Dư luận cũng đặt câu hỏi về hiệu quả của lô đất và phương án phát triển của chủ đầu tư khi mà giá đất đã quá cao như vậy. Tất nhiên, với số tiền lớn bỏ ra, doanh nghiệp chắc đã phải tính nước cờ.
Quay trở lại với Tân Hoàng Minh do ông Đỗ Anh Dũng làm chủ, theo quan sát, từ cuối năm ngoái đến nay, Tập đoàn này liên tục lộ tham vọng mở rộng quỹ đất khi chuyển hướng đánh bắt xa bờ.
Dù nhập cuộc chơi "tỉnh lẻ" hơi muộn hơn so với các ông lớn cùng ngành nhưng doanh nghiệp này đã nhanh chóng gây chú ý với những đề xuất dự án rộng tới hàng trăm, hàng nghìn ha.
Mới đây, Tân Hoàng Minh "gây sốt" khi giới thiệu Tổ hợp quần thể du lịch không ngủ tại Bãi Trường, Phú Quốc. Dự án được đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD), quy mô 34 ha, bao gồm hệ thống khách sạn 5 sao, 129 shophouse, 76 biệt thự và 15 tòa căn hộ khách sạn condotel (7.000 đến 8.000 căn),...
UBND tỉnh Lạng Sơn và Tập đoàn này cũng vừa ký kết biên bản thoả thuận về việc khảo sát lập quy hoạch các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đô thị, công nghiệp và thương mại dịch vụ.
Dự kiến tổng vốn đầu tư các dự án khoảng 12.500 tỷ đồng. Trong đó, dự án Khu đô thị kết hợp công nghiệp, thương mại dịch vụ khoảng 10.000 tỷ đồng và Khu đô thị kết hợp du lịch sinh thái cao cấp khoảng 2.500 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện công tác khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch và thực hiện các thủ tục đầu tư trong khoảng thời gian tháng 12/2021 - 12/2022.
Tại Lâm Đồng, Tân Hoàng Minh mới đây đã đề xuất việc nghiên cứu, khảo sát và thực hiện dự án Khu đô thị - du lịch - phim trường tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt tại khu đất có diện tích khoảng 2.000 ha.
Tại Thái Nguyên, hồi tháng 8 vừa qua, hai thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh gồm Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt và CTCP Cung Điện Mùa Đông đã được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận đầu tư dự án Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình. Dự án có quy mô nghiên cứu hơn 540 ha, tổng vốn đầu tư gần 2.958 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 4, Tập đoàn này đã đến Phú Yên tìm hiểu đầu tư dự án cảng biển, bất động sản, nông nghiệp công nghệ cao,...
Đáng chú ý, từ năm 2022, song song với việc phát triển những căn hộ cao cấp, Tân Hoàng Minh sẽ thực hiện xây dựng nhà ở cho những người lao động có thu nhập thấp.
Trong đó, doanh nghiệp sẽ khởi công xây dựng nhà máy chuyên sản xuất bê tông, nhà máy phục vụ cho công ty xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam. Nhà máy này có thể đưa ra hàng triệu m2 sàn mỗi năm, với giá thành rẻ hơn 40-60% so với giá xây dựng thông thường.
Nguồn tiền từ trái phiếu
Để có nguồn lực phát triển dự án, các công ty thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh thời gian gần đây đã liên tục thực hiện các đợt phát hành trái phiếu.
Đơn cử, ngày 22/11 vừa qua, CTCP Cung Điện Mùa Đông - thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã phát hành hai lô trái phiếu có tổng giá trị 450 tỷ đồng. Số trái phiếu này có kỳ hạn 36 tháng và lãi suất cố định 11,5% mỗi năm.
Mục đích của đợt phát hành lần này của Cung Điện Mùa Đông nhằm hợp tác với Hoàng Hải Phú Quốc đầu tư Khu du lịch phước hợp Hoàng Hải (Hoàng Hải Complex) thuộc khu 5, khu phức hợp Bãi Trường tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Trước đó, một thành viên khác của Tân Hoàng Minh là CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil đã huy động 1.750 tỷ đồng cho dự án này.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, nhóm Tân Hoàng Minh đã huy động 2.200 tỷ đồng trái phiếu cho Khu du lịch phước hợp Hoàng Hải. Dự án có quy mô hơn 12 ha, được khởi công từ năm 2018, do Công ty Đầu tư phát triển nhà Hoàng Hải Phú Quốc làm chủ đầu tư.
Ngày 20/9, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt đã huy động 1.900 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 60 tháng với lãi suất cố định 11,5%.
Doanh nghiệp này sẽ dùng vốn huy động được góp vốn theo Hợp đồng đặt cọc hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Đại Cồ Việt vào ngày 2/8/2021, liên quan đến dự án Đầu tư xây dựng dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt (gọi tắt là dự án phía Nam đường Đại Cồ Việt) do Nam Đại Cồ Việt làm chủ đầu tư. Theo thỏa thuận, Ngôi Sao Việt sẽ góp 47% trên tổng mức đầu tư dự án.
Trước đó, Ngôi Sao Việt cũng đã huy động 800 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 12% để mua 51% vốn CTCP Đầu tư Phát triển và Thương mại Việt Tiến, qua đó tham gia đầu tư vào công trình công cộng, dịch vụ thương mại và nhà ở tại 2 lô đất thuộc Khu đô thị mới Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội.
Trả nợ gần 12.000 tỷ trong năm 2020
Nói thêm về tiềm lực của Tân Hoàng Minh, tháng 8 năm ngoái, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ từ 2.680 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông tính đến tháng 5/2021 gồm: Ông Đỗ Anh Dũng (51,48%), Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Anh Thắng (9,01%), Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Ngọc Việt (9,83%), Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Bắc Hà (10,96%), Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Mạnh Loan (11,09%), CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil (7,63%).
Tính đến cuối năm 2019, quy mô tài sản của nhóm Tân Hoàng Minh trên 30.000 tỷ đồng, lớn hơn nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết như Kinh Bắc, Đất Xanh, Phát Đạt, Hà Đô, Khang Điền, Nam Long,...
Trong đó, công ty mẹ của Tập đoàn Tân Hoàng Minh có tài sản trên 13.932 tỷ đồng. Các công ty thành viên phát triển dự án đều có tài sản hàng nghìn tỷ đồng như Ngôi Sao Việt (7.013 tỷ đồng), Soleil (5.897 tỷ đồng), Phú Thanh (2.465 tỷ đồng), Cung Điện Mùa Đông (1.182 tỷ đồng).
Trong năm 2019, ngoại trừ Soleil và Cung Điện Mùa Đông lần lượt lãi sau thuế gần 72 tỷ đồng và 77 tỷ đồng, các thành viên còn lại của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đều lỗ, đơn cử như Ngôi Sao Việt dù doanh thu đạt trên 10.000 tỷ đồng nhưng công ty vẫn lỗ sau thuế hơn 1.000 tỷ đồng.
Chia sẻ tại Lễ tổng kết của Tân Hoàng Minh diễn ra vào cuối năm ngoái, ông Đỗ Anh Dũng cho biết, Tân Hoàng Minh hiện có khoảng 850 nhân sự.
Theo ông Dũng, năm 2020 là một năm vô cùng khó khăn đối với nền kinh tế, đa số các tập đoàn và các công ty lớn đều gặp khó khăn. Song, đây cũng là một năm thành công của doanh nghiệp trong việc phát triển quỹ đất. Dự án của tập đoàn ở các tỉnh đều rất thuận lợi. Tại Hà Nội, Tân Hoàng Minh từng được giao hai dự án lớn gồm Xuân Mai Smart City và khu Outlet.
Ngoài ra, trong năm 2020, Tân Hoàng Minh đã trả 11.900 tỷ đồng tiền nợ, trả hơn 2.000 tỷ đồng tiền lãi vay và vay mới hơn 7.000 tỷ đồng.
"Nếu trong năm 2020, Tân Hoàng Minh giảm khoảng 20 - 30% chi phí thì sẽ tiết kiệm được nhiều, thậm chí cả gần 100 tỷ đồng" ông Dũng cho hay.