Nhắc đến đại gia tại Ninh Bình không thể không nhắc đến vợ chồng ông Đỗ Hoàng Phúc - Chủ tịch Công ty CP Cà phê Thắng Lợi (UpCoM: CFV) - từng là doanh nghiệp 100% vốn của UBND tỉnh Đắk Lắk trước khi cổ phần hóa, đã được Etime thông tin tại bài [Biz Insider] Cổ phiếu CFV tăng thẳng đứng hơn 1.000% trong 1 tháng, Cà phê Thắng Lợi có gì "đặc biệt"?
Ông Đỗ Hoàng Phúc (SN 1957) từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại tỉnh Ninh Bình như Trưởng phòng nghiệp vụ tại Công an tỉnh Ninh Bình, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Ninh Bình và Phó Giám đốc Sở Giao thông tận tải tỉnh Ninh Bình. Khi còn tại chức, ông Phúc đã cùng vợ mình là bà Phạm Thị Linh đã cùng nhau đã gây dựng sự nghiệp kinh doanh.
Giai đoạn 2015-2016, vợ chồng ông Phúc tham gia nhiều phiên đấu giá cổ phần IPO như đăng ký mua 3,64 triệu cổ phần Công ty CP Du lịch Khách sạn Kim Liên (tháng 11/2015), tương đương tỷ lệ 52,43%; 1,38 triệu cổ phần Công ty CP Toa xe Hải Phòng (tháng 4/2016), ứng với tỷ lệ 71,97%. Vào tháng 12/2015, vợ chồng ông Phúc đã mua đấu giá thành công hơn 1,66 triệu cổ phần Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Hải Dương.
Ông Phúc còn là người đại diện pháp luật của Công ty CP Khu công nghiệp Cái Lân – QNC (vốn điều lệ 600 tỷ đồng), đây là pháp nhân góp 90 tỷ đồng, tương ứng 3% vốn dự án điện mặt trời nổi Thắng Lợi.
Ngoài ra, vợ chồng ông Phúc còn sở hữu hàng loạt các doanh nghiệp khác như: CTCP Xi măng Thanh Long; Công ty TNHH Đầu tư và thương mại dịch vụ Nam Hải; Công ty TNHH Trường Thịnh Phát Ninh Bình; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Materials Nam Phương; CTCP Xuất nhập khẩu Nam Phương IMEX...
Tại Đắk Lắk, không chỉ Cà phê Thắng Lợi, hiện gia đình ông Phúc hiện đang sở hữu 59,17% CTCP Cấp nước Đắk Lắk (UpCOM: DWC). Tại công ty này, ông Đỗ Hoàng Phúc đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT DWC, Đỗ Hoàng Phương - con trai ông Phúc làm Phó Chủ tịch HĐQT và bà Phạm Thị Linh làm Thành viên HĐQT.
Hiện ông Phúc đang là thành viên HĐQT tại Tổng Công ty Chăn Nuôi Việt Nam - CTCP (Vilico; UPCoM: VLC). Tại Vilico, bà Phạm Thị Linh nắm giữ hơn 5 triệu cổ phiếu VLC (2,94%) và con trai ông Phúc là Đỗ Hoàng Phương giữ 5 triệu cổ phiếu (2,9%) vốn VLC.
Ngoài ra, vợ chồng ông Phúc còn sở hữu cổ phiếu của nhiều công ty: CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UpCom: BSR); Công ty Bảo hiểm Quân đội (HoSE: MIG)…
Đáng chú ý, bà Phạm Thị Linh - vợ ông hiện đang là Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Nam Phương (Công ty Nam Phương)- mắt xích ra đời sớm nhất và hiện cũng là pháp nhân lõi trong hệ sinh thái của vợ chồng này.
Chân dung Công ty Nam Phương
Theo thông tin trên website Công ty Nam Phương, công ty thành lập năm 2004 với tên gọi Doanh nghiệp Nam Phương. Ban đầu, Nam Phương là nhà phân phối xi măng của các nhà máy xi măng trong nước tại Thành Phố Ninh Bình như Vicem Bỉm Sơn, Bút Sơn...
Năm 2014, chuyển đổi thành Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Nam Phương, chuyên kinh doanh các sản phẩm vật liệu xây dựng và các sản phẩm liên quan.
Vốn điều lệ ban đầu của Công ty Nam Phương là 5 tỷ đồng, đến tháng 4/2014 vốn điều lệ của Nam Phương tăng lên 20 tỷ đồng. Đến ngày 30/3/2016, vốn điều lệ Nam Phương tăng vọt lên 1.000 tỷ đồng. Tại ngày 22/8/2016, vốn điều lệ giảm xuống còn 500 tỷ đồng.
Website Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Nam Phương cho biết, công ty liên kết với 3 công ty gồm: Công ty CP XNK Thực phẩm Toàn Cầu (GLOBAL FOOD JSC); Công ty CP thức ăn chăn nuôi Khatoco (KHAFEED) và Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi.
Về Công ty CP XNK Thực phẩm Toàn Cầu tiền thân là nông trường quốc doanh Lục Ngạn, thành lập năm 1963. Đến 1/7/2016 chuyển thành Công ty CP XNK Thực phẩm Toàn Cầu. Công ty có trụ sở tại xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Ngành nghề chính là Buôn bán thực phẩm. Người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc là ông Đỗ Hoàng Phương (SN 1984) - con trai vợ chồng bà Linh.
31/7/2016, Thực phẩm Toàn Cầu có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó Nam Phương góp 4 tỷ đồng, tương đương 20%, ông Đỗ Hoàng Phúc góp 2 tỷ đồng (10%), bà Dương Thị Phượng góp 4 tỷ đồng (20%), cổ đông Đinh Gia Nghĩa góp 8 tỷ đồng (40%) và cổ đông Đỗ Hoàng Phượng góp 2 tỷ đồng (10%).
Công ty CP Thức ăn Chăn nuôi Khatoco tiền thân là Nhà máy Thức ăn chăn nuôi Khánh Hòa được thành lập vào ngày 20/09/2006, là thành viên trực thuộc Tổng công ty Khánh Việt, mô hình hoạt động Công ty mẹ – Công ty con.
Đến ngày 23/12/2013 chuyển đổi thành Công ty CP Thức ăn Chăn nuôi Khatoco. Công ty có trụ sở tại xã Binh Thân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản. Tại ngày 8/3/2016, vốn điều lệ của KHAFEED giảm từ 57 tỷ đồng xuống 45 tỷ đồng. Tại ngày 27/10/2020, người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT của KHAFEED là ông Lê Công Cường (SN 1976).
Trong khi đó, Cà Phê Thắng Lợi có vốn điều lệ tại 30/6/2022 là 126,5 tỷ đồng. Hai cổ đông lớn là UBND tỉnh Đắk Lắk (nắm giữ 36% cổ phần) và bà Phạm Thị Linh.
Nam Phương làm ăn thế nào?
Dữ liệu cho thấy, doanh thu của Công ty Nam Phương tăng trưởng khá đều đặn. Cụ thể, năm 2017, Nam Phương ghi nhận doanh thu đạt 1.664 tỷ đồng, năm 2018, doanh thu tăng 44% so với năm trước đó. Năm 2019, doanh thu Nam Phương tăng nhẹ 6,7% lên 2.563 tỷ đồng.
Và trong khi nhiều doanh nghiệp lao đao trong năm 2020 thì Nam Phương vẫn ghi nhận doanh thu tăng 27,6% so với năm trước đó. Và năm 2021, doanh thu công ty này đạt 3.381 tỷ đồng, tăng 34%.
Dù doanh thu khá lớn nhưng lợi nhuận những năm gần đây thu về đều dưới 2 tỷ đồng/năm. Cụ thể, năm 2017, lợi nhuận công ty đạt 512 triệu đồng. Năm 2018 lợi nhuận tăng gấp 2,3 lần lên 1,2 tỷ đồng và năm 2019 cũng ghi nhận 1,2 tỷ đồng lãi.
Năm 2020, Nam Phương ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1,7 tỷ đồng, tăng trưởng 41,7% so với năm trước đó. Năm 2021, lợi nhuận công ty giảm xuống còn 1,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu giai đoạn 2017-2021 lần lượt đạt: 501 tỷ (năm 2017), 502 tỷ đồng (năm 2018), 504 tỷ (năm 2019), 505 tỷ (năm 2020) và 507 tỷ đồng (năm 2021)