Theo thống kê từ FiinGroup, 147 doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn chủ sở hữu thêm 3,8%, tương đương 102,6 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần trong năm 2021. Đây là động thái nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế đang dần hồi phục.
Dữ liệu cập nhật đến ngày 27/5/2021 cho thấy lượng vốn cổ phần mà các doanh nghiệp có kế hoạch phát hành từ nay đến cuối năm 2021 là 82.300 tỷ đồng, tương ứng 7,6 tỷ cổ phiếu. Kể từ đầu năm, lượng vốn cổ phần đã phát hành thành công khoảng 20.300 tỷ đồng.
Nếu các doanh nghiệp thực hiện thành công kế hoạch phát hành, năm 2021 sẽ là năm kỷ lục về lượng vốn huy động qua phát hành cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết.
Theo FiinGroup, hình thức huy động vốn cổ phần được các doanh nghiệp ưa chuộng nhất là chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ. Tổng giá trị phát hành dự kiến trong năm 2021 của hai hình thức này lần lượt là 54.100 tỷ đồng và 47.800 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhóm dịch vụ tài chính (các công ty chứng khoán) cũng có kế hoạch phát hành 14.800 tỷ đồng nhằm mở rộng quy mô hoạt động, bao gồm cho vay margin.
Chỉ số VN-Index đã tăng gần 20% kể từ đầu năm với thanh khoản đã chạm mức tỷ USD. Sự tham gia ồ ạt của các nhà đầu tư mới (F0) cùng với dòng tiền mạnh giúp chứng khoán Việt Nam nằm trong nhóm tăng trưởng tốt nhất châu Á, bất chấp việc khối ngoại bán ròng vẫn tiếp diễn.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch CTCP Chứng khoán SSI, thị trường chứng khoán sẽ rất tốt trong năm nay, theo nghĩa là kênh huy động vốn cho nền kinh tế. Việc thanh khoản tăng lên bậc mới cũng đánh dấu bước phát triển của thị trường.
Tuy nhiên, hệ thống giao dịch vẫn đang là vấn đề chưa thể xử lý dứt điểm. Do đó, đây có thể là một trong những rào cản đối với các doanh nghiệp trên HOSE có ý định phát hành thêm cổ phần.