Theo đó, Sovico sẽ tài trợ cho Linacre số tiền lên đến 155 triệu bảng Anh (tương đương 4.810 tỷ đồng). Như vậy, Sovico phá kỷ lục ở Oxford, khoản tài trợ vượt cả tập đoàn "khủng" của Mỹ. Trước đó, năm 2019, tỷ phú Stephen A. Schwarzman, Chủ tịch Tập đoàn Blackstone (Mỹ) từng tặng cho Oxford "món quà" 150 triệu bảng.
Sovico rộng tay tài trợ trường đại học ở Anh trong bối cảnh Tập đoàn ghi nhận lợi nhuận lao dốc và nợ đạt tới tỷ đô, cao vượt trội so với vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Sovico chỉ đạt 893 triệu đồng, giảm 163,1 tỷ đồng, tương đương 99,5% so với năm 2019. Điều đáng nói, lợi nhuận rơi tự do trong khi doanh thu và doanh thu hoạt động tài chính tại Sovico cải thiện mạnh.
Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ tại Tập đoàn năm 2020 tăng 1,2 tỷ đồng, tương đương 70,6% lên 2,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính lên tới 1.896 tỷ đồng, tăng 1.555 tỷ đồng, tương đương 456%.
Nguyên nhân “nhấn chìm” lợi nhuận của Sovico chính là chi phí tài chính quá cao. Chi phí tài chính năm 2020 vọt lên 1.829 tỷ đồng, từ con số 161 tỷ đồng của năm 2019. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối, đạt 1.816 tỷ đồng.
Đây là kết quả của việc nợ tại Sovico rất cao, đạt mức tỷ đô. Tại thời điểm cuối năm 2020, nợ phải trả của Tập đoàn này là 23.900 tỷ đồng (khoảng 1,03 tỷ USD), tăng rất mạnh, tăng 17.741 tỷ đồng, tương đương 288% so với cuối năm 2019 và cao cấp 2,4 lần vốn chủ sở hữu.
Trong đó, vay và nợ thuê tài chính dài hạn lên tới 21.978 tỷ đồng, tăng vượt bậc so với con số 6.000 tỷ đồng hồi cuối năm 2019. Nợ vay quá cao đã gây áp lực tới lợi nhuận của Sovico.
Xét trong cơ cấu tài sản (nguồn vốn) của Sovico, nợ chiếm chủ yếu. Nợ phải trả đạt 23.900 tỷ đồng, chiếm 71% tổng nguồn vốn.
Nợ vay tăng “phi mã” trong năm 2020 thế nhưng tại thời điểm cuối năm, Sovico lại âm nặng dòng tiền. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Sovico là âm 1.308 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư là âm 13.132 tỷ đồng.
Chủ tịch Tập đoàn Sovico là ai?
Không chỉ biết đến là CEO tài năng của Vietjet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn là Chủ tịch Sovico. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 trong một gia đình Hà Nội gốc, năm 17 tuổi, bà Thảo đi du học đại học ngành Kinh tế tài chính.
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo |
Theo thống kê của Forbes, tính đến ngày 9/7/2021, bà Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu khối tài sản ước tính 2,4 tỷ USD, và là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam có tên trong danh sách tỷ phú USD của tạp chí danh tiếng này. Hiện bà xếp thứ 1111 trong bảng danh sách tỷ phú USD trên thế giới.
Bà Thảo là tỷ phú tự thân, với nguồn thu nhập chủ yếu đến từ hãng hàng không Vietjet và ngân hàng HD Bank. Năm 2017 đánh dấu tên tuổi của bà Thảo khi nữ doanh nhân này chính thức trở thành tỷ phú USD, chỉ 6 năm sau khi bà cho ra mắt hãng hàng không VietJet Air. Ngoài hàng không và ngân hàng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và khu nghỉ dưỡng.
4.810 tỷ đồng xây được gần 5.000 ngôi trường vùng cao
Khoản tiền 4.810 tỷ đồng tài trợ được chính Đại học Linacre đánh giá là “hào phóng” và “có ảnh hưởng to lớn tới trường”. Nếu được sử dụng tại Việt Nam, số tiền này chắc chắn sẽ có nhiều ảnh hưởng to lớn hơn.
Hiện tại, ở Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh vùng cao, vùng sâu vùng xa vẫn còn rất nhiều điểm trường tạm bợ, thiếu cơ sở vật chất.
Hồi đầu năm nay, tại chương trình “Kết nối nguồn lực - xây dựng trường học an toàn, thân thiện giai đoạn 2021-2025”, ngành giáo dục đã đưa ra những con số đầy lo ngại.
Theo đó, cả nước hiện có khoảng 584.732 phòng học, khoảng 270.695 nhà vệ sinh tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Trong đó, tỷ lệ phòng học thiếu kiên cố và tỷ lệ nhà vệ sinh không đạt chuẩn lần lượt chiếm 24,6% và 30,6%. 33,6% số trường trên cả nước thiếu phòng học. Tỷ lệ thiết bị tại các cơ sở giáo dục chỉ đáp ứng được khoảng 56,5% nhu cầu dạy học.
Thông tin tại chương trình cho biết môi trường học đường tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn, phổ biến tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn có nhiều khu công nghiệp, miền núi, biên giới, hải đảo.
Theo thống kê, nhiều học sinh tại các vùng miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn về việc tổ chức bữa ăn trưa tại trường, chế độ dinh dưỡng, điều kiện sân chơi, bãi tập luyện thể thao để thực hiện chương trình giáo dục thể chất. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn tới tình trạng học sinh bỏ học, thể vóc thấp bé; quá trình tiếp thu kiến thức, rèn luyện phát triển toàn diện đức-trí-thể-mỹ gặp nhiều khó khăn.
Cũng tại chương trình, Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước có hạn, cùng ảnh hưởng không nhỏ của thiên tai dịch bệnh, Bộ GD&ĐT xác định, huy động, kết nối nguồn nhân lực để xây dựng trường học an toàn, thân thiện là giải pháp quan trọng, đồng thời, là trách nhiệm của ngành Giáo dục và toàn xã hội.
Vì vậy, nếu có được gần 5.000 tỷ đồng, ngành giáo dục chắc chắn sẽ có nhiều tác động tích cực. Nếu xét về xây dựng điểm trường, 5.000 tỷ đồng có thể xây dựng được gần 5.000 điểm trường vùng cao. Số liệu này được tham khảo theo hoạt động của anh Phạm Đình Quý (SN 1973), một trong 10 nhân vật truyền cảm hứng năm 2018. Trong vài năm, anh Quý đã xây dựng được 31 trường dựa trên 20 tỷ đồng đóng góp của các nhà hảo tâm.
Tiền tài trợ cao gấp gần 5 lần tổng tài sản của Linacre
155 triệu bảng Anh là số tiền rất lớn với Đại học Linacre. Số tiền này cao gấp gần… 5 lần tổng tài sản mà Linacre tích luỹ được sau rất nhiều năm hoạt động.
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản tại Linacre chỉ là 32,13 triệu bảng Anh, giảm nhẹ so với 32,14 triệu bảng Anh hồi năm 2019. Cùng với đó, Linacre cũng chịu ảnh âm dòng tiền như Sovico.
Tại thời 31/12/2020, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của trường là âm 496.000 bảng Anh, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư là âm 9,2 triệu bảng Anh, tăng vọt so với con số âm 122.000 bảng Anh.
Những số liệu kém tích cực này đến từ việc doanh thu và lợi nhuận bết bát của Linacre. Năm 2020, trường ghi nhận doanh thu chỉ 4,4 triệu bảng Anh nên đã thua lỗ 16.000 bảng Anh. Việc thua lỗ này có thể giải thích bằng Covid-19. Tuy nhiên, trước đó 1 năm, trong năm 2019, trường cũng chỉ đạt doanh thu 4,4 triệu bảng Anh và khoản lợi nhuận hơn 1,7 triệu bảng Anh.
Mặt khác, việc tài trợ tiền cho Linacre College và 'tham vọng' đổi tên trường này thành Thao College - vốn gây chú ý nhất trong chuyến đi này của bà Thảo - và vẫn đang có nhiều tranh cãi từ cộng đồng.
Liên quan đến những công bố tài trợ, hay hợp tác “khủng” của doanh nhân Nguyễn Phương Thảo, đến nay, dư luận lại đặt câu hỏi về việc năm 2019, Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing đã ký hợp đồng mua 100 máy bay 737 MAX mới trị giá 12,7 tỷ USD theo giá niêm yết của nhà sản xuất, không biết đến nay việc này được thực hiện thế nào. Liệu có phải chỉ là những thỏa thuận “làm màu thương hiệu hay không”?
Theo SHTT