Doanh nghiệp ô tô hồi sinh

Theo Người đưa tin 11:04 17/02/2022

Kết quả kinh doanh kém sáng vào 9 tháng đầu năm, nhưng trong quý cuối cùng của năm 2021 hầu hết doanh nghiệp ô tô đều "lên hương" nhờ chính sách mới của Chính phủ.

Dịch bệnh bùng nổ khiến sức mua suy giảm

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 tiếp tục bùng phát tại nhiều tỉnh và thành phố đã kìm hãm đà hồi phục của thị trường ô tô trong 9 tháng đầu năm 2021.

Đây là lần đầu tiên các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô phải tạm dừng tất cả mọi hoạt động để phòng dịch. Lần đầu tiên hàng loạt hệ thống đại lý phân phối ô tô phải đóng cửa, chuyển sang kinh doanh trực tuyến. Và đây cũng là năm đầu tiên, doanh số bán ô tô theo tháng giảm kỷ lục, về mức thấp nhất trong vòng gần 10 năm qua (chỉ bán vỏn vẹn 8.884 xe các loại trong tháng 8/2021).

Nhiều hãng xe đã thực hiện nghiên cứu phát triển kênh mua bán online với các chương trình ưu đãi hấp dẫn hướng tới khách hàng nhằm thu hút người mua. Hàng loạt mẫu mã ô tô từ xe phổ thông đến xe hạng sang, từ xe lắp ráp đến ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đều lần lượt giảm giá bán từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Kinh tế - Doanh nghiệp ô tô hồi sinh

Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh kênh bán hàng online và tung ra nhiều chương trình giảm giá để kích cầu.

Mặc dù vậy thì sức mua của thị trường vẫn rất yếu do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh khiến nhu cầu mua sắm xe, đặc biệt là những chiếc xe có giá trị cao khi giá thành dao động từ khoảng vài trăm triệu lên đến vài tỷ đồng của người dân là vô cùng thấp.

Chỉ đến khi vào quý IV/2021, thị trường kinh doanh ô tô mới dần hồi phục. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thay vì mục tiêu zero-Covid, Việt Nam đã điều chỉnh sang mô hình sống chung an toàn, vừa kiểm soát các đợt bùng phát dịch, vừa mở cửa trở lại nền kinh tế và khôi phục lại cuộc sống bình thường của người dân. Từ đó, thị trường kinh doanh ô tô bắt đầu được mở cửa thông thoáng trở lại cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh dần được hồi phục.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ tái áp dụng quy định giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã trải thảm cho thị trường ô tô dần ổn định, trở lại đà tăng trưởng và bùng nổ như thời điểm trước dịch. Quy định này chính thức được áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến 31/5/2022.

Trên thực tế, nhìn vào số lượng xe bán ra vào các tháng 10, 11 và 12 của năm 2021 cũng cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của thị trường ô tô trong quý cuối cùng của năm tài chính 2021.

Thông tin từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính riêng trong tháng 10/2021 toàn thị trường kinh doanh ô tô đã bán được 29.797 xe, tăng 120% so với tháng 9/2021. Trong đó, xe du lịch tăng 138% lên 19.865 xe; xe thương mại tăng 94% lên 9.492 xe và xe chuyên dụng tăng 45% so với tháng 9, đạt 404 xe. Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước cũng tăng mạnh, tới 110% so với tháng trước, đạt 15.344 xe. Doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 14.453 xe, tăng 132%.

Đến tháng 11/2021, trên thị trường tiêu thụ được 38.656 xe các loại, tiếp tục tăng thêm 30% so với tháng 10 trước đó. Trong đó, xe lắp ráp trong nước tiêu thụ 20.965 chiếc, tăng 37%; xe nhập khẩu nguyên chiếc bán được 17.691 chiếc, tăng 22%. Cũng theo VAMA, nếu tính 11 tháng qua, tiêu thụ ôtô các loại tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xe du lịch giảm 4%, xe lắp ráp trong nước giảm 10%, xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng 26%.

Tiếp đà tăng trưởng, doanh số bán xe của các đơn vị kinh doanh bán lẻ ô tô trong tháng 12/2021 ghi nhận đạt 46.759 xe, tăng 21% so với tháng trước đó. Trong tổng doanh số này có 36.859 xe du lịch, tăng 33%; 9.294 xe thương mại, giảm 10%; và 606 xe chuyên dụng, giảm 1% so với tháng trước.

Doanh nghiệp ô tô bứt phá trong quý 4

Báo cáo tài chính quý 4/2021 của loạt doanh nghiệp kinh doanh phân phối xe ô tô các loại tại Việt Nam cũng ghi nhận nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Trong quý IV/2021, Công ty Cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, MCK: HAX) đạt doanh thu thuần 2.156 tỷ đồng, tăng 19% so với mức 1.818,7 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020. Dù doanh thu tăng nhưng các chi phí hoạt động như bán hàng, quản lý doanh nghiệp và tài chính chỉ đi ngang so với quý IV/2020 nên công ty này báo lãi gấp đôi cùng kỳ.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt 157,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 77,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lcủa doanh nghiệp ghi nhận 125,5 tỷ đồng. Đây là khoản lợi nhuận cao nhất một quý mà nhà phân phối Mercedes-Benz này đạt được.

Giải trình kết quả kinh doanh, Haxaco cho biết trải qua năm 2021 nhiều khó khăn vì dịch Covid-19 nhưng cũng xuất hiện cơ hội trong hoạt động kinh doanh. Giai đoạn tháng 6-9/2021, gần như toàn bộ showroom phải đóng cửa, doanh nghiệp này lỗ hơn 33 tỷ đồng - mức lỗ kỷ lục và là quý lỗ đầu tiên kể từ khi Haxaco lên sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, khi Tp.HCM mở cửa lại từ đầu quý IV/2021, Haxaco đã nhanh chóng thích ứng với trạng thái "bình thường mới". Công ty đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá trực tuyến, tối đa hóa lợi nhuận trên từng chiếc xe, tiếp tục giảm các chi phí phát sinh.

"Chính sách giảm 50% phí trước bạ với xe lắp ráp trong nước có hiệu lực từ đầu tháng 12/2021 cũng kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Nhờ đó, lượng xe bán ra của Haxaco đã tăng trưởng trở lại và đạt chỉ tiêu doanh số bán hàng" - nhà phân phối xe sang này cho biết.

Không thể không kể đến kết quả kinh doanh quý 4 của Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico, MCK: SVC), sau 3 quý đầu năm kinh doanh kém lao dốc, thậm chí trong quý 3 doanh nghiệp này còn ghi nhận lỗ tới 30 tỷ đồng.

Nhưng sau khi kết thúc quý 4, Savico ghi nhận lãi sau thuế trong quý lên tới 122 tỷ đồng, mặc dù giảm gần 9% so với quý 4/2020 nhưng đây vẫn là con số cải thiện mạnh so với khoản lỗ quý 3 trước đó.

Luỹ kế cả năm 2021, Savico ghi nhận đạt 14.122 tỷ đồng tiền doanh thu thuần, giảm 12% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ xuống còn gần 213 tỷ đồng.

Năm 2021 Savico đặt mục tiêu lãi sau thuế gần 237 tỷ đồng, nhờ kết quả kinh doanh tích cực trong quý cuối năm nên doanh nghiệp đã thực hiện được khoảng 90% kế hoạch đề ra. Trong khi trước đó kết thúc 9 tháng đầu năm tỷ lệ hoàn thành kế hoạch chỉ là 38%.

Thương mại là hoạt động kinh doanh chính của Savico khi đóng góp tới 90% doanh thu hàng năm, trong đó phân phối ô tô đem lại phần lớn doanh thu của mảng này cho doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp phân phối ô tô lớn khác là Công ty Cổ phần City Auto (MCK: CTF) ghi nhận doanh thu quý 4/2021 đạt 1.673 tỷ đồng, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng đây là một kết quả đáng được ghi nhận khi trong quý III/2021 doanh nghiệp đang lỗ tới 7,4 tỷ đồng, doanh thu cũng ghi nhận vỏn vẹn 354 tỷ đồng. Như vậy, trong quý IV doanh nghiệp đã lấy lại đà để nhận về mức doanh thu thuần cao gấp 5 lần so với quý trước đó.

Sau khi khấu trừ đi mọi chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp ô tô trong quý 4/2021 ghi nhận lên tới 41 tỷ đồng, cao gấp 208 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ cũng đạt kỷ lục 39 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 1,1 tỷ đồng quý 4/2020.

Lũy kế cả năm 2021, CTF ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.512 tỷ đồng, giảm 20% so với năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế tăng lên mức 50,3 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 1,4 tỷ lợi nhuận của năm 2020.

Phía CTF lý giải do chính sách mở cửa trở lại cho ngành ô tô trong nước của Chính phủ cũng như nhu cầu sử dụng xe của khách hàng tăng cao, đồng thời chính sách hỗ trợ chi phí mặt bằng và chính sách tiết kiệm chi phí của Công ty đã giúp chi phí hoạt động được giảm đi một phần so với cùng kỳ. Chi phí được giảm đáng kể so với năm trước đã giúp lợi nhuận của doanh nghiệp tăng mạnh.

Cũng không kém cạnh với anh em trong ngành, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM, MCK: VEA) cũng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng so với cùng kỳ.

Cụ thể, tính riêng quý 4 doanh thu thuần đạt 1.182 tỷ đồng, tăng 18,3% so với quý 4/2020. Tổng giá trị đầu tư vào các công ty liên doanh liên kết của VEAM ghi nhận gần 1.100 tỷ đồng mà giá trị hiện tại đã lên đến gần 5.200 tỷ đồng. Nếu như trong 3 quý đầu năm 2021, doanh nghiệp rơi vào khốn đốn vì doanh số bán xe tại các công ty liên doanh liên kết sụt giảm thì tới quý IV VEAM đã "kiếm đủ" từ khoản đầu tư này.

Danh sách các công ty liên doanh liên kết với VEAM có những cái tên nổi bật như Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam - đây là những tên tuổi chính mang về khoản lãi hơn 1.700 tỷ đồng trong quý 4 vừa qua cho doanh nghiệp.

Sau khi khấu trừ mọi chi phí, quý 4/2021 VEAM báo lãi trước thuế 1.920 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 8,5% lên 1.888 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2021 doanh thu đạt 4.019 tỷ đồng, tăng trưởng 9,6% so với năm 2020 và lợi nhuận sau thuế TNDN của VEAM ghi nhận tăng lên mức 5.794 tỷ đồng.

Các công ty liên doanh liên kết tăng mạnh doanh số bán xe vào quý cuối năm đã góp phần lớn trong việc mang về cho công ty khoản lãi hơn 5.100 tỷ đồng cả năm, đi ngang so với năm trước đó.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp ô tô hồi sinh tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh