Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Tập đoàn An Gia, năm 2024, với những dấu hiệu phục hồi của thị trường cùng các chính sách tháo gỡ vướng mắc cho ngành BĐS là cơ hội để doanh nghiệp (DN) “tăng tốc” đón chu kỳ tăng trưởng mới. Trong khi đó, theo ông Lê Viết Hải - Phó Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, DN BĐS đã “giảm tải” nhiều áp lực khi các Luật được sửa đổi. Tuy nhiên, ông Hải cũng trăn trở những nỗi lo của DN hiện nay về các khoản nợ đến hạn trả của ngân hàng. Bên cạnh đó, ông Hải cho rằng, đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đang còn triển khai rất chậm. Trong đó, nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến luật cần tháo gỡ thì mới thúc đẩy nhanh được.
Dự báo tình hình BĐS năm 2024, ông Hải nhận định, BĐS đô thị có thể phục hồi. BĐS công nghiệp có nhiều cơ hội phát triển nhưng riêng BĐS nghỉ dưỡng chưa tiêu thụ, khai thác được và cần một vài năm nữa mới phục hồi.
Còn tại Diễn đàn “Thị trường BĐS năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi”, đại diện các DN cũng cho rằng sẽ có “chuyển mình” trong năm 2024.
Liên quan đến vấn đề minh bạch thị trường BĐS, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, theo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) đội ngũ môi giới sau này sẽ phải ràng buộc vào các sàn giao dịch. Do đó, việc môi giới bán các BĐS trái luật cũng đồng nghĩa với việc chủ các sàn giao dịch phải chịu ràng buộc về mặt pháp lý. Vì vậy, để nắm bắt cơ hội khi thị trường hồi phục trong thời gian tới, ông Đính cho rằng, các sàn giao dịch BĐS sẽ phải chuẩn bị tốt hơn về mặt pháp lý cho môi giới theo đúng quy định của pháp luật, cũng như đào tạo và nâng cao kỹ năng, kiến thức cho từng nhân viên môi giới để phát triển bền vững.
Kỳ vọng vào sự phục hồi thị trưởng BĐS trong năm 2024, tuy nhiên theo ông Đỗ Viết Chiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho rằng chịu tác động chung của nền kinh tế, thị trường BĐS vẫn còn nhiều khó khăn trong đầu tư, giao dịch do chưa lấy lại được niềm tin từ người tiêu dùng, mất cân đối giữa các phân khúc… Dòng tiền luân chuyển bị hạn chế do không huy động được nguồn vốn trả trước của khách hàng, cũng không huy động được nguồn vốn từ các kênh tài chính quen thuộc như trái phiếu, tín dụng ngân hàng. DN BĐS còn phải chịu áp lực từ nhiều vấn đề thể chế, nguồn vốn, thủ tục hành chính…
Đại diện VNREA cũng cho biết, thời gian tới, Hiệp hội sẽ đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giám định, phản biện xã hội trong lĩnh vực hoạt động của thị trường BĐS, những vấn đề thực tế đã nảy sinh mà pháp luật chưa điều tiết nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đang là rào cản. Đồng thời, tiếp tục làm việc với các DN để nắm bắt thực tế khó khăn, vướng mắc của đơn vị, từ đó xác định những chương trình hỗ trợ và kiến nghị các cấp có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN BĐS. Qua đó, không chỉ nhằm góp phần tạo môi trường hoạt động thuận lợi, minh bạch cho các DN mà còn thúc đẩy thị trường BĐS Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững.
Theo: Đại đoàn kết