Nỗ lực 'thoát án' của Vinaconex 9 sau khi về tay Nhựa Đồng Nai

Theo Người đưa tin 11:56 17/03/2022

Kinh doanh sa sút, đứng trước việc hủy niêm yết bắt buộc, Vinaconex 9 tìm mọi cách điều chỉnh báo cáo tài chính nhằm "thoát án".

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo hồi đầu năm 2022 đã nhận được Báo cái tài chính quý IV/2021 của Vinaconex 9 (VC9). HNX cho biết đang lưu ý việc cổ phiếu VC9 của Vinaconex 9 có khả năng bị huỷ niêm yết do tổng lỗ luỹ kế của công ty đã vượt quá vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2021.

Đây là một trường hợp phải hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, nhưng việc xem xét áp dụng tình huống này sẽ phải chờ sau khi VC9 ra báo cáo tài chính kiểm toán. Doanh nghiệp này thời gian vừa rồi đã có nhiều động thái để không chịu cảnh hủy niêm yết.

Bút toán hoá giải tình thế

Trong thông báo lấy ý kiến cổ đông mới đây, VC9 đưa ra Tờ trình số 58 sửa đổi Tờ trình số 57, VC9 sẽ sử dụng bút toán chuyển phần Thặng dư vốn cổ phần (34,8 tỷ đồng) và Quỹ đầu tư phát triển (21,8 tỷ đồng) sang Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, qua đó giúp phần lỗ lũy kế của công ty đang từ âm 164 tỷ đồng (theo Tờ trình số 57) xuống còn 107 tỷ đồng.

Động thái "chữa cháy" này có thể giúp VC9 thoát án huỷ niêm yết bắt buộc, do phần lỗ lũy kế chưa vượt vốn góp của chủ sở hữu là 120 tỷ đồng.

Trước đó, theo nội dung Tờ trình số 57 ngày 21/2/2022 của VC9, HĐQT công ty đề nghị đại hội đồng cổ đông cho phép điều chỉnh số liệu báo cáo tài chính theo ý kiến kiểm toán.

HĐQT VC9 cho biết đã cho rà soát lại và phối hợp với đơn vị kiểm toán AASC để thống nhất số liệu. Kết quả là Giá vốn hàng bán năm 2019 bị ghi nhận thiếu 59,45 tỷ đồng, Giá vốn hàng bán năm 2020 bị ghi nhận thiếu xấp xỉ 86 tỷ đồng.

Việc hồi tố giá vốn hàng bán tăng vọt và trích lập dự phòng các khoản nợ khó đòi vào chi phí quản lý doanh nghiệp đã khiến kết quả kinh doanh năm 2019, 2020 của VC9 cũng phải điều chỉnh theo. Cụ thể, năm 2019, VC9 đang lãi 910 triệu đồng thì sau điều chỉnh đã lỗ ròng gần 59 tỷ đồng. Năm 2020, VC9 ghi nhận lỗ ròng từ 21 tỷ đồng (trước hồi tố) lên 107 tỷ đồng (sau hồi tố).

Do ghi nhận lỗ lớn trong 2 năm 2019 và 2020, lỗ lũy kế chưa phân phối tại thời điểm cuối năm 2020 là 165,6 tỷ đồng, vượt vốn góp của chủ sở hữu (120 tỷ đồng).

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 do công ty tự lập cho thấy, lũy kế cả năm 2021, VC9 ghi nhận doanh thu thuần 210 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 37,4 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí và thuế, lãi ròng cả năm 2021 của VC9 đạt 1,7 tỷ đồng.

Giải thích về tình trạng nói trên, ban lãnh đạo CV9 cho biết, đối với công trình đã ghi nhận hết doanh thu: Năm 2019 và 2020 công ty chưa kết chuyển đầy đủ giá vốn tương ứng với doanh thu đã ghi nhận, phần giá vốn chưa kết chuyển đang được công ty phản ánh trên khoản mục "Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang" thời điểm 31/12/2019 và 31/12/2020. Theo đó phần giá vốn ghi nhận thiếu cần phải được ghi nhận bổ sung đảm bảo nguyên tắc phù hợp trong kế toán.

Ngoài ra, đối với công trình đang thi công dở dang tính đến ngày 31/12/2019 và 31/12/2020: Công ty đã ghi nhận giá vốn theo con số tạm tính theo tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thấp hơn so với giá vốn ước tính tại phương án kinh doanh đã xây dựng và chi phí thực tế của công trình đã tập hợp tương ứng với doanh đã ghi nhận đến 31/12/2019 và 31/12/2020.

Với các khoản nợ phải thu khó đòi, VC9 cho biết hầu hết là khoản công nợ phát sinh từ trước năm 2016, công ty đã thực hiện các biện pháp để thu hồi nhưng chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Nếu Tờ trình số 58 trên được đại hội đồng cổ đông thông qua, đồng thời báo cáo tài chính năm 2021 sau kiểm toán cũng xác nhận năm qua VC9 làm ăn có lãi thì VC9 chắc sẽ thoát án hủy niêm yết bắt buộc do lỗ lũy kế chưa vượt vốn góp của chủ sở hữu và cũng không thuộc trường hợp thua lỗ trong 3 năm liên tục.

Thoát bóng Vinaconex, về tay Nhựa Đồng Nai

Vinaconex 9 thành lập năm 1977, trên cơ sở hợp nhất Xí nghiệp Xây dựng số 9 trực thuộc Công ty Xây dựng Xuân Hòa và Đội ván khuôn trượt công trường K3 thuộc Công ty Xây dựng số 5. Doanh nghiệp có trụ sở tại Ninh Bình, hoạt động chính là thi công các công trình dân dụng và công nghiệp theo công nghệ trượt.

Năm 1995, Vinaconex 9 trực thuộc Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán: VCG) theo quyết định của Bộ Xây dựng. Năm 1999, công ty chuyển trụ sở từ Ninh Bình lên Hà Nội.

Cuối năm 2017, Vinaconex (VCG) đã bán ra 2,19 triệu cổ phần VC9, giảm tỉ lệ sở hữu tại VC9 từ 55,75% xuống chỉ còn 36,94% vốn. Sau đó, VC9 làm ăn thua lỗ, cổ phiếu thậm chí bị đưa vào diện kiểm soát của HNX và chỉ được phép giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần kể từ ngày 31/3/2021 do kinh doanh thua lỗ 2 năm 2019 và 2020.

Bất động sản - Nỗ lực 'thoát án' của Vinaconex 9 sau khi về tay Nhựa Đồng Nai

Cổ phiếu VC9 tăng trần lên 15.500 đồng/cổ phiếu dù HNX lưu ý về khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc. (Ảnh: Fireant)

Tới tháng 11/2021, VCG thông báo đã bán toàn bộ 4,32 triệu cổ phiếu VC9 (tương đương 36,4% vốn) đang nắm giữ tại VC9 trong bối cảnh kinh doanh của VC9 sa sút và báo lỗ kỷ lục. Sau thương vụ, 2 bên chính thức "dứt tình". Giao dịch được thực hiện vào ngày 15/11. Một Phó Tổng Giám đốc là ông Đoàn Ngọc Ba cũng đăng ký bán toàn bộ 58.823 cổ phiếu VC9 đang sở hữu, tương đương 0,5% vốn điều lệ, giao dịch trong giai đoạn từ ngày 19/11-31/12/2021.

Cùng ngày Vinacotex thoái vốn, hai nhà đầu tư cá nhân là ông Nguyễn Minh Quang và ông Trần Mạnh Hiếu đã mua cổ phần tại Xây dựng số 9 và trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp, dù trước đó không sở hữu cổ phiếu VC9 nào. Số lượng cổ phần ông Quang và ông Hiếu mua lần lượt là 2,32 triệu đơn vị (tương đương 19,84%) và 2 triệu đơn vị (tương đương 17,1%), bằng đúng số cổ phiếu VC9 mà Vinaconex bán ra.

Bất động sản - Nỗ lực 'thoát án' của Vinaconex 9 sau khi về tay Nhựa Đồng Nai (Hình 2).

Cổ phiếu của Nhựa Đồng Nai - Chủ mới của VC9 cũng lập tức tăng trần. (Ảnh: FireAnt)

Các giao dịch đã hoàn tất màn đổi chủ cho VC9. Thực tế, ông Nguyễn Minh Quang chính là người đã từng nắm giữ cả triệu cổ phiếu CVT của Công ty Cổ phần CMC - một công ty mà Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai (mã chứng khoán: DNP) đã hoàn tất thâu tóm vào đầu năm 2021. Ông Quang cũng là nhà đầu tư chuyên nghiệp đã mua 14,6 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán riêng lẻ 80 triệu cổ phiếu của Tasco để huy động 800 tỷ đồng hồi tháng 12/2021.

Đáng chú ý, trụ sở chính của Nhựa Đồng Nai hiện cũng đang ở trong tòa nhà Vinaconex 9 (Địa chỉ: Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Sau lưu ý của HNX về khả năng hủy niêm yết bắt buộc, cổ phiếu VC9 và DNP lập tức tăng trần. Qua 2 phiên tăng trần liên tiếp, cổ phiếu DNP hiện đạt 23.800 đồng/cổ phiếu với 33.200 cổ phiếu được sang tay còn VC9 đạt 15.500 đồng/cổ phiếu, sau khi tăng hơn 9% trong phiên sáng với hơn 69.000 cổ phiếu được sang tay.

Bạn đang đọc bài viết Nỗ lực 'thoát án' của Vinaconex 9 sau khi về tay Nhựa Đồng Nai tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán