Đây là kết quả bất ngờ, khi trước đó, lãnh đạo Tập đoàn FLC (sở hữu hơn 51% cổ phần Bamboo Airways) từng tiết lộ với báo chí, trong quý I/2020, hãng hàng không này lỗ hơn 1.500 tỷ đồng.
Như vậy, sau khi là hãng hàng không gần như duy nhất trên thế giới vẫn tiếp tục tăng trưởng cả về quy mô đội bay, số chuyến bay, số lượt khách, thị phần... trong năm 2020 nhiều thử thách, Bamboo Airways tiếp tục nằm trong nhóm ít ỏi các hãng hàng không trên thế giới có lợi nhuận năm qua.
Bamboo Airways mới chính thức cất cánh từ tháng 1/2019, dù mới hoạt động 2 năm, nhưng cả 2 năm đều báo lãi. Trước đó, hãng này từng có kế hoạch IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng) trong năm 2020, nhưng ảnh hưởng dịch bệnh nên phải lùi lại.
Về mặt tài chính, hãng chủ động huy động vốn để tăng cường năng lực, bao gồm huy động vốn từ các cổ đông lớn, trong đó có công ty mẹ là FLC Group; làm việc với các đối tác ngân hàng, định chế tài chính để huy động vốn và điều chỉnh các điều khoản tài chính cho phù hợp. Bên cạnh đó, Bamboo Airways luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương án kinh doanh khả thi và tài sản bảo đảm.
Với mạng lưới nhà cung cấp dịch vụ, Bamboo Airways tích cực làm việc, thỏa thuận để có được các thỏa thuận về chi phí phù hợp, đảm bảo sức khỏe tài chính cho hãng.
Về mạng bay, hãng kịp thời tái hoạch định, tiếp tục củng cố mạng đường bay theo hướng tập trung khai thác thị trường nội địa, mở các đường bay đến những điểm đến tiềm năng, đặc biệt là đường bay ngách và các đường bay có thể kết hợp với hệ sinh thái của FLC.
Các đường bay mới của Bamboo Airways nhận được sự đánh giá tích cực từ đông đảo hành khách, góp phần giúp hãng nhanh chóng đạt dấu mốc 20% thị phần, tăng gấp đôi chỉ sau một năm.
Về đội bay, Bamboo Airways đang vận hành gần 30 máy bay ở thời điểm hiện tại, bao gồm những dòng tiên tiến nhất thế giới, như máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner, máy bay thân hẹp A321NEO ACF, máy bay phản lực Embraer E195. Dự kiến quy mô đội bay Bamboo trong năm 2021 sẽ đạt 50 chiếc.
Một mảng quan trọng mang lại nguồn thu lớn cho Bamboo Airways trong năm là loạt sản phẩm, combo mới, phù hợp với nhu cầu của thị trường và hành khách ở thời điểm đặc thù. Điển hình có thể kể đến combo trọn gói bay - nghỉ dưỡng - golf 5 sao trên toàn quốc, dòng thẻ bay đa nhiệm Bamboo Pass, bộ quyền lợi nhóm giá khách hàng mới (Branded Fares)…
Trong năm 2020, Bamboo Airways vận chuyển hơn 4 triệu lượt hành khách, tăng 40% về số lượng chuyến bay và sản lượng khách so với năm 2019. Bamboo Airways là hãng hàng không trong nước phục hồi hoạt động nhanh nhất sau dịch bệnh, theo thống kê của Cục hàng không Việt Nam. Đặc biệt, hãng vẫn liên tục duy trì ổn định vị thế hãng bay có tỷ lệ đúng giờ cao nhất Việt Nam, với tỷ lệ đúng giờ trung bình lên tới 95,8%.
Tuy nhiên, Bamboo Airways vẫn đang nợ ACV hơn 326 tỷ đồng, tăng hơn 196 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Số nợ này là các khoản phí liên quan tới nhà ga, sân bay ACV thu của các hãng và một số loại phí của hành khách trả cho ACV nhưng được các hãng thu hộ khi bán vé (nhưng hãng chưa thanh toán cho ACV). Trong năm 2020, ACV cũng có văn bản yêu cầu Bamboo Airways trả nợ, thậm chí báo cáo lên cả Cục Hàng không.
Lợi nhuận Bamboo Airways cũng bất ngờ hơn khi lãi của "tập đoàn mẹ" là FLC chỉ đạt mức sau thuế hơn 183 tỷ đồng (giảm 74% so với năm 2019).
Theo giải trình của Tập đoàn FLC với Uỷ ban chứng khoán Nhà nước về lợi nhuận gộp cả năm 2020 âm 3.246 tỷ đồng (tăng 221% so với năm 2019): Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu tập đoàn năm 2020 giảm 16% so với năm 2019, giá vốn bán hàng giảm không đáng kể do chi phí thuê tàu bay, dịch vụ mặt đất và chi phí vận hành khách sạn tăng cao, dẫn tới lợi nhuận gộp trong năm giảm thêm 221% so với năm 2019.
Nhờ doanh thu tài chính tăng 44% do cơ cấu lại các khoản đầu tư, nên FLC vẫn có lãi sau thuế, dù mức lãi chỉ ở mức khiêm tốn là hơn 183 tỷ đồng (giảm 74% so với năm 2019).