kinh tế vĩ mô, đặc biệt kiểm soát lạm phát của Chính phủ, NHNN rất chuyên nghiệp, dày dặn kinh nghiệm. Điều này minh chứng trong thời gian qua dù trải qua nhiều thăng trầm nhất là những năm diễn ra đại dịch Covid nhưng tỷ lệ lạm phát của Việt Nam là một trong những quốc gia thấp nhất trong số nước đang phát triển.
Với nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc như vậy, TS. Nghĩa nhận định, sẽ không còn tình trạng hỗn loạn đầu cơ vàng. Thời điểm này là cơ hội chín muồi để điều chỉnh chính sách. “Bây giờ là cơ hội để có thể quản lý vàng theo hình thức khác, trong đó NHNN với vai trò là mua bán cuối cùng trên thị trường vàng có thể mua hoặc bán vàng dự trữ cân bằng thị trường. Ngoài ra, NHNN có thể quản lý thị trường thông qua điều hành chính sách tiền tệ giữ kinh tế vĩ mô, thị trường vàng ổn định”, TS. Lê Xuân Nghĩa gợi ý giải pháp.
Là một trong những chuyên gia tham gia góp ý chính sách quản lý thị trường vàng, TS. Trương Văn Phước cho biết, NHNN đang nghiên cứu để có hiệu chỉnh chính sách này. Nhưng trước mắt cần phải tăng nguồn cung để cân đối cầu thị trường, thu hẹp dần khoảng cách giá vàng.
Đối với ý kiến đề nghị trả lại thị trường vàng tự điều tiết, theo TS. Phước đây không phải là điều mới mẻ và đó là nguyên tắc căn bản trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Song vấn đề điều tiết thị trường vàng sao cho tương thích với thông lệ quốc tế và phù hợp với đặc thù của Việt Nam mới là điều quan trọng.