Báo cáo kinh tế vĩ mô 2020, triển vọng 2021 của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố, nhận định mặt bằng lãi suất của Việt Nam trong năm 2020 đã giảm mạnh về mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt như 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành từ 1,5-2 điểm %; giảm 0,6-1 điểm % trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5 điểm % trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Điều này giúp mặt bằng lãi suất đầu vào giảm, tạo cơ sở để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau dịch…
Du lịch, hàng không vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Trong ảnh: Du khách đến TP HCM dịp đầu năm 2021.
Dù vậy, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhận định trong năm 2021, lãi suất sẽ chịu nhiều áp lực tăng khi nhu cầu tín dụng phục hồi, áp lực lạm phát cao hơn, đòi hỏi cơ quan quản lý cần lưu ý.
"Dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm duy trì lãi suất cơ bản ổn định, tạo điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn. Có điều, cùng với đà hồi phục kinh tế, nhu cầu tín dụng và áp lực lạm phát tăng lên có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng nhẹ so với năm 2020" - TS Cấn Văn Lực nóiCác chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SSI cũng cho rằng lãi suất sẽ thoát đáy và đi lên trong năm nay, tại báo cáo về triển vọng thị trường 2021. Cụ thể, lãi suất có thể đi lên do tăng trưởng tín dụng mạnh hơn và kinh tế phục hồi.Năm 2021, SSI ước tính tăng trưởng tín dụng nằm trong khoảng 13-14% cao hơn so với mức khoảng 11% của năm 2020, nhờ kinh tế phục hồi khi sản xuất thành công vắc - xin phòng dịch Covid-19; sự chuyển dịch từ trái phiếu doanh nghiệp sang tín dụng ngân hàng; tài chính tiêu dùng tăng trưởng trở lại.
Ở góc độ khác, tại Báo cáo chiến lược đầu tư 2021 của Công ty chứng khoán Rồng Việt, các chuyên gia phân tích cho rằng chính sách tiền tệ có thể được tiếp tục nới lỏng trong năm nay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình gặp khó khăn kéo dài do đại dịch. Tăng trưởng tín dụng sẽ tăng lên mức 12-13% cùng với sự cải thiện của niềm tin kinh doanh và các hoạt động kinh tế.
Về lãi suất, các chuyên gia của Rồng Việt nhận định, với ước tính lạm phát năm nay ở mức 3,5%, lãi suất huy động đang ở gần mức thấp nhất trong lịch sử nhưng lãi vay vẫn có thể giảm thêm do tác động của độ trễ. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm chi phí đi vay góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh kinh tế phục hồi.
Thời gian qua, dù dịch bệnh được kiểm soát tốt nhưng tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng đến các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo khảo sát gần đây của Ngân hàng Thế giới, hầu hết doanh nghiệp vẫn hoạt động dưới mức công suất trước dịch bệnh và khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước còn hạn chế.
Do đó, trong năm 2021, các chuyên gia cho rằng chính sách tiền tệ có thể được Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới lỏng nhằm duy trì việc hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn kéo dài do dịch bệnh, nhất là các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, doanh nghiệp nhỏ và vừa…