![]() |
Nhà ở xã hội thắp lên hy vọng an cư cho người thu nhập thấp. Trong ảnh: Nhà ở xã hội Hope Residences (Ảnh: Trương Thanh) |
Đau đầu với chứng minh thu nhập
Bước sang quý II/2025, vị trí “spotlight” (nổi bật) trên thị trường bất động sản thuộc về nhà ở xã hội. Từ nay tới cuối năm, Hà Nội sẽ có ít nhất 5 dự án nhà ở xã hội tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua. Ngay từ thời điểm hiện tại, nhiều người đã đi xin các giấy xác nhận.
Tại các văn phòng đăng ký đất đai - cơ quan xác nhận về điều kiện nhà ở, tình trạng quá tải thường xuyên diễn ra. Để xin được giấy xác nhận, nhiều người phải đợi gần 40 ngày.
Dù phải chờ đợi lâu, nhưng việc xin giấy xác nhận điều kiện nhà ở lại không quá khó khăn. “Chông gai” lớn nhất mà người mua phải vượt qua chính là công đoạn xin giấy xác nhận điều kiện thu nhập.
Theo Nghị định 100/2024/NĐ-CP, người mua nhà ở xã hội phải đảm bảo điều kiện thu nhập như sau: Trường hợp là người độc thân, thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng. Với người đã kết hôn, tổng thu nhập thực nhận hàng tháng của cả hai vợ chồng không quá 30 triệu đồng.
Nếu có hợp đồng lao động, số tiền sẽ được tính theo bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi đối tượng làm việc xác nhận. Còn với lao động tự do, UBND cấp xã sẽ thực hiện việc xác nhận.
Quy định là vậy, nhưng thực tế triển khai đang gặp nhiều vấn đề. Chia sẻ với phóng viên, nhiều lao động tự do cho biết, họ rất khó xin giấy xác nhận điều kiện thu nhập từ UBND xã/phường. Các cán bộ hành chính dù muốn tạo điều kiện cho người dân, nhưng họ lúng túng trong việc xác thực các thông tin được kê khai.
Chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội cho biết, tệp khách hàng thuộc nhóm lao động tự do thường chiếm tới 40 - 50% lượng hồ sơ đăng ký mua. Tuy nhiên, rất nhiều người không thể chứng minh được điều kiện thu nhập và đành phải ngậm ngùi bỏ lỡ cơ hội an cư.
“Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị là nhóm đối tượng rất cần nhà ở xã hội. Song họ lại gặp nhiều khó khăn khi chứng minh thu nhập. Cả chủ đầu tư và UBND cấp xã đều loay hoay với nhóm đối tượng này”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Ngoài ra, cách hiểu về mức thu nhập cũng đang “mỗi nơi một kiểu”. Có chủ đầu tư xét điều kiện dựa trên mức thu nhập trung bình cả năm, có đơn vị lại tính mức thu nhập của từng tháng. Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, các dự án nhà ở xã hội sắp mở bán tại Hà Nội sẽ xét thu nhập thực nhận theo từng tháng.
“Nếu xét theo từng tháng, rất khó để người lao động tại doanh nghiệp mua được nhà ở xã hội. Như bản thân tôi, thu nhập hàng tháng chỉ 8 triệu đồng, tuy nhiên, vào dịp cuối năm, công ty sẽ thưởng Tết một tháng lương, thành ra thu nhập trong một tháng có thể lên tới 16 triệu đồng. Nếu chỉ vì vậy mà tôi không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội thì quả là đáng tiếc vô cùng”, anh Minh Hoàng, một nhân viên bảo vệ băn khoăn.
Tương tự, chị Thùy Trang, môi giới viên bất động sản cũng không đồng tình với cách tính thu nhập từng tháng. Bởi lẽ, có lúc chị bán được 1 - 2 căn nhà, thu nhập có thể lên tới 50 - 60 triệu đồng/tháng, song có những thời điểm chị không tìm được khách suốt 3 - 4 tháng, phải sống dựa vào khoản tích cóp từ trước.
“Với những người làm công việc bán hàng hoặc mang tính chất thời vụ, rất khó để chứng minh thu nhập của họ ổn định dưới mức 15 triệu đồng/tháng. Bản thân tôi có những tháng thu nhập cao vọt, nhưng có tháng chỉ ‘rau cháo cầm hơi’. Như năm ngoái, tổng thu nhập cả năm của tôi khoảng 170 triệu đồng, chia ra chỉ 14,2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nếu chủ đầu tư xét theo từng tháng, tôi vẫn không đạt điều kiện”, chị Trang tâm sự.
Người giàu tìm cách mua nhà ở xã hội
Trong khi nhiều người thu nhập thấp phải ngậm ngùi tiếp tục đi thuê trọ hoặc chấp nhận mua nhà thương mại với giá cao, thì một số cá nhân có điều kiện tài chính tốt vẫn tìm mọi cách để sở hữu nhà ở xã hội.
Trên các hội nhóm bất động sản, không ít người là trưởng phòng, thậm chí là giám đốc doanh nghiệp, nhưng vẫn đi hỏi cách mua nhà ở xã hội. Các môi giới cũng “nhiệt tình” chỉ cách để họ lách luật, dù biết những người này không thuộc nhóm được hưởng chính sách.
“Là giám đốc vẫn mua được nhà ở xã hội. Có 3 hình thức xác minh điều kiện thu nhập với trường hợp của chồng chị: một là tự mình làm bảng lương rồi tự mình ký; hai là xin xác thực tại phường/xã; ba là nhờ công ty khác xác thực bảng lương giúp”, một môi giới viên tư vấn cho người hỏi.
Tiết lộ với phóng viên, cựu lãnh đạo bộ phận pháp lý của một doanh nghiệp địa ốc cho biết, những người làm việc tại các công ty tư nhân có thể dễ dàng “phù phép” bảng lương để đáp ứng điều kiện về thu nhập.
“Trước đây, phải đến 80% số người mua nhà ở xã hội là không đúng đối tượng, nhưng với các quy định chặt chẽ như hiện tại, tôi hy vọng tình hình sẽ được cải thiện”, vị này nói.
Cũng theo vị này, cách đây khoảng 10 năm, nhà ở xã hội tại Hà Nội thường xuyên rơi vào tình trạng ế ẩm. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp phải đi chào hàng khắp nơi. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá nhà tăng “phi mã”, số tiền 25 triệu đồng/m2 của nhà ở xã hội bỗng trở nên đặc biệt hấp dẫn khi so sánh với các chung cư thương mại có giá lên tới 60 - 70 triệu đồng/m2. Do đó, nhiều người đã phát sinh tâm lý “đầu cơ” phân khúc này.
Đại diện CTCP BIC Việt Nam - đơn vị sắp mở bán dự án nhà ở xã hội Rice City Long Châu (quận Long Biên) thông tin, doanh nghiệp đang tiến hành kiểm tra, rà soát các hồ sơ đăng ký và nhận thấy chỉ khoảng 20% số hồ sơ gửi đến đáp ứng đủ điều kiện để hưởng chính sách.
“Phần lớn các trường hợp còn lại không nắm rõ quy định, không chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và không thực sự có nhu cầu về nhà ở. Không ít cá nhân tìm mọi cách, trong đó có việc nhờ người thân đứng tên hồ sơ để hợp thức hóa điều kiện đăng ký”, đại diện CTCP BIC Việt Nam phản ánh.