Theo đánh giá của giới chuyên gia, ngành thuỷ sản đang đứng trước nhiều khó khăn.
Xuất khẩu giảm
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thuỷ sản giảm ở tất cả các sản phẩm chủ lực, xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu trong tháng 8/2021 giảm từ 16% đến 50% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Nhật Bản cũng giảm 36%...
Sản xuất, xuất khẩu cá tra giảm mạnh do dịch Covid-19 (Ảnh minh họa) |
Dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở ĐBSCL - khu vực chiếm đến 90-95% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của toàn quốc, nơi đây cũng tập trung lực lượng lao động chính của ngành hàng. Điều này khiến cho ngành thuỷ sản rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn, áp lực đứt gãy chuỗi cung ứng gia tăng.
Theo ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (tỉnh Sóc Trăng), muốn thu hoạch tôm mà tránh thất thoát, giữ được chất lượng trước khi đưa vào chế biến, ngành chế biến tôm cần một đội ngũ lao động chuyên nghiệp trong thu hoạch tôm. Song trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, lực lượng lao động đi lại khó khăn, dẫn đến không đủ nhân lực đủ để thu hoạch tôm.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thuỷ sản Minh Phú cho biết: Hiện nhu cầu mua tôm của khách hàng nước ngoài rất lớn, giá tôm cũng tăng cao mà doanh nghiệp (DN) không thể sản xuất hết công suất. Số lượng công nhân đi làm chỉ chiếm 23,8%, đồng nghĩa với việc công suất của các nhà máy giảm. Hiện tại, đơn hàng của DN đang nợ rất nhiều.
Ông Quang cũng cho biết đang lo lắng vì tháng 10, tháng 11 không có nguyên liệu để trả các đơn hàng cho đối tác nước ngoài. DN đã đề nghị triển khai gấp và khuyến khích người dân thả nuôi tôm ngay từ bây giờ để cuối tháng 11, tháng 12 có tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu đi các nước châu Á, còn các nước ở xa như châu Âu, châu Mỹ thì không kịp.
Đại diện nhiều DN cho biết, do giãn cách nên chuỗi cung ứng tôm gần như bị đổ vỡ. Nguy cơ những tháng cuối năm thiếu trầm trọng nguyên liệu. Nhiều công ty đã chủ động tăng giá tôm để nông dân tăng nuôi, thả tôm. Tuy nhiên, nhiều người dân lo lắng dịch bệnh bùng phát, khi đó DN lại không thu mua được nên vẫn đang chần chừ.
Còn tại Bến Tre, nơi có diện tích nuôi thả cá tra lớn, cũng trong tình trạng khó khăn tương tự. 9 tháng năm 2021, cả tỉnh thả giống được 535ha, sản lượng 135 nghìn tấn trong khi đó trung bình hàng năm diện tích nuôi cá tra của tỉnh khoảng 800ha. Việc tiêu thụ cá tra khó khăn, giá cá thương phẩm giảm trong khi giá thành sản xuất tăng khiến cho người nông dân rơi vào cảnh “bỏ thì thương vương thì tội”. Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các cơ sở nuôi thả giống chậm, các nhà máy chế biến, chuỗi cung ứng giảm nên công suất giảm; công nhân ở các nhà máy cũng giảm.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) chia sẻ vẫn còn nhiều khó khăn cho các DN cá tra khi bước sang giai đoạn bình thường mới. Đó là việc tại nhiều địa phương tình hình dịch bệnh còn tiềm ẩn phức tạp, nhiều DN đã hết khả năng thực hiện 3 tại chỗ. Cùng với đó là việc số lượng công nhân chưa được tiêm vaccine còn cao, công nhân quay lại còn gặp nhiều khó khăn; chuỗi cung ứng trong thời gian qua đã bị đứt gãy nhiều nơi gây khó khăn cho các DN để phục hồi sản xuất…
Giải pháp nào?
Theo thống kê sơ bộ, hiện chỉ có 30% - 40% các DN trong ngành chế biến xuất khẩu thuỷ sản có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Số DN còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất. Chi phí chung cho sản xuất tăng rất cao đang là áp lực lớn cho DN khôi phục sản xuất.
Giới chuyên gia cho rằng, để chuỗi cung ứng được thông suốt, vấn đề phối hợp giữa tỉnh, thành cần được tính đến. Hình thành chuỗi sản xuất an toàn, liên kết giữa các vùng xanh, tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất mang tính dây chuyền.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, phải khẩn trương tiêm vaccine cho công nhân, người lao động. Đồng thời phải có sự phối kết hợp kịp thời, thông suốt trong chỉ đạo giữa các bộ, cơ quan, ban ngành và địa phương. Như vậy, mới vận hành thông suốt tất cả các khâu từ thu mua, chế biến, sản xuất, phân phối…
Theo bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cần tạo sự đồng thuận giữa các tỉnh để có phương án, bộ quy tắc phòng chống dịch bệnh tại nhà máy thủy sản và nhà máy cá tra nói riêng. Bà Tường Lan cũng cho rằng, việc huy động lực lượng lao động hiện đang là vấn đề nan giải, do vậy, việc sử dụng nhân công như thế nào, chọn lựa ra sao để đưa vào nhà máy cũng nên có những quy định cụ thể.
“Bên cạnh đó, quy định test nhanh, PCR chưa thống nhất giữa các địa phương, khiến kinh phí DN phải chi trả khá lớn, do đó, chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Y tế xem xét xây dựng bộ quy tắc cho xét nghiệm, cũng như vấn đề vaccine, tạo điều kiện để người lao động trở lại làm việc trong giai đoạn bình thường mới” – bà Tường Lan nói.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam đã đẩy ngành thủy sản lâm vào thế vô cùng khó khăn khi đứng trước nguy cơ mất thị trường xuất khẩu, đứt gãy chuỗi sản xuất. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đã đến lúc phải tư duy lại về không gian phát triển vùng. Chính quyền và DN cũng cần phải ngồi lại để kiến tạo ra một không gian phát triển, giúp định hướng chiến lược phát triển dài hạn, gắn kết và tạo ra giá trị lớn của từng ngành hàng.
Theo Đại đoàn kết