Mở rộng sản xuất đầu tư, Gelex thêm nặng gánh nợ vay

BÁO ĐẦU TƯ 06:53 18/05/2021

Tổng nợ của Gelex cuối quý I hơn 21.360 tỷ đồng. Công ty đã đẩy mạnh đầu tư vào Viglacera, các dự án điện gió và cả dự án bất động sản tại số 10 Trần Nguyên Hãn (Hà Nội).

Lãi chứng khoán “gánh” tăng trưởng lợi nhuận

Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) báo cáo kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận sau thuế tăng gấp 3,11 lần, từ mức 93,5 tỷ đồng cùng kỳ lên 291,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng quý này lại không đến từ hoạt động kinh doanh chính.

Dù doanh thu thuần của Gelex tăng tới 26%, tỷ suất lợi nhuận gộp lại giảm mạnh từ mức 16,55% xuống còn 11,68%. Lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh vì vậy giảm 11% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chủ yếu bởi tốc độ tăng chi phí nguyên vật liệu lên tới 32%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng của doanh thu. Mảng sản xuất thiết bị điện và sản xuất vật liệu xây dựng của tổng công ty và các đơn vị thành viên chịu rủi ro lớn từ biến động giá nguyên vật liệu đầu vào. Trong khi đó, tương tự nhiều nguyên liệu thô khác, giá đồng cũng đã tăng mạnh trong một năm qua, từ 2,225 USD/Lbs lên hơn 4 USD/Lbs.

Bù lại, doanh thu tài chính của Gelex quý này cao gấp 5 lần cùng kỳ, đạt 207 tỷ đồng. Riêng lãi kinh doanh chứng khoán đã giúp công ty thu 114 tỷ đồng. Danh mục đầu tư chứng khoán kinh doanh của Gelex đến cuối quý I xấp xỉ 1.850 tỷ đồng và đã có sự thay đổi đáng kể khi gia tăng tỷ trọng trái phiếu và hạ tỷ trọng cổ phiếu với giá gốc đầu tư giảm từ 640 tỷ đồng xuống 430 tỷ đồng.

Cùng đó, theo giải thích từ Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn, khoản lãi lỗ trong công ty liên kết cũng tăng 102 tỷ đồng so với cùng kỳ. Điều này xuất phát từ việc tăng tỷ lệ sờ hữu tại Viglacera từ 24,96% lên 46,07%. Công ty này có lợi nhuận sau thuế công ty mẹ quý 1 tăng so với cùng kỳ từ 98,1 tỷ lên 277,2 tỷ đồng. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu quý I/2021 đạt 527 tỷ đồng.

Nặng gánh nợ vay khi mở rộng sản xuất đầu tư

Quy mô tài sản của Gelex đã tăng nhanh trong năm 2020 và cả quý đầu năm nay lên xấp xỉ 29.947 tỷ đồng, trong khi chỉ đạt 27.152 tỷ đồng cuối năm 2020 và 21.262 tỷ đồng cuối năm 2019. Trong 3 tháng đầu năm 2021, Gelex đã đẩy nhanh giải ngân tại dự án điện gió Gelex 123 và Hướng Phùng tại Quảng Trị.

Đến cuối quý I/2021, giá trị xây dựng dở dang tại các dự án này đã là hơn 1.240 tỷ đồng, tăng gần 540 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm. Ngoài ra, dự án tại số 10 Trần Nguyên Hãn cũng ghi nhận chuyển động đáng chú ý khi các tòa nhà cũ ở đây đã hoàn tất phá dỡ. Giá trị đầu tư đến ngày 31/3 tại dự án đất vàng Hà Nội trên đạt gần 42 tỷ đồng.

Gelex cũng tiếp tục đầu tư vào Viglacera với hơn 500 tỷ đồng giải ngân để mua gom thêm cổ phần VGC trong quý I/2021. Mục tiêu của Gelex là nắm giữ công ty này với tỷ lệ chi phối vào trước quý II/2021 thay vì chỉ là công ty liên kết như thời điểm hiện tại. Báo cáo tài chính hợp nhất của Gelex dự kiến sẽ có nhiều thay đổi sau khi kế hoạch mua chi phối trên được hoàn thành.

Quy mô tài sản của Gelex tăng nhanh trong các năm gần dây - Đvi: Tỷ đồng
Quy mô tài sản của Gelex tăng nhanh trong các năm gần đây - Đvi: Tỷ đồng

Thời gian qua, để thực hiện việc mở rộng sản xuất đầu tư, Gelex phải đẩy nhanh huy động vốn, nhất là qua nguồn vốn vay. Nợ phải trả tại ngày 31/3 là 21.366 tỷ đồng, trong khi quy mô nợ vay chỉ khoảng 18.937 tỷ đồng (cuối năm 2020) và 12.585 tỷ đồng (cuối năm 2019).

Trong đó vay ngân hàng ngắn và dài hạn tăng 19,7% lên 14.463 tỷ đồng, tương đương 48,3% tổng nguồn vốn.

Vay ngân hàng và đối tượng khác ngắn hạn đã tăng lần lượt 1.800 tỷ đồng và 430 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân tăng áp lực trả lãi vay cho Gelex khi chi phí tài chính trong quý I tăng 30% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ vay tại ngày 31/3 cũng đã tăng lên trên 71%.

Link gốc : https://baodautu.vn/mo-rong-san-xuat-dau-tu-gelex-them-nang-ganh-no-vay-d142909.html

Bạn đang đọc bài viết Mở rộng sản xuất đầu tư, Gelex thêm nặng gánh nợ vay tại chuyên mục Big Corp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Big Corp
Các dự án của Ba Đình CIC đều rơi vào tình trạng dở dang, triển khai từ cả chục năm năm trước nhưng mãi chẳng hoàn thành để bàn giao.