Chia sẻ với truyền thông ngày 6/1, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietcombank cho biết, trong năm 2020 lợi nhuận của ngân hàng đạt hơn 23.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1 tỷ USD. Đây là năm đầu tiên trong vòng 5 năm trở lại đây lợi nhuận của nhà băng này không tăng trưởng.
Vì sao lại như vậy?
Theo ông Thành, năm qua ngân hàng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khách hàng và doanh nghiệp, đồng thời tăng trích lập dự phòng rủi ro phòng ngừa những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, ngân hàng có 5 đợt giảm lãi suất - nhiều nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng, với số tiền lợi nhuận "hi sinh" là 3.700 tỷ đồng. Ngân hàng cũng tăng mạnh quỹ dự phòng rủi ro, với tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đến cuối năm 2020 đạt tới 380% - tức mỗi 100 đồng nợ xấu thì có 380 đồng dự phòng - con số cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.
Vietcombank năm qua còn đóng góp vào ngân sách nhà nước lên đến 9.000 tỷ đồng, là doanh nghiệp có mức đóng ngân sách cao nhất cả nước. Với việc giá cổ phiếu VCB lên trên 100.000 đồng/cp, Vietcombank cũng trở thành doanh nghiệp có vốn hoá thị trường cao nhất trên sàn chứng khoán với gần 390 nghìn tỷ đồng, vượt Vingroup.
Xét về con số tuyệt đối, mức tăng trưởng tín dụng 14% ở Vietcombank tương đương 110 nghìn tỷ đồng được bơm thêm ra thị trường, đây là con số cao nhất hệ thống, cao hơn nhiều so với tổng dư nợ của không ít các nhà băng.
Về chất lượng tín dụng, theo ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, tỷ lệ nợ xấu được ngân hàng kéo xuống mức thấp nhất trong lịch sử, cũng là mức thấp nhất toàn ngành với chỉ 0,6% trên tổng dư nợ.
Như vậy đến thời điểm này đã có 2 "ông lớn" ngân hàng tiết lộ kết quả kinh doanh. Trước đó, tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của VietinBank, nhà băng này đã "khoe" lãi tới hơn 16.400 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng trên 43% so với năm 2019 bất chấp Covid-19 xảy ra.