Kiều hối thúc đẩy tăng trưởng

người đồng hành/thời báo NH 15:55 01/02/2021

Cần tiếp tục có chính sách mở rộng cho vay vốn, tạo điều kiện cho lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động nước ngoài và khuyến khích mọi thành phần kinh tế mở rộng thị trường xuất khẩu, địa bàn

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Điều đó khiến cho hoạt động xuất khẩu lao động trong nước cũng gặp nhiều khó khăn. Theo đó, trong năm 2020 xuất khẩu lao động Việt Nam giảm hơn 60% so với năm 2019. Nhiều thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm như Nhật Bản, Đài Loan… bị đình trệ, bản thân những lao động hiện đang làm việc tại đây cũng gặp khó khăn trong cuộc sống và việc làm. Du học sinh phải về nước sớm trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng tại các nước châu Âu và châu Mỹ.

Chính vì vậy, lượng kiều hối năm 2020 chuyển về Việt Nam giảm hơn 7% so với năm 2019, còn 15,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5,8% GDP. Tuy nhiên nó vẫn là khả quan hơn rất nhiều so với dự báo giảm 20% của WB và Việt Nam vẫn nằm trong top 10 các nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Đáng nói doanh số chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam qua ngân hàng vẫn duy trì ở mức tích cực nhờ các chính sách thu hút kiều hối tốt.

Phần nhiều kiều hối chuyển về đã được chuyển sang VND.

Phần nhiều kiều hối chuyển về đã được chuyển sang VND.

Lãnh đạo VietinBank cho biết, ngân hàng đã xác định năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn đối với mảng kinh doanh dịch vụ kiều hối. Tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước diễn biến phức tạp khiến các ngân hàng phải nhanh chóng thích nghi và tìm ra giải pháp mới để tiếp tục triển khai hoạt động kinh doanh trong tình hình mới trong đó có chính sách thu hút kiều hối. Theo đó, VietinBank đã nhanh chóng đẩy mạnh tự động hóa giao dịch kiều hối, mở các kênh giao dịch online, nhận tiền online qua tài khoản và Internet. Ngoài ra, để chia sẻ khó khăn với khách hàng, VietinBank triển khai các chương trình ưu đãi về giá phí, các chương trình tặng quà cho khách hàng mới sử dụng dịch vụ, hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng qua các kênh mạng xã hội… Nhờ đó lượng kiều hồi chuyển về qua ngân hàng vẫn được duy trì.

Một ngân hàng có doanh số chuyển tiền kiều hối lớn nữa là Agribank cũng vẫn giữ được “phong độ” trong năm 2020. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Trung tâm dịch vụ thanh toán và kiều hối Agribank cho biết, với việc tích cực triển khai nhiều chương trình thu hút kiều hối, cải tiến chất lượng dịch vụ kiều hối qua Agribank năm 2020 đạt 1.050 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2019. Mặc dù Covid-19 tác động đến kinh tế toàn cầu nhưng kiều hối về từ một số thị trường chủ lực như Nhật Bản qua Agribank vẫn ổn định. Đối tượng phục vụ chủ yếu của Agribank là công nhân xuất khẩu lao động ở một số thị trường trọng điểm gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ… Kiều hối chuyển về chủ yếu từ nguồn xuất khẩu lao động để chu cấp cho thân nhân ở trong nước.

Tại Vietcombank, lãnh đạo ngân hàng cho hay, kiều hối chuyển qua ngân hàng đạt trên 2 tỷ USD. Nguồn tiền chuyển về Việt Nam vẫn đến từ những thị trường truyền thống như Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada), châu Âu (Đức, Anh, Pháp…) và khu vực Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Macao, Singapore...).

Một tín hiệu tích cực nữa là rất nhiều người nhận kiều hối bán lại USD cho ngân hàng để nhận VND. Đơn cử theo thống kê của Agribank có 50% lượng kiều hối được nhận về là VND. Điều đó vừa giúp ngân hàng có nguồn ngoại tệ dồi dào để phục vụ cho khách hàng phát triển sản xuất kinh doanh. Theo các chuyên gia, có được kết quả này một phần cũng nhờ tỷ giá được duy trì ổn định đã giúp nâng cao lòng tin của người dân vào VND. Bên cạnh đó, việc duy trì lãi suất tiền gửi USD ở 0% đã khuyến khích người dân chuyển đổi USD sang VND để gửi tiết kiệm, từ đó giúp đất nước tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc nguồn vốn nước ngoài.

Nhận định về triển vọng kiều hối trong năm 2021, ông Hùng cho biết, kiều hối sẽ tốt hơn khi chuyển tiền qua kênh điện tử tạo thuận lợi rất lớn cho người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài cũng như Việt kiều. Tuy nhiên, theo như dự báo của WB, kiều hối toàn cầu năm 2021 có thể sụt giảm tới 14%, gấp đôi mức sụt giảm đã dự báo trước đó cho 2020. Bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh sẽ kéo theo các hệ quả về suy thoái kinh tế, đóng cửa biên giới, bảo hộ công dân và thị trường lao động. Do đó, nguồn kiều hối năm 2021 của Việt Nam sẽ khó tăng trưởng so với năm 2020.

Ở Việt Nam, kiều hối được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, để thu hút mạnh hơn nữa dòng kiều hối về Việt Nam, theo giới chuyên môn, thời gian tới Nhà nước cần thực thi các chính sách nhằm định hướng hoặc tạo động lực để kiều hối đầu tư vào khu vực sản xuất và các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực như giáo dục và sức khỏe cộng đồng... tạo ra các hiệu ứng phát triển tích cực về dài hạn cho đất nước. Đặc biệt, cần tiếp tục có chính sách mở rộng cho vay vốn, tạo điều kiện cho lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động nước ngoài và khuyến khích mọi thành phần kinh tế mở rộng thị trường xuất khẩu, địa bàn hoạt động kinh doanh ở cả trong và ngoài nước...

Link gốc : https://ndh.vn/ngan-hang/kieu-hoi-thuc-day-tang-truong-1284823.html

Bạn đang đọc bài viết Kiều hối thúc đẩy tăng trưởng tại chuyên mục Cần biết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cần biết