UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về việc rà soát tổng mặt bằng và phương án kiến trúc Công trình đa chức năng Postef, ở địa chỉ số 61 Trần Phú (phường Điện Biên, quận Ba Đình).
Theo báo cáo, qua rà soát, kiểm tra, Hà Nội "chưa phát hiện sai phạm" trong quy trình thiết lập, thủ tục quản lý đầu tư dự án và quản lý đất đai tại số 61 Trần Phú.
Cụ thể, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình theo quy định và công khai, minh bạch. Việc sử dụng đất, chức năng và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc phù hợp với đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2.000 được Thủ tướng phê duyệt năm 2013.
Về không gian kiến trúc cảnh quan, công trình này cao 11 tầng/42,9m (chiều cao tương đương với công trình nhà làm việc Quốc hội), khối đế công trình có khoảng lùi 17m, khối tháp công trình có khoảng lùi 28m so với chỉ giới đường Hùng Vương là phù hợp.
Khu đất số 61 Trần Phú tiếp giáp 4 tuyến phố là Trần Phú, Lê Trực, Hùng Vương và Nguyễn Thái Học. Nơi đây vốn là nhà máy được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Dãy nhà xưởng còn gắn với bức phù điêu ghi lại dấu ấn dân quân tự vệ bắn rơi máy bay Mỹ ngày 19/5/1967.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, công trình này không nằm trong danh mục cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Hiện, các dãy nhà xưởng trên khu đất đã phá dỡ gần hết, chỉ còn dãy nhà giáp phố Hùng Vương. Công trình thay thế dự kiến gồm 11 tầng nổi, 6 tầng hầm với chức năng tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp.
Phần ngầm công trình được chấp thuận 6 tầng hầm với các chức năng văn phòng, dịch vụ, kỹ thuật, bãi đỗ xe. Phần ngầm đã được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng tháng 12/2020; Sở Xây dựng cũng đã gửi thông báo nội dung cấp phép xây dựng đến Bộ Quốc phòng, Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Quản lý lăng có văn bản nhất trí với giấy phép xây dựng.
Về việc bảo tồn, phát huy giá trị bức phù điêu “Quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ”, theo danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn quận Ba Đình đã được UBND thành phố phê duyệt, địa điểm 61 Trần Phú, nơi có bức phù điêu, không thuộc danh mục kiểm kê di tích. Tuy nhiên, bức phù điêu ghi dấu sự kiện lịch sử cách mạng của quân và dân Thủ đô thời kỳ kháng kiến chống Mỹ, nên việc lưu giữ bức phù điêu là cần thiết.
Trước các ý kiến của người dân và chuyên gia, ngày 9/5, chủ đầu tư đã có văn bản đề xuất được nghiên cứu lại tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án theo hướng giảm số tầng hầm, bảo tồn bức phù điêu và tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc công trình.
Để có cơ sở xem xét toàn diện, thận trọng tác động của dự án, Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo Thường trực Thành ủy Hà Nội xem xét chỉ đạo thực hiện một số nội dung trước khi cho phép nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án.
Trước đó, liên quan đến dự án 61 Trần Phú, Bí thư Thành Ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, Quận ủy Ba Đình chỉ đạo dừng triển khai dự án; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm nếu có.
Dự án 61 Trần Phú được xem là vị trí "đất vàng" khi chỉ cách quảng trường Ba Đình gần 500 m. Công ty CP thiết bị Bưu Điện (Postef) là chủ sở hữu lô đất, đã được UBND TP.Hà Nội chấp thuận dự án đầu tư công trình đa chức năng cao 11 tầng. Liên danh với Postef thực hiện dự án hơn 1.500 tỷ đồng này có Công ty CP Liên Việt Holdings và Công ty CP Him Lam.