Người bán nắm nhiều thông tin nhưng không công bố, dẫn đến sự sai lệch giữa giá cả và chất lượng, gây mất an toàn cho các nhà đầu tư.
Mua trái phiếu DN theo phong trào
Theo dữ liệu công bố mới nhất của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 7 tháng đầu năm 2021, có 376 đợt phát hành trái phiếu DN trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 235.094 tỷ đồng, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm 2020.
Trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro (Ảnh minh họa) |
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings (FiinGroup) cho hay, trong bối cảnh hiện nay, phát hành trái phiếu là cơ hội giúp DN tiếp cận vốn đầu tư phát triển, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Chỉ tính riêng giá trị phát hành đang lưu hành, số dư trái phiếu DN so với dư nợ ngân hàng chiếm khoảng 12%.
Mặc dù khung pháp lý về phát hành trái phiếu DN bám sát sự chuyển động và phát sinh của thị trường, song với sự phát triển nóng của thị trường trái phiếu DN, đã phát sinh tiềm ẩn rủi ro đối với các chủ thể tham gia, trong đó có tình trạng các nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu DN chủ yếu theo “phong trào”.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) có sự bất cân đối về thông tin giữa người bán và người mua. Người bán nắm nhiều thông tin hơn nhưng không công bố, minh bạch cho người mua biết. Từ đó dẫn đến sự sai lệch giữa giá cả và chất lượng, gây rủi ro cho các nhà đầu tư. Hai năm gần đây, thị trường trái phiếu Chính phủ phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự gia tăng số lượng nhà đầu tư cá nhân. Các nhà đầu tư này không nắm được nhiều thông tin và hiểu biết hạn chế, nên tạo ra nhiều rủi ro cho thị trường.
Đầu tư vì lãi suất cao
Tại toạ đàm trực tuyến “Phát triển Thị trường trái phiếu DN: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư” diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Tại sao các nhà đầu tư cá nhân chaỵ đua theo trái phiếu DN?
Hiện nay lãi suất phát hành bình quân của trái phiếu DN (trừ trái phiếu ngân hàng) trong quý 2/2021 là 9,95%/năm. Còn lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm ngân hàng bằng VND ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3-6,4%/năm với kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng; 4,7-6,8% với tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng; 5-7% đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 13-36 tháng. Chênh lệch lãi suất trái phiếu DN và lãi suất tiền gửi duy trì ở mức cao là động lực chính giúp thị trường trái phiếu DN tiếp tục tăng trưởng mạnh, hấp dẫn nhà đầu tư.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, với các nhà đầu tư phần lớn là cá nhân, họ ít có khả năng phân tích các chỉ tiêu tài chính, qua đó nắm bắt được khả năng trả nợ của nhà phát hành. Chính vì thế rủi ro rất cao, đặc biệt là trái phiếu của các công ty bất động sản.
Để ngăn chặn các rủi ro, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội trái phiếu Việt Nam cho rằng, cần xử lý nghiêm những hành vi cố tình không minh bạch để lừa đảo nhà đầu tư, phải có cơ chế và hệ thống để phát hiện được kịp thời và xử lý những hành vi đó.
Còn Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính Nguyễn Đức Độ cho rằng, theo quy định hiện hành, phần lớn các chế tài xử phạt chỉ quy định mức xử phạt tối đa bằng tiền, chỉ có 2 hành vi vi phạm là giao dịch nội gián và thao túng thị trường chứng khoán là quy định xử phạt theo mức độ trục lợi và gây tổn hại với nền kinh tế. “Bởi vậy, cần có các chế tài xử phạt nghiêm minh để tăng tính an toàn trên thị trường, tạo sự yên tâm cho người tham gia”- ông Độ nêu quan điểm.
Theo Đại đoàn kết