Chính phủ cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường những năm qua đều đã có những chỉ đạo quyết liệt về việc bảo vệ môi trường. Theo đó, bên cạnh hỗ trợ tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển, các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương phải thường xuyên giám sát, yêu cầu doanh nghiệp chấp hành đầy đủ quy định pháp luật về môi trường.
Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị về việc kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình, nhiệm vụ về quản lý chất lượng không khí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Đặc biệt, từ nay đến giữa năm 2021, cần thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng thuộc phạm vi quản lý, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tạm đình chỉ, đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Nhiều doanh nghiệp đã đi vào hoạt động nghiêm chỉnh theo quy định. Nhưng có doanh nghiệp vẫn không thực hiện không đầy đủ. Thậm chí, trong hồ sơ thủ tục của doanh nghiệp được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đầy đủ về đảm bảo môi trường. Nhưng trên thực tế, doanh nghiệp có thực hiện đúng hay không, điều này ảnh hưởng đến môi trường ở mức độ nào? Đây là điều mà Tạp chí điện tử Hòa Nhập đã tìm hiểu trong thời gian qua. Điển hình là tại một Trang trại lợn quy mô lớn tại Nghệ An. Mặc dù doanh nghiệp hoạt động nhiều năm nhưng vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận công trình bảo vệ môi trường. Cũng trong những năm tháng đó, người dân nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền.
Suốt mấy năm nay, người dân ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An đang rất bức xúc về việc ô nhiễm môi trường tại dự án Trang trại lợn kỹ thuật cao Masan Nutri-Farm (gọi tắt là Trang trại lợn Masan Nghệ An) có địa chỉ tại xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Dự án Trang trại của Công ty trách nhiệm hữu hạn MNS FARM Nghệ An (Thành viên của Tập đoàn Masan) làm chủ đầu tư.
Theo thông tin được công bố: Công ty có 2 Trại chăn nuôi là Trại S1 và Trại S2 trên địa bàn xóm Côn Sơn, xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Trại S2 bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 12/2017 trên diện tích sử dụng đất là 110 ha. Hoạt động chính là xây dựng trang trại chăn nuôi lợn sinh sản công nghệ cao với công suất chăn nuôi 40.000 lợn thịt và 5.000 lợn nái. Trại S1 bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 12/2019 trên diện tích sử dụng đất là 109 ha. Hoạt động chính là xây dựng trang trại chăn nuôi lợn sinh sản công nghệ cao với công suất chăn nuôi 60.000 lợn thịt và 5.400 lợn nái.
Thay vì phải hoàn thành và có giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành đối với dự án trại S2 rồi mới được đưa vào hoạt động sản xuất chăn nuôi đồng loạt, nhưng Trang trại lợn Masan Nghệ An đưa trại S2 vào hoạt động quá công suất lâu nay gây ảnh hưởng môi trường sống của người dân nơi đây do mùi hôi thối ảnh hưởng từ việc hoạt động của trang trại lợn Masan.
Những ngày đầu tháng 5/2021, chúng tôi lại có mặt tại xã Hạ Sơn, Quỳ Hợp (Nghệ An) và tiếp tục ghi nhận sự bức xúc của những người dân sông quanh Trang trại nuôi lợn của Masan.
Một số người dân trú tại xã Hạ Sơn, Quỳ Hợp sinh sống gần khu vực Trang trại lợn Masan cho biết: Việc mùi hôi thối này đã xuất hiện tại đây từ mấy năm nay, đặc biệt vào những ngày nắng nóng mùi hôi thối bốc lên khiến các gia đình xung quanh không thể chịu nổi. Thậm chí có đóng cửa lại cũng không thoát khỏi mùi hôi thối từ phân lợn bay vào. "Chúng tôi không biết sẽ chịu đựng tình trạng này đến bao giờ." - Một người dân nói.
Chị Đặng Thị H. (trú tại Xóm Trại Lá, xã Hạ Sơn) cho biết : “Nhà em ở một bên trang trại, thối lắm ạ. Đặc biệt là mùa hè, cứ khoảng 2-3h sáng mùi rất kinh khủng ạ”.
Chị Nguyễn Thị Yến (xóm Xuân Sơn, gia đình có 5ha đất sát cạnh trang trại S1 của Masan) nói rằng mùi hôi thối kéo dài suốt mấy năm nay. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên tại các cuộc họp nhưng vẫn không được.
“Tôi bảo Yến là bán hết đất đai, chuyển đi nơi khác mà sinh sống. Ở đây chỉ chết sớm thôi, môi trường ô nhiễm kinh quá nhưng nó bảo làm gì có ai mua ở đây mà bán.” - Bà Phan Thị Vóc (một người thân gia đình chị Yến từ Thanh Hóa vào chơi gần 1 tháng) chia sẻ.
Đó là nỗi khổ cũng như bức xúc của tất cả người dân sống quanh khu vực Trang trại lợn Masan khi hàng ngày phải chịu đựng mùi hôi thối, cứ như thế cuộc sống của họ bị đảo lộn hoàn toàn.
Đại diện cựu chiến binh cho biết: Từ ngày trang trại lợn hoạt động ở đây, người dân đã gửi đơn lên các cấp chính quyền kiến nghị giải quyết vấn đề môi trường nhưng không thấy giải quyết triệt để. Một trang trại chưa giải quyết xong, năm ngoái lại mở thêm 1 trang trại nữa khiến tình trạng càng tồi tệ.
Trong báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND tỉnh Nghệ An cuối tháng 5 vừa qua: Ngày 15/4, Sở lập đoàn kiểm tra đột xuất tại Trang trại S1 phát hiện một số mẫu có chỉ tiêu Coliform vượt quy chuẩn cho phép. Sở đã có công văn vào ngày 10/5 thông báo kết quả kiểm tra vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án và yêu cầu chủ dự án tiếp tục thực hiện một số nội dung tồn tại. Nhưng vào ngày 7/5, Sở cũng có văn bản thông báo kết quả kiểm tra công trình xử lý chất thải giai đoạn thử nghiệm. Sở lại xác nhận cả Trại S1, S2 đều đã hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo ĐTM do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Cũng theo văn bản của Sở TN&MT Nghệ An, hồi cuối tháng 3, Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra và phát hiện Trang trại này đang nuôi tổng công 133.732 con lợn (trong đó có 10.863 con lợn nái, vượt gần 1.000 con so với quy mô chuồng trại của trang trại này.
Mặc dù bị người dân địa phương kiến nghị nhiều năm nay và khiến cơ quan chức năng phải nhiều lần giải quyết, nhưng trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Hồng Vân (đại diện Masan) nói rằng: Hiện nay, chưa có quy định của pháp luật như thế nào là đạt hoặc chưa đạt để đánh giá đúng mức độ về vấn đề mùi hôi phát sinh trong hoạt động chăn nuôi. Cảm nhận về mùi mang nhiều cảm tính cá nhân và phần nào cũng còn phụ thuộc vào các yếu tố khách quan như thời tiết, độ ẩm, hướng gió... Đại diện của Masan cũng nói rằng công ty đã thực hiện các biện pháp vệ sinh để đảm bảo môi trường.
Chính doanh nghiệp này cũng nói rằng: Hiện nay, Công ty và đơn vị tư vấn đã hoàn thành xong hồ sơ cho thủ tục vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của trang trại và nộp lên cơ quan chức năng.
Như vậy, có thể thấy cho thời điểm chúng tôi liên hệ, Trang trại lơn Masan Nghệ An vẫn chưa hoàn thành thủ tục về bảo vệ môi trường và chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Vậy nhưng không hiểu vì sao Trang trại lợn Masan vẫn cứ đi vào hoạt động nhiều năm qua gây ảnh hướng đời sống người dân.