Golf được mệnh danh là môn thể thao quý tộc và gắn liền với hình ảnh của giới thượng lưu, nên cũng bởi vậy mà việc đầu tư lĩnh vực này đã tiêu tốn không ít tiền của các đại gia Việt. Bên cạnh những dự án golf được đầu tư bởi một số doanh nhân tên tuổi thì thị trường golf tại Việt Nam cũng xuất hiện không ít các dự án được phát triển bởi những nhà đầu tư khá kín tiếng với truyền thông. Một trong số đó là sân golf Chí Linh.
Sân golf Chí Linh được xây dựng trên diện tích đất 325 ha tại tỉnh Hải Dương và được mệnh danh là “sân golf thách thức nhất Việt Nam”. Dự án này về tay đại gia Nguyễn Tiến Dũng vào khoảng cuối năm 2017 sau đại án GPBank như đã đề cập ở bài viết trước. Chủ đầu tư của dự án là CTCP Đầu tư Phát triển Sân Gôn Chí Linh (ChiLinh Golf) - pháp nhân do CTCP Vật tư nông sản (Apromaco) cùng ông Nguyễn Tiến Dũng nắm giữ tổng cộng 80% cổ phần.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Apromaco trước đây thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được cổ phần hóa tháng 11/2005 và là một trong những doanh nghiệp chuyên doanh phân bón lớn nhất Việt Nam. Tại ngày 23/1/2018, vốn điều lệ của doanh nghiệp này ở mức 192,3 tỷ đồng, thành phần cổ đông được công bố gồm ông Nguyễn Tiến Dũng (33,01%), Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp (7,46%), ông Đinh Trọng Hòa Bình (5,25%).
Đến ngày 31/12/2019, vốn điều lệ của doanh nghiệp này ở mức 192,3 tỷ đồng, Doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng (SN 1963) dù chỉ trực tiếp nắm 1/3 cổ phần song ảnh hưởng thực tế chắc hẳn còn hơn như vậy nhiều, điều này có thể thấy rõ qua vai trò quản trị và điều hành tuyệt đối: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Dưới sự điều hành của Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Tiến Dũng, Apromaco không chỉ dừng lại ở việc cung ứng, kinh doanh nhập khẩu mà còn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất phân bón. Từ giữa năm 2007, dự án nhà máy sản xuất Super Lân tại Lào Cai đã được công ty này bắt đầu xây dựng trên khu đất rộng gần 10 ha. Dự án được đầu tư làm 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Và sau thời gian thi công, đến năm 2009, nhà máy supe lân Apromaco Lào Cai chính thức đi vào hoạt động.
Việc vận hành nhà máy đã nhận được nhiều sự quan tâm cũng như khen ngợi từ phía lãnh đạo nhà nước. Trong một chuyến thăm vào năm 2013, nguyên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lúc đấy còn nhấn mạnh rằng công trình này đi vào hoạt động là “một niềm vui lớn cho ngành nông nghiệp”.
Song hành với đầu tư vào chiều sâu trong sản xuất, kinh doanh trong nước, Apromaco còn mở rộng hoạt động trên thị trường quốc tế. Trong đó, vào năm 2011, ông Nguyễn Tiến Dũng đã ký kết hợp đồng tiêu thụ kali trị giá 60 triệu USD với Belarusian Potash Company (nhà cung ứng kali lớn nhất thế giới) cho sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.
Bên cạnh mảng kinh doanh cốt lõi là sản xuất sản phẩm nông nghiệp, Apromaco cũng mở rộng đầu tư sang lĩnh vực bất động sản với nhiều dự án quy mô lớn, có thể kể đến như Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, nhà ở cao tầng và biệt thự cao cấp Sơn Trà – Điện Ngọc, Đà Nẵng (tổng diện tích 33.894 m2); Dự án Tòa nhà hỗn hợp Nhà ở kết hợp Dịch vụ thương mại tại Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội; Shop Villas Apromaco thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội (tổng diện tích đất 3.262m2) và đặc biệt là dự án Khu dân cư Nam Vĩnh Hải – TP. Nha Trang quy mô 32,88ha với tổng mức đầu tư 1.065 tỷ đồng.
KDC Nam Vĩnh Hải được khởi động từ năm 2004 do CTCP Đông Dương làm chủ đầu tư, sau đó chuyển cho CTCP Khánh Hà và đến năm 2006 được giao cho Apromaco. Dự án được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có tổng diện tích 27,9ha, giai đoạn 2 có diện tích gần 5ha, tuy nhiên đến nay dự án này vẫn chưa thể hoàn thành do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Vào hồi tháng 7/2019, Apromaco thậm chí còn đề nghị bỏ phần diện tích vướng đền bù ra khỏi dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Ngoài ra, đại gia Nguyễn Tiến Dũng còn có sự hứng thú đáng kể với lĩnh vực logsitcis, khi Apromaco là nhà đầu tư chiến lược tại CTCP Xếp dỡ và Dịch vụ Cảng Sài Gòn (mã SAC) hay CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (mã DVP). Theo đó, Apromaco bắt đầu sở hữu cổ phần Cảng Đình Vũ sau khi Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam) - cổ đông nắm giữ 2 triệu cổ phiếu DVP gặp khó khăn về tài chính. Và tính đến ngày 31/12/2018, số cổ phần DVP mà Apromaco nắm giữ là 7,48 triệu cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ 18,7%), còn ông Nguyễn Tiến Dũng đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch HĐQT tại đây. Đối với SAC, doanh nhân gốc Thái Bình này cũng giữ chức vụ Thành viên HĐQT, đồng thời là đại diện cho 202.500 cổ phần (tỷ lệ 5%) của Apromaco.
Về tình hình kinh doanh, theo dữ liệu của Nhadautu.vn, trong 4 năm trở lại đây, quy mô doanh thu của Apromaco (công ty mẹ) luôn đạt trên ngưỡng 3.500 tỷ đồng, trong đó năm 2019 là 3.628 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận thuần trong năm vừa qua lại khá khiêm tốn khi chỉ ở mức 33,2 tỷ đồng. Trong năm 2020, Apromaco đặt kế hoạch 5.000 tỷ đồng tổng doanh thu, và dự kiến mảng dịch vụ golf sẽ đóng góp 88 tỷ đồng, đồng thời lợi nhuận trước thuế ước đạt 30 tỷ đồng.
Ngoài ra, nợ phải trả của doanh nghiệp này trong 4 năm qua cũng duy trì trên mức 1.500 tỷ đồng, đỉnh điểm là năm 2017 với 2.210 tỷ đồng, sau đó giảm về 1.610 tỷ đồng vào năm 2018. Đến năm 2019, nợ phải trả đạt mức 1.756 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn với 1.511 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 241,6 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu ở mức 120 tỷ đồng và có xu hướng tăng lên khi Apromaco thời gian gần đây đang tăng cường huy động vốn qua kênh này.
Theo thống kê của Nhadautu.vn, từ tháng 9/2019 đến nay, Apromaco đã thực hiện tổng cộng 3 đợt huy động vốn qua kênh trái phiếu với tổng giá trị 378,3 tỷ đồng. Ở lần gần nhất (ngày 21/10/2020) Apromaco đã phát hành 158,3 tỷ đồng trái phiếu loại kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn vào ngày 21/10/2023.
Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của doanh nghiệp này ở mức 2.165 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, Apromaco đã phủ sóng trên nhiều tỉnh thành, với việc đặt chi nhánh tại Bắc Giang, Hải Phòng, Đà Nẵng, Lào Cai, Quy Nhơn, Thái Bình và TP.HCM.
Trong đó, đóng góp doanh thu lớn nhất trong năm 2019 là chi nhánh Hải Phòng với 403,3 tỷ đồng và tiếp đến là chi nhánh Đà Nẵng với 267,3 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận thuần thu về tương ứng chỉ ở vài trăm triệu, thậm chí tại Xí nghiệp Xây dựng Apromaco - chi nhánh tại Hà Nội trong năm vừa qua còn báo lỗ hơn 360 triệu đồng.
Ngoài CTCP Đầu tư và Phát triển sân gôn Chí Linh - pháp nhân đã được Nhadautu.vn đề cập ở phần trước thì Apromaco còn sở hữu 4 công ty thành viên khác là Công ty TNHH MTV Supe Lân Apromaco Lào Cai, Công ty TNHH Bao bì Tổng hợp Apromaco, CTCP Vật tư Apromaco Thái Bình và CTCP Hóa chất Apromaco.
Trong năm 2019, Bao bì Tổng hợp Apromaco là công ty có doanh thu lớn nhất với 472 tỷ đồng, tiếp đến là Apromaco Lào Cai với 443 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng giống như các chi nhánh của Apromaco thì 4 công ty con này lại thu về lợi nhuận thuần khá khiêm tốn, thậm chí là báo lỗ 2,7 tỷ đồng như Apromaco Thái Bình.