Thực tế cho thấy, hiện nay giá nhà đất tại Hà Nội đã hình thành mặt bằng giá mới. Nếu 3 năm trước căn hộ cao cấp khoảng 35-45 triệu đồng/m² thì hiện nay phân khúc này đã điều chỉnh lên mức 40-60 triệu đồng/m². Còn các phân khúc khác cũng đã liên tục thiết lập những mặt bằng giá mới trong 2 năm qua.
Trước đó, trong báo cáo về thị trường bất động sản công bố vào tháng 5/2021, Bộ Xây dựng cũng nhận định, giá nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương tiếp tục có xu hướng tăng so với quý trước. Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai là những địa phương có mức giá bình quân tăng khá cao so với mặt bằng chung cả nước. Mức giá bình quân tại các địa phương tăng khoảng 5-10% so với quý 4/2020.
Một số dự án biệt thự, nhà liền kề tại Hà Nội có mức tăng giá cao so với mức tăng bình quân như: Hoàng Thành Villas tăng khoảng 7%, Vinhomes The Harmony tăng gần 10%…
Giá nhà ở Hà Nội tăng mạnh bất chấp dịch Covid-19. (Ảnh minh họa) |
Theo thống kê của JLL, giá bán căn hộ sơ cấp bình quân tại Hà Nội đạt 1.555 USD/m2, tương đương 35,7 triệu đồng/m2. Giải thích về việc giá nhà tại Hà Nội liên tục gia tăng, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định, đa phần, người mua nhà tại Hà Nội xuất phát từ nhu cầu nhà ở thật nên giá bán trên thị trường sơ và thứ cấp phản ánh nhu cầu hiện hữu.
Trao đổi với Zingnews, Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Tư vấn và Nghiên cứu Svills Hà Nội cho rằng, bất động sản (BĐS) vẫn là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đây cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia.
Đối với khu vực nội đô, đại diện Savills Hà Nội cho rằng BĐS nhà ở có thương hiệu là dòng sản phẩm thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Điểm sáng của thị trường là hạng mục biệt thự và nhà liền kề khi những vấn đề pháp lý đã được giải quyết trong thời gian qua. Từ nay đến cuối năm, đây tiếp tục là phân khúc có sức hấp dẫn với nguồn cung tăng nhanh.
Theo bà Hằng, sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng Hà Nội đang thu hẹp khoảng cách giá giữa các khu đô thị trung tâm và vùng ven.
"Chúng ta có thể thấy rõ, trước đây phân khúc căn hộ 30-40 triệu đồng/m2 chỉ xuất hiện từ vành đai 3 trở lại. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát đã thay đổi nhu cầu của người mua nhà. Ngày càng có nhiều người muốn sống trong những khu đô thị rộng lớn, có diện tích cây xanh lớn, khu công viên rộng. Họ chấp nhận đi xa hơn một chút nhưng được hưởng nhiều tiện ích hơn. Đây cũng là lý do các đại đô thị đang phát triển mạnh tại Hà Nội", bà Hằng cho biết.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trong quý 2/2021, thị trường bất động sản ghi nhận 29.949 giao dịch thành công. Tổng lượng giao dịch bình quân tăng 18% so với quý trước và đạt khoảng 101% so với cùng kỳ năm 2020.
Đối với nhà ở, thị trường trong quý 2 cơ bản vẫn phát triển ổn định, giá giao dịch tại hầu hết các địa phương có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM.
Nguồn cung vẫn tập trung chủ yếu là nhà ở trung cấp và cao cấp, nguồn cung nhà ở xã hội và giá thấp còn rất hạn chế. Trong đó, nguồn cung nhà ở sơ cấp từ các dự án mở bán tiếp tục giảm so với năm 2020.
Nói về giá nhà thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, về dài hạn giá nhà tại các thành phố lớn vẫn tiếp tục tăng do nhiều yếu tố, tuy nhiên người dân vẫn sở hữu được nhà ở nếu có hướng tiếp cận đúng.
Theo phân tích của ông Anh, tại các khu vực trung tâm, dự án mới ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu mua nhà ở ngày càng tăng. Hiện nay, tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam chỉ mới đạt khoảng 35%, Hà Nội khoảng 49%, khá thấp so với khu vực và thế giới. Với tốc độ đô thị hóa còn thấp, lượng cư dân ở các tỉnh đổ về Hà Nội sẽ ngày càng nhiều hơn, trong khi nhà ở là nhu cầu hiện hữu của tất cả mọi người.
Theo Kinh tế Môi trường