TS. LS. Đặng Văn Cường |
Gần đây có hiện tượng người dân rút tiền tại các TCTD sang gửi tại các tổ chức không có chức năng nhận tiền gửi. Ông nhận định thế nào về hiện tượng này?
Thời gian gần đây xảy ra không ít vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn trái phép gây bức xúc trong dư luận, thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhiều tổ chức, cá nhân. Mặc dù cơ quan chức năng đã quyết liệt trong việc phát hiện, xử lý vi phạm nhưng hiện tượng này vẫn diễn ra ở nhiều lĩnh vực.
Theo quy định của pháp luật, chỉ TCTD hoạt động theo Luật Các TCTD, có sự quản lý của nhà nước thì mới được thực hiện các hoạt động tín dụng, trong đó có hoạt động nhận tiền gửi và cho vay. Với những tổ chức không phải là TCTD mà thực hiện hoạt động nhận tiền gửi của nhiều tổ chức cá nhân rồi trả lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng có thể coi huy động vốn trái phép và rất dễ xảy ra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nguy cơ người dân mất tiền là hiện hữu.
Ông có thể phân tích rõ hơn nguy cơ thiệt hại của người dân?
Đối với các TCTD được thành lập và hoạt động hợp pháp thì sẽ chịu điều chỉnh của rất nhiều văn bản pháp luật, có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước nhằm đảm bảo an toàn hoạt động đối với tất cả các TCTD. Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ có biện pháp theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền tại ngân hàng.
Còn đối với gửi tại các tổ chức không được cấp phép nhận tiền gửi tuy họ cam kết trả lãi suất cao nhưng nguy cơ người gửi tiền mất tiền rất cao. Vì tổ chức huy động trái phép thiếu sự quản lý của nhà nước, số tiền đó rất dễ bị sử dụng vào mục đích bất hợp pháp.
Ngoài ra, mối quan hệ giữa khách hàng với các tổ chức này thường bị lách luật sang “hợp đồng hợp tác đầu tư” theo nguyên tắc “lời ăn, thua chịu”. Mặc dù trong hợp đồng có thỏa thuận về lợi nhuận nhưng nếu như họ làm ăn không có lãi, kinh doanh thua lỗ, có thể xảy ra tình trạng lấy tiền của người sau trả cho người trước. Khi doanh nghiệp không thể huy động thêm được vốn sẽ dẫn đến mất khả năng thanh toán, khách hàng không những không được nhận lợi nhuận như cam kết mà còn có thể mất trắng nếu chưa làm rõ dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của tổ chức này.
Người dân cần cảnh giác thế nào đối với các mô hình kêu gọi gửi tiền lãi suất cao, thưa ông?
Hiện nay, những hiện tượng huy động vốn trái phép trên mạng internet và các tổ chức, doanh nghiệp huy động vốn trái phép diễn ra rất nhiều trong đời sống xã hội. Các đối tượng lừa đảo thực hiện các thủ đoạn, phương thức ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Nhiều đối tượng được đào tạo rất bài bản bởi các tập đoàn lừa đảo nên họ xây dựng nhiều “kịch bản” nhằm đánh vào lòng tin, lòng tham của nạn nhân.
Nạn nhân trong các vụ việc phần lớn là những người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin hoặc những người vì lòng tham mà bị lãi suất, lợi nhuận che mờ mắt. Rất nhiều vụ việc khi cơ quan điều tra vào cuộc phát hiện xử lý thì các đối tượng lừa đảo đã tẩu tán tài sản hoặc chi tiêu cá nhân hết dẫn đến không còn khả năng thu hồi để trả lại cho người bị hại. Cơ hội của người bị hại lấy lại tài sản trong những vụ lừa đảo lớn không nhiều.
Ngoài ra, còn có những hình thức huy động vốn trái phép để chiếm dụng vốn trong các quan hệ dân sự. Với những vụ việc như vậy thì việc khởi kiện để đòi tiền, đòi tài sản lại càng khó khăn hơn rất nhiều lần. Bởi vậy, người dân chỉ nên đầu tư vào lĩnh vực, doanh nghiệp mà mình hiểu rất rõ về nó; và cũng cần xác định là hình thức đầu tư nào cũng có rủi ro, nhưng quan trọng là kênh đầu tư phải đúng quy định pháp luật. Cần khẳng định rằng, đối với những khoản tiền nhàn rỗi, kênh tiết kiệm từ ngân hàng vẫn là “hầm trú ẩn” an toàn nhất.
Xin cảm ơn ông!