Đặc biệt nhà băng này đang sở hữu khoản nợ tới 21.490 tỷ đồng.
Lãi lớn nhưng dòng tiền kinh doanh âm nặng, nợ xấu tăng mạnh
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, lợi nhuận trước thuế Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank, HOSE: LPB) lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt 1.233,7 tỷ đồng, tăng 61,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là nhiều mảng kinh doanh của LienVietPostBank đạt kết quả khả quan so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Mặc dù đạt kết quả kinh doanh khả quan trong trong 9 tháng đầu năm nhưng LienVietPostBank ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm nặng và nợ xấu tăng mạnh. |
Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 44,6% đạt hơn 9.128 tỷ đồng; Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 42,7% đạt 779,4 tỷ đồng; Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng đột biến đạt 342,7 tỷ đồng; Lãi thuần từ hoạt động khác đạt 213,2 tỷ đồng,…
Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.822,3 tỷ đồng, tăng 72% so với 9 tháng đầu năm 2021. Lãi sau thuế đạt hơn 3.842,3 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ngân hàng đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021. Như vậy, chỉ sau 9 tháng đầu năm, LienVietPostBank đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Dù đạt kết quả kinh doanh ấn tượng nhưng điều khó hiểu là dòng tiền hoạt động kinh doanh và đầu tư của LienVietPostBank lại âm tới hơn 2.737,5 tỷ đồng. Điều này khiến nhiều khách hàng và đầu tư không khỏi nghi vấn về lợi nhuận của LienVietPostBank.
Cụ thể, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền hoạt động kinh doanh của LienVietPostBank tính đến ngày 30/6/2022 âm hơn 2.592 tỷ đồng; Dòng tiền hoạt động đầu tư âm 145,2 tỷ đồng; Tuy nhiên nhờ dòng tiền hoạt động tài chính dương gần 3.000 tỷ đồng nên dòng tiền thuần của LienVietPostBank dương 262,5 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022.
Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 313.480 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 9% đạt gần 227.944 tỷ đồng; Tiền gửi khách hàng đạt hơn 193.533 tỷ đồng, tăng 7,3%.
Đáng chú ý, cuối quý 3/2022, tổng nợ xấu của LienVietPostBank đạt mức 3.190 tỷ đồng, tăng 11,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, Nợ nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 24,7% lên mức hơn 574 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) giảm 24,5% xuống mức 807,5 tỷ đồng; Nợ nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) tăng 35,6% lên mức 1,808,4 tỷ đồng, chiếm gần 56,7% tổng nợ xấu của LienVietPostBank.
“Sôi động” phát hành và mua lại trái phiếu trước hạn
Hiện LienVietPostBank đang có dự nợ trái phiếu là 21.490 tỷ đồng. |
Theo thống kê dữ liệu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), LienVietPostBank phát hành tới 7 lô trái phiếu với tổng giá trị 6.000 tỷ đồng.
Cụ thể, tháng 5/2022, LienVietPostBank phát hành lô trái phiếu LPBH2225001 có giá trị 500 tỷ đồng, đáo hạn vào ngày 25/5/2025.
Sang tháng 6/2022, LienVietPostBank phát hành lần lượt 3 lô trái phiếu LPBH2224002, LPBH2225003, LPBH2225004 với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng.
Đến tháng 7/2022, LienVietPostBank tiếp tục phát hành 3 lô trái phiếu LPBH2225005, LPBH2225006, LPBH2225007 có tổng giá trị 2.500 tỷ đồng.
Song song với việc phát hành trái phiếu, LienVietPostBank cũng tích đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn để giảm thiểu rủi ro. Theo HNX, trong năm 2022, ngân hàng này mua lại toàn bộ 9 lô trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 8.000 tỷ đồng. Tất cả các lô trái phiếu này được LienVietPostBank phát hành trong tháng 6 và tháng 7/2021 và ngân hàng này mua lại sau 1 năm phát hành.
Dù vậy hiện LienVietPostBank đang có lưu hành tới 22 lô trái phiếu khác nhau với tổng giá trị 21.490 tỷ đồng.