Tuần này, có 16 doanh nghiệp thông báo chốt quyền để trả cổ tức. Trong đó, 15 công ty chi trả cổ tức bằng tiền mặt và 1 doanh nghiệp trả cổ phiếu kết hợp.
Nhiều thay đổi
Công ty CP Vitaly (mã chứng khoán: VTA) thông báo thay đổi nhân sự cấp cao trong Ban quản trị và Ban điều hành. Theo đó, Hội đồng quản trị Vitaly chấp thuận cho ông Cao Trường Thụ thôi giữ chức Chủ tịch từ ngày 12/3 theo nguyện vọng cá nhân và sẽ trình đại hội cổ đông chấp thuận việc từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020 - 2025 của ông Thụ.
Ông Cao Trường Thụ được bầu vào Hội đồng quản trị VTA và trúng cử chức Chủ tịch từ tháng 5/2020 với tư cách đại diện sở hữu của Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng số 1 (FiCO - mã chứng khoán: FIC).
Công ty CP Vitaly thay người đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị. |
Tại FiCO, ông Thụ đang đảm nhiệm vị trí Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty. Ông Thụ cũng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị tại các công ty con, công ty liên kết của FiCO như Công ty CP Gạch men Thanh Thanh (mã chứng khoán: TTC), Công ty CP Hóa An (mã chứng khoán: DHA), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Cơ khí Đông Anh Licogi (mã chứng khoán: CKD).
Hội đồng quản trị VTA cũng thông qua việc bầu ông Phạm Việt Thắng giữ chức Chủ tịch công ty, thay cho ông Thụ kể từ ngày 14/3. Ông Thắng cũng được FiCO đề cử và trúng cử vào Hội đồng quản trị VTA từ tháng 5/2020 với vị trí thành viên Hội đồng quản trị.
Tại FiCO, ông Thắng đang là thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc. Ông Thắng cũng là Trưởng Ban kiểm soát tại DHA và là thành viên Hội đồng quản trị tại TTC.
Hội đồng quản trị VTA cũng chấp thuận cho ông Lưu Hữu Thùy thôi giữ chức Phó Tổng giám đốc theo nguyện vọng cá nhân. Đồng thời, bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Dũng giữ chức Phó Tổng giám đốc phụ trách sản xuất; bổ nhiệm Trợ lý Tổng giám đốc Nguyễn Văn Sơn làm Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh.
Động thái VTA thay thế nhiều lãnh đạo diễn ra ngay trước thềm đại hội cổ đông thường niên 2024, dự kiến tổ chức vào ngày 12/4 tại Bình Dương. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 4/3.
Công ty CP Hóa An (mã chứng khoán: DHA) bầu ông Nguyễn Văn Lương làm Tổng giám đốc kể từ ngày 13/3. Ngoài DHA, ông Lương cũng đang là thành viên Hội đồng quản trị tại hai công ty niêm yết khác là Công ty CP Sonadezi Châu Đức (mã chứng khoán: SZC) và Công ty CP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (mã chứng khoán: D2D).
Từ ngày 20/3, bà Vũ Nam Hương giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp LPBank. |
Hiện nay, ông Lương nắm giữ 182.440 cổ phần DHA. Tại SZC và D2D, ông Lương không nắm giữ bất kỳ cổ phần nào của hai doanh nghiệp này. Việc thay đổi Tổng giám đốc của DHA diễn ra trong bối cảnh đại hội cổ đông thường niên 2024 của công ty chuẩn bị được tổ chức vào ngày 25/4.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank - mã chứng khoán: LPB) vừa công bố quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm nhân sự đối với bà Vũ Nam Hương. Bà Hương được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp từ ngày 20/3.
Bà Vũ Nam Hương tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính ngân hàng của trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà Hương có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại các doanh nghiệp và tổ chức tài chính, như Ngân hàng Chinfon Đài Loan (Chinfonbank), Công ty CP Chứng khoán VNDirect.
Công ty CP FPT (mã chứng khoán: FPT) vừa bổ nhiệm ông Phạm Minh Tuấn giữ vị trí Phó Tổng giám đốc FPT, từ ngày 13/3. Ông Tuấn đồng thời tiếp tục kiêm nhiệm vai trò Tổng giám đốc FPT Software - công ty thành viên chủ chốt của FPT trong khối công nghệ.
Trong 6 năm đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc FPT Software (từ tháng 3/2018), ông Tuấn đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc giúp công ty tăng trưởng 3,7 lần, ngay cả trong giai đoạn dịch COVID – 19 diễn biến phức tạp.
Ông Tuấn từng giữ nhiều vị trí quan trọng tại các công ty thành viên của FPT, như: Tổng giám đốc Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (2014 - 2018), Tổng giám đốc Công ty Giải pháp Công nghệ FPT (2012 - 2014), Giám đốc điều hành FPT Software TPHCM (2004 - 2011), Phó Tổng giám đốc FPT Software (2005 - 2011)...
Hơn 300 triệu cổ phiếu HPX ra khỏi diện đình chỉ
HoSE vừa quyết định đưa cổ phiếu Công ty CP Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán: HPX) ra khỏi diện đình chỉ giao dịch do công ty không còn vi phạm quy định về công bố thông tin. Theo HoSE, căn cứ tình hình công bố thông tin của Hải Phát, trong 6 tháng liên tục kể từ ngày HoSE ra quyết định đình chỉ giao dịch, doanh nghiệp này không còn vi phạm quy định về công bố thông tin.
Hơn 300 triệu cổ phiếu HPX sẽ ra khỏi diện đình chỉ giao dịch. |
Đến ngày 8/3, Hải Phát đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 theo quy định. Trước đó, HoSE ra quyết định chuyển hơn 304 triệu cổ phiếu HPX vào diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 18/9/2023. Nguyên nhân đình chỉ là do Hải Phát tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, thuộc trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch.
Đầu tháng 3, Hải Phát có văn bản báo cáo khắc phục xong tình trạng chứng khoán bị đình chỉ giao dịch và đề nghị đưa cổ phiếu HPX giao dịch trở lại.
Công ty CP Bến xe Miền Tây (mã chứng khoán: WCS) thông báo ngày chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức năm 2023 là 20/3. Theo đó, WCS dự kiến tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 144%, có nghĩa cổ đông sở hữu 1 cổ phần sẽ nhận 14.400 đồng. Với 2,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Bến xe Miền Tây sẽ chi 36 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức cho cổ đông.
Ngày 19/3 tới, Công ty CP Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái (mã chứng khoán: CAP) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức niên độ 2022 - 2023 với tỷ lệ 100%. Trong đó, 50% được trả bằng tiền mặt và 50% được trả bằng cổ phiếu, có nghĩa cổ đông sở hữu 100 cổ phần sẽ nhận thêm 50 cổ phần mới. Với hơn 10 triệu cổ phiếu đang lưu hành, CAP sẽ chi hơn 50 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông và phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức lần này.
Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của công ty sẽ được nâng lên gần 151 tỷ đồng.
Công ty CP Thực phẩm Cholimex (Cholimex Food - mã chứng khoán: CMF) sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 22/3 để tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 50%. Với 8,1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Thực phẩm Cholimex sẽ chi khoảng 40 tỷ đồng để thanh toán cho các cổ đông.
Theo Báo Tiền phong