Trước sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán trong thời gian qua, đặc biệt là phiên bán tháo ngày 25/4, các chuyên gia của Công ty cổ phần Quản lý quỹ VinaCapital cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá rất hợp lý cho đầu tư dài hạn.
Theo VinaCapital, chỉ số VN-Index ngày 25/4 giảm 68,3 điểm về mức 1.310,9 điểm, là một trong những phiên giảm mạnh nhất trong 2 năm qua. Như vậy tính từ đầu năm 2022 đến nay, VN-Index đã giảm 12,5%. Việc giảm điểm này chủ yếu là do tâm lý nhà đầu tư không mấy lạc quan từ một số sự kiện và thông tin không tích cực.
Cụ thể, vụ việc của Tập đoàn FLC với cáo buộc thao túng và che giấu thông tin chứng khoán và Tập đoàn Tân Hoàng Minh với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của các nhà đầu tư thông qua các công ty thành viên của Tập đoàn khiến các nhà đầu tư lo lắng việc điều tra sẽ được mở rộng sang các công ty khác, nhất là đối với các công ty bị nghi ngờ về thao túng giá cổ phiếu và các công ty có tình hình tài chính không tốt, không minh bạch trong việc phát hành trái phiếu.
Hàng loạt các cổ phiếu mang tính chất đầu cơ đã tăng nóng từ giữa năm 2021 trong khi kết quả kinh doanh không có chuyển biến tích cực đồng loạt bị bán tháo và giảm mạnh. Điều đó dẫn đến việc bán giải chấp cổ phiếu (margin call) trên diện rộng trong những ngày qua. Ngay cả những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt cũng bị đem ra bán giải chấp để trả tiền vay mua chứng khoán, ảnh hưởng đến toàn thị trường chung.
Bên cạnh đó, tình hình vĩ mô không có nhiều hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán trong thời gian qua. Chẳng hạn, xung đột giữa Nga và Ukraine làm gián đoạn nguồn cung về một số loại hàng hóa cơ bản, đẩy nguy cơ lạm phát lên cao.
Tại Mỹ, lạm phát tháng 3/2022 đã lên tới 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cao sẽ khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng mạnh lãi suất. Một số chuyên gia dự báo FED sẽ còn tăng lãi suất thêm 6 lần trong năm 2022. Ngoài ra, tình hình dịch COVID-19 bùng phát tại một số nơi ở Trung Quốc, lệnh phong tỏa ở Thượng Hải cũng ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thế giới.
Một nguyên nhân nữa tác động đến thị trường là thị trường chứng khoán thế giới diễn biến không tích cực trong 2 ngày qua. Chỉ số S&P 500 của Mỹ giảm 2,8% trong ngày 22/4 do lo ngại về lạm phát và lãi suất tăng. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm 4,9% trong ngày 25/4 do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Tính từ đầu năm, chỉ số S&P 500 đã giảm 10,4%, còn chỉ số CSI 300 giảm 22,8%.
“VincaCapital tự tin thị trường có thể vượt qua những sự kiện tiêu cực trong ngắn hạn và diễn biến tích cực hơn trong phần còn lại của năm 2022, vì nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch COVID-19, với GDP được dự báo tăng khoảng 6,5% trong năm 2022. Đặc biệt, các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang được dự báo sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình 20% trong năm 2022, theo cập nhật mới nhất của Bloomberg”, VinaCapital nhận định.
Các chuyên gia của VinaCapital cũng cho rằng, khi thị trường chứng khoán biến động ngắn hạn, thay vì bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông thì nhà đầu tư nên thật bình tĩnh và thấy đó là một cơ hội tiềm năng để đầu tư thêm với giá rẻ hơn.
Trước đó, VinaCapital cũng cho rằng, việc điều tra, xử lý những vi phạm trên thị trường chứng khoán, tuy có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, nhất là đối với các cổ phiếu thuộc diện đầu cơ tăng nóng, song về dài hạn sẽ là yếu tố tích cực cho sự phát triển của thị trường chứng khoán. Việc xử phạt nghiêm minh sẽ làm tăng niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm đến triển vọng nâng hạng chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi…