VN-Index hơn 13 điểm
VN-Index khởi đầu tuần mới ảm đạm với dư âm giảm điểm kéo dài từ phiên giao dịch cuối tuần trước. Tuy nhiên, sự bứt phá của bộ đôi họ Vingroup (VIC và VHM) cùng sự luân phiên tăng điểm của một số nhóm ngành riêng lẻ đã giúp thị trường lấy lại sự tích cực trong hai phiên giao dịch tiếp theo và chạm trở lại vùng giá 1.330 điểm - vùng cân bằng của thị trường trước khi thông tin về thuế đối ứng được công bố.
Tuy vậy, thị trường khi chưa thể khẳng định sức mạnh bằng việc duy trì mức giá cao nhất tuần thì lượng cung xuất hiện bất ngờ, kéo chỉ số rơi tự do 18 điểm chỉ trong buổi chiều của phiên giao dịch thứ tư trong tuần. Phiên giao dịch cuối cùng chứng kiến sự giằng co biên độ hẹp quanh vùng giá 1.315 điểm với thanh khoản thấp của thị trường khi không còn sự áp đảo tới từ cả phe mua và phe bán.
Mặc dù không thể đóng cửa cao nhất tuần, song điểm số tiếp tục cải thiện tích cực cùng với việc thanh khoản khớp lệnh có yếu tố tương đương so với tuần trước và cao hơn 25,9% so với mức bình quân 20 tuần cho thấy tâm lý giao dịch tiếp tục duy trì sự hưng phấn nhất định.
Trong trường hợp các cổ phiếu bluechip không còn dư địa gồng gánh thị trường, nhiều khả năng VN-Index sẽ có nhịp điều chỉnh và tích lũy để hình thành xu hướng tiếp theo. Đóng cửa tuần giao dịch 19/05 - 23/05, chỉ số VN-Index ở mức 1.314,46 điểm, tăng 13,07 điểm (+1,00%).
Độ rộng thị trường phân hóa khá mạnh. Nổi bật ở nhóm mã bất động sản, điện, cảng, phân bón và xây dựng, nhựa... Trong khi chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh ở nhóm công nghệ - viễn thông, khu công nghiệp, chứng khoán, thủy sản... sau giai đoạn phục hồi tốt.
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính lại có diễn biến trái chiều. Trong đó, chỉ số HNX-Index có tuần giảm -2,37 điểm, kết tuần tại 216,32 điểm, tương ứng mức giảm -1,08% so với tuần trước. Còn chỉ số UPCoM-Index tăng +0,89 điểm để đóng cửa tại 96,22 điểm.
Thanh khoản khớp lệnh bình quân tuần tiếp tục duy trì ở mức cao, tương đương so với tuần trước và cao hơn 25,9% so với mức bình quân 20 tuần. Lũy kế cả tuần giao dịch, thanh khoản bình quân trên sàn HOSE đạt 965 triệu cổ phiếu (-2,67%), tương đương giá trị giao dịch đạt 22.919 tỷ đồng (-4,25%).
Khối ngoại quay trở lại bán ròng trong tuần này, đạt -561 tỷ đồng. Trong đó, tập trung bán ròng ở các mã cổ phiếu như: VHM -1,176 tỷ đồng, FPT -678 tỷ đồng và VRE -252 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, các mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất là: FUEVFVND +571 tỷ đồng, STB +519 tỷ đồng, MBB +294 tỷ đồng.
Áp lực bán đã gia tăng mạnh hơn khi gặp vùng đỉnh cũ
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) nhận định, phiên giao dịch cuối tuần thị trường tăng điểm nhưng biên độ mỏng với thanh khoản thấp cho thấy động lượng tăng điểm gần không có, lại cộng thêm VN-Index đang ở vùng đỉnh của năm 2025 nên khả năng bứt phá tiếp là khó có thể xảy ra.
Sau quá trình tăng dài trước đó, VN-Index đang tiệm cận vùng đỉnh của năm 2025 nên áp lực chốt lời gia tăng là điều khó tránh khỏi. Vì vậy VN-Index muốn tăng điểm tiếp cần thêm thời gian tích lũy để hoặc điều chỉnh về vùng cân bằng để tích trữ thêm động lượng.
“Xét trên biểu đồ tuần, xu hướng tăng điểm của VN-Index vẫn đang áp đảo với 3 tuần tăng liên tiếp. Tuy vậy ở thời điểm hiện tại, cần chờ thêm tín hiệu bứt phá mạnh của VN-Index (vượt mức đỉnh 2025 - mốc 1.343 điểm với thanh khoản bùng nổ vượt mức bình quân 20 phiên) để xác nhận xu hướng lớn trước khi quay lại vị thế mua mới. Trong trường hợp VN-Index điều chỉnh, chúng tôi kỳ vọng mốc 1.250 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ mạnh và an toàn cho vị thế mua ròng mới” - các chuyên gia CSI phân tích.
Còn các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SHS cho rằng, xu hướng ngắn hạn VN-Index tăng trưởng trên hỗ trợ gần nhất 1.300 điểm. Áp lực bán đã gia tăng mạnh hơn khi VN-Index gặp vùng đỉnh cũ, giá cao nhất tháng 3/2025.
Diễn biến này đã được cập nhật trong các báo cáo trước, với áp lực điều chỉnh ở các nhóm mã khác vẫn đang tương đối bình thường và nhiều mã vẫn luân phiên phục hồi, tích lũy tốt. Trong phiên cuối tuần thanh khoản giảm khá mạnh với áp lực cung vùng giá cao gia tăng, lực cầu giá lên giảm khá mạnh. Cho thấy tâm lý trở nên thận trọng hơn khi VN-Index đã có giai đoạn tăng giá tốt dưới ảnh hưởng của VN30 và nhóm cổ phiếu Vingroup. Ngắn hạn VN-Index đang chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1.300 điểm.
Thị trường đang phục hồi trở lại vùng giá trước thời điểm công bố thuế quan. Kết quả đàm phán thương mại như thế nào thì mức thuế quan cũng sẽ được áp đặt. Ảnh hướng đến các cân đối vĩ mô, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện tại nhiều mã vẫn có vùng giá tương đối hợp lý so với các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.