Cảng Hải Phòng: 8 năm sau cổ phần hoá vẫn xử lý “treo” khối tài sản 280 tỷ đồng

Theo Người đưa tin 14:31 28/03/2022

Dù được cổ phần hoá từ tháng 7/2014, cho đến nay Cảng Hải Phòng chưa được phê duyệt phương án xử lý đối với các tài sản cầu số 4, số 5 và bãi container Cảng Chùa Vẽ.

Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng (HNX: PHP) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 sau kiểm toán. Tại báo cáo này, Cảng Hải Phòng ghi nhận doanh thu thuần đạt 2,285 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ và lãi ròng hơn 550 tỷ đồng.

Lý giải về kết quả này, ban lãnh đạo Công ty cho biết, doanh thu cung cấp dịch vụ tăng do sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng do tỷ giá đồng yên Nhật đối với vốn vay ODA giảm.

Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Cảng Hải Phòng ghi nhận gần 6,103 tỷ đồng, tăng 5% so với hồi đầu năm. Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn gần 2,752 tỷ đồng, tăng 7%. Ngược lại, nợ phải trả giảm nhẹ, xuống còn 1,106 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại báo cáo này, Hãng kiểm toán AASC đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến tài sản thuộc cầu cảng số 4, 5 và bãi container Cảng Chùa Vẽ của Công ty.

Theo đó, tại thời điểm 31/12/2021, Công ty đang ghi nhận tại chỉ tiêu “tài sản cố định hữu hình” trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất đối với các tài sản thuộc cầu cảng số 4, 5 và bãi container Cảng Chùa Vẽ với tổng nguyên giá gần 280 tỷ đồng, giá trị còn lại hơn 149 tỷ đồng.

Nguồn vốn hình thành nên các tài sản này được ghi nhận tại chỉ tiêu “vay và nợ thuê tài chính dài hạn” giá trị tương ứng hơn 342 tỷ đồng.

Đây là các tài sản thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp Cảng Hải Phòng giai đoạn 2 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ. Hiện tại, Công ty đang trình các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án khai thác các tài sản này.

Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, Công ty đã tạm nộp vào ngân sách Nhà nước một số khoản có liên quan đến dự án nên trên, bao gồm: Khấu hao của các tài sản thuộc cầu cảng 4, 5 và bãi container Cảng Chùa Vẽ trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến ngày 31/12/2018 là 44,8 tỷ đồng, chi phí lãi vay ODA Nhật Bản tạm tính là 149,3 tỷ đồng.

Thực hiện theo Nghị quyết của HĐQT, Công ty đã dừng trích khấu hao, dừng ghi nhận chi phí lãi vay kể từ ngày 1/1/2020 đối với các tài sản thuộc cầu cảng số 04, 05 và bãi container Cảng Chùa Vẽ để chờ được phê duyệt phương án quản lý chính thức đối với tài sản này.

Tuy nhiên, Công ty cũng chưa ghi nhận và phản ánh khoản chi phí thuê các tài sản nêu trên vào báo cáo tài chính hợp nhất 2021.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu kiểm tra lại quá trình cổ phần hóa của Công ty (trong điều kiện hồ sơ quyết toán giá trị vốn Nhà nước tại thời điểm cổ phần hóa của Công ty chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt). Khi có sự phê duyệt chính thức của Cơ quan quản lý về phương án vay, trả nợ, Công ty sẽ thực hiện các điều chỉnh cần thiết đối với báo cáo tài chính hợp nhất 2021.

Hồ sơ doanh nghiệp - Cảng Hải Phòng: 8 năm sau cổ phần hoá vẫn xử lý “treo” khối tài sản 280 tỷ đồng

Phía Cảng Hải Phòng cho biết, việc tồn tại ý kiến kiểm toán ngoại trừ là do cơ quan quản lý chưa phê duyệt phương án xử lý tài sản cầu số 4, số 5 và bãi container Cảng Chùa Vẽ.

Giải trình cho vấn đề này, phía Cảng Hải Phòng cho biết, ý kiến ngoại trừ này đã được nêu từ giai đoạn công ty chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 1/7/2014 và đã được giải trình bằng văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc giải trình ý kiến ngoại trừ của kiểm toán trong báo cáo tài chính từ năm 2014 đến năm 2019.

“Cho đến ngày 31/12/2021, Cơ quan quản lý chưa phê duyệt phương án xử lý đối với các tài sản cầu số 4, số 5 và bãi container Cảng Chùa Vẽ nên vẫn tồn tại ý kiến kiểm toán ngoại trừ”, theo nội dung Cảng Hải Phòng giải trình.

Theo báo cáo thường niên năm 2021, kể từ thời điểm chuyển sang mô hình công ty cổ phần (tháng 7/2014), Cảng Hải Phòng có 6 đơn vị trực thuộc.

Tháng 2/2016, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (Cảng Hải Phòng) thực hiện chuyển đổi mô hình của 3 đơn vị trực thuộc sang hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Cảng Hải Phòng làm chủ sở hữu, gồm Công ty TNHH một thành viên Cảng Hoàng Diệu, Công ty TNHH một thành viên Trung tâm Y tế Cảng Hải Phòng, Công ty TNHH một thành viên Đào tạo Kỹ thuật nghiệp vụ Cảng Hải Phòng.

Từ thời điểm đó đến nay, Cảng Hải Phòng còn 2 đơn vị trực thuộc là chi nhánh Cảng Tân Vũ và chi nhánh Cảng Chùa Vẽ.

Bạn đang đọc bài viết Cảng Hải Phòng: 8 năm sau cổ phần hoá vẫn xử lý “treo” khối tài sản 280 tỷ đồng tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự