Lấy khách hàng làm trung tâm chuyển đổi số

NHVN 08:15 05/11/2023

Là ngân hàng thương mại duy nhất do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, Agribank luôn đi đầu trong thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn

Phủ sóng chuyển đổi số

Trong định hướng phát triển, Agribank luôn xác định mục tiêu phát triển bền vững, trở thành ngân hàng hiện đại, thực hiện tốt chương trình Chuyển đổi số quốc gia và chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đến nay, Agribank có tổng tài sản đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ gần 70%.

Agribank có mạng lưới hoạt động rộng khắp trải dài trên mọi miền đất nước, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo với gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, 68 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, hơn 3.700 máy ATM/CDM, gần 24.000 POS/EDC, triển khai mô hình Ngân hàng số - Agribank Digital để phục vụ nhu cầu giao dịch thanh toán của hơn 22 triệu khách hàng mở tài khoản và sử dụng dịch vụ thanh toán, gần 4 triệu khách hàng vay vốn.

Đáng chú ý, công tác chuyển đổi số của Agribank trong hoạt động ngân hàng được thực hiện theo định hướng lấy khách hàng là trung tâm, phục vụ khách hàng trực tiếp tại các quầy giao dịch và kênh thanh toán điện tử, đem lại những trải nghiệm trong sử dụng dịch vụ thanh toán trên ứng dụng công nghệ số tốt nhất cho khách hàng.

Về kết quả đạt được, ông Linh Đức Hoàng - Trưởng Ban Khách hàng cá nhân Agribank cho biết, với hơn 18 triệu thẻ ghi nợ nội địa trên toàn hệ thống, gần 1 triệu thẻ thấu chi, thẻ Lộc Việt tại thị trường nông nghiệp, nông thôn, các sản phẩm dịch vụ thẻ được mở rộng, đảm bảo thuận tiện, nhanh chóng và an toàn, góp phần quan trọng trong phát triển mạng lưới thanh toán, hướng tới số hóa toàn bộ dịch vụ thẻ với đầy đủ các chức năng cơ bản như một ngân hàng thu nhỏ như Đăng ký thông tin khách hàng bằng sinh trắc học khuôn mặt/vân tay; mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ, giao dịch tài chính tại CDM như rút tiền, nạp tiền, chuyển khoản… giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.

Khách hàng đang trải nghiệm dịch vụ ngân hàng số của Agribank
Khách hàng đang trải nghiệm dịch vụ ngân hàng số của Agribank

“Đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông thôn với sản phẩm thẻ thấu chi, thẻ Lộc Việt sử dụng công nghệ tích hợp chức năng của thẻ tín dụng nội địa và thẻ ghi nợ nội địa góp phần thực hiện tốt chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh có sự phát triển mạnh mẽ của các công ty Fintech, trung gian thanh toán, lành mạnh hóa thị trường tín dụng vi mô, góp phần hạn chế nạn tín dụng đen trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn”, ông Hoàng thông tin.

Đến nay trong số hơn 16 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Banking, có hơn 10 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Agribank E-Mobile Banking, số lượng giao dịch, doanh số giao dịch tăng nhanh hàng năm.

Đối với chuyển đổi số qua kênh phân phối Internet Banking, Agribank tập trung triển khai hệ thống E-Banking mới đa kênh nhằm đa dạng việc cung cấp các dịch vụ tiện ích về thanh toán trên kênh điện tử cho tất cả các khách hàng, từng bước triển khai tại các khu vực có điều kiện về hạ tầng viễn thông trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Agribank đã triển khai Hệ thống thanh toán hóa đơn tập trung (BillPayment), với gần 7.000 nhà cung cấp dịch vụ, các ví điện tử, công ty fintech, sàn thương mại điện tử, VETC, công ty điện nước, viễn thông…, cho phép kết nối toàn bộ các điểm giao dịch Agribank, cung cấp phương tiện thanh toán ngân hàng hiện đại, thanh toán online 24/7 thay cho hình thức thanh toán hóa đơn truyền thống khi người dân phải trực tiếp đến điểm cung cấp dịch vụ để chi trả cho nhiều loại hóa đơn hàng tháng. Agribank Billpayment xây dựng trên thống nền tảng mở, khả năng chịu tải lớn trên nền tảng kiến trúc công nghệ mới đa kết nối kể cả đối với những đối tác chưa kết nối online, đồng thời, cung cấp được các kênh thanh toán tài khoản ảo và thanh toán qua mã QR để khách hàng không có tài khoản Agribank vẫn có thể thanh toán các dịch vụ có kết nối với Agribank.

Cùng với việc phát triển các dịch vụ thanh toán trên kênh số, Agribank ưu tiên đầu tư các dự án công nghệ nhằm nâng cấp hạ tầng các trung tâm dữ liệu, hệ thống mạng, phát triển các hệ thống ứng dụng phục vụ yêu cầu quản trị điều hành và phát triển sản phẩm dịch vụ mới, kênh phân phối mới.

Agribank đã ban hành kế hoạch Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu tối thiểu 80% khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, tỷ trọng doanh thu từ các kênh số đạt trên 55%, tối thiểu 70% quyết định giải ngân, cho vay của Agribank đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động, tối thiểu 90% hồ sơ công việc tại Agribank được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước).

Tháo gỡ cơ chế thúc đẩy chuyển đổi số

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số hoạt động ngân hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn gặp một số khó khăn, thách thức như trình độ và kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong giao dịch thanh toán của người dân không đồng đều. Tại những vùng nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo nhiều người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán trên kênh điện tử; thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt vẫn còn tồn tại nhất là đối với khách hàng tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn; hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông tại một số địa phương còn chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi số theo chương trình, mục tiêu của Chính phủ.

Để thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng gắn với phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, đại diện Agribank đưa ra 5 kiến nghị, đề xuất.

Thứ nhất, cho phép và hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong việc kết nối, khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử; gắn mã số định danh công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lý và xác thực thông tin khách hàng và người thụ hưởng khi cung ứng sản phẩm, dịch vụ.

Thứ hai, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần xây dựng chính sách và bố trí nguồn lực để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin tại địa bàn nông nghiệp nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, để người dân có thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ viễn thông, dịch vụ ngân hàng số được thuận lợi.

Thứ ba, hiện nay cùng với xu thế phát triển về công nghệ thông tin, xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ để ăn cắp thông tin, chiếm đoạt tiền trên tài khoản thanh toán của khách hàng... Agribank đề nghị các cơ quan chức năng có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ứng dụng công nghệ cao để triển khai các dịch vụ thanh toán trên kênh số an toàn và hạn chế rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng cơ chế, chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng cùng với việc hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, tạo hành lang pháp lý để các ngân hàng triển khai đa dạng, đa kênh thanh toán phục vụ khách hàng, tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận các dịch vụ thanh toán hiện đại của ngân hàng nhanh chóng và tiện lợi.

Thứ năm, ban hành chính sách để khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ, trung gian thanh toán đầu tư phát triển công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật, mạng lưới giao dịch để tăng khả năng phục vụ nhu cầu thanh toán của người dân tại khu vực nông nghiệp nông thôn, góp phần thực hiện tốt các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống thanh toán của ngân hàng trong nền kinh tế - xã hội.

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/lay-khach-hang-lam-trung-tam-chuyen-doi-so-145805.html

Bạn đang đọc bài viết Lấy khách hàng làm trung tâm chuyển đổi số tại chuyên mục Tin tức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức