Đánh giá về vấn đề NSLĐ thời gian qua, GS. TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ cho biết, NSLĐ của Việt Nam đã được cải thiện nhiều trong nhưng vẫn còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Trong ba khu vực lớn của nền kinh tế, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn dẫn đầu về mức NSLĐ, khu vực kinh tế nhà nước ở vị trí thứ hai và khu vực kinh tế ngoài nhà nước có mức NSLĐ thấp nhất.
Mặc dù được coi là một động lực quan trọng của nền kinh tế, tuy nhiên khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên gặp hạn chế trong việc nâng cao NSLĐ. Nguyên nhân do khó tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiếp cận tín dụng chính thức hạn chế, thiếu lao động có kỹ năng, khó tham gia, học hỏi từ chuỗi giá trị do các doanh nghiệp FDI dẫn dắt, hòa nhập chậm chạp vào chuỗi giá trị toàn cầu và không khai thác được hiệu quả kinh tế nhờ lợi thế về quy mô…
Khu vực kinh tế cá thể có mức NSLĐ thấp nhất, đạt 17,83 triệu đồng/lao động năm 2010 và tăng lên mức 27,52 triệu đồng/lao động năm 2018, chưa bằng 1/2 NSLĐ tổng thể. Nhưng đây là khu vực kinh tế quan trọng vì tạo ra hơn 70% việc làm của nền kinh tế. Vì vậy, dịch chuyển lao động từ khu vực kinh tế cá thể sang các khu vực tiên tiến có quy mô lớn hơn diễn ra thuận lợi thì NSLĐ tổng thể sẽ tăng lên rất nhanh. Do đó, việc tạo môi trường để doanh nghiệp phát triển lên quy mô lớn hơn là bài toán cốt lõi để nâng cao NSLĐ của toàn nền kinh tế.
Về đóng góp của tăng năng suất các khu vực và chuyển dịch cơ cấu lao động đến tăng trưởng NSLĐ, trong giai đoạn 2011-2018, khu vực kinh tế cá thể có đóng góp lớn nhất, tiếp đó là khu vực kinh tế FDI và cuối cùng là khu vực kinh tế nhà nước. Nếu phát triển kinh tế số theo kịch bản chuyển đổi số từ mức chậm đến các mức gia tăng ứng dụng công nghệ số khác nhau, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam sẽ đạt mức trung bình thấp nhất là 6,25%, cao nhất là 6,97%. Tính cho cả giai đoạn 2020 - 2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số đóng góp từ 7% cho đến 16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng NSLĐ tổng thể.
Từ những dẫn chứng trên, GS. TS Trần Thọ Đạt nhấn mạnh: “Kinh tế số đóng góp quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời là động lực mới cho cải thiện nhanh chóng NSLĐ”.
Kết quả dự báo cho tất cả các kịch bản đều cho thấy kinh tế số có ảnh hưởng lớn nhất đến tăng trưởng NSLĐ của khu vực kinh tế FDI, tiếp đến là khu vực kinh tế tư nhân. Trong khi đó, đóng góp của kinh tế số đến tăng trưởng NSLĐ ở khu vực kinh tế nhà nước còn hạn chế.
Trong thập niên tiếp theo, khu vực kinh tế FDI sẽ có đóng góp lớn nhất (khoảng 46%) cho tăng trưởng NSLĐ tổng thể; khu vực kinh tế tư nhân có đóng góp lớn thứ hai (khoảng 29%); vị trí thứ ba là khu vực kinh tế cá thể với tỷ trọng đóng góp khoảng 15%. Kinh tế số có tác động nhiều nhất đến NSLĐ ở các ngành liên quan đến khoa học công nghệ; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, kinh doanh bất động sản; công nghệ thông tin truyền thông; đóng góp thấp nhất ở ngành nông lâm thủy sản và ở mức khiêm tốn đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngoài ra, kinh tế số có tác động thúc đẩy gia tăng NSLĐ nội các ngành này hơn là tác động đến chuyển dịch cơ cấu lao động.
Đồng quan điểm, PGS,TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: NSLĐ của Việt Nam liên tục gia tăng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước. Vẫn còn khoảng cách khá lớn về mức NSLĐ giữa các ngành top đầu với các ngành còn lại trong nền kinh tế. Do chỉ có khoảng hơn 2% lao động trong nền kinh tế làm việc trong top 4 ngành có mức NSLĐ cao nhất nên có thể nhận định rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến mức NSLĐ tổng thể của nền kinh tế thấp là hầu hết việc làm tập trung trong những ngành có mức NSLĐ thấp.
Bên cạnh đó, theo Giáo sư Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản, để tăng NSLĐ quốc gia, Việt Nam cần có một chính sách tổng thể, theo đó, hướng tới mức tăng trưởng về NSLĐ bền vững từ 7%-8%. Trước mắt, có thể tập trung thúc đẩy tăng NSLĐ trong ngành công nghiệp, sau đó mới tới các ngành như nông nghiệp và dịch vụ. Đối với quốc gia nhận được một lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài như Việt Nam, chiến lược tăng NSLĐ sẽ có thể nhắm vào việc thu hút FDI chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành sản xuất trong nước; đồng thời, xây dựng liên kết chặt chẽ giữa 2 lĩnh vực này.
Đặc biệt, chuyên gia Kenichi Ohno cũng nhấn mạnh, để tăng NSLĐ trong bối cảnh Việt Nam cùng nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đang bị cuốn theo cơn lốc của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp cần nỗ lực nâng cao trình độ, tích cực ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh và khuyến khích các ý tưởng đổi mới sáng tạo để vận dụng trong mọi hoạt động.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, nhất là các doanh nghiệp trẻ, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần nhận thức, công nghệ và ý thức kỷ luật lao động chính là giải pháp hiệu quả và thực tiễn nhất để thúc đẩy NSLĐ và từ đó mới có thể thu lại hiệu quả.
Thanh Tùng