Đằng sau những tham vọng của VPBank

DOANH NGHIỆP TIẾP THỊ 21:06 19/02/2021

VPBank hiện có tỷ lệ chi phí trên thu nhập ở nhóm thấp nhất trên thị trường, dự kiến sẽ giảm thêm ít nhất 1% nữa trong năm 2021 và qua đó cải thiện biên lợi nhuận.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa trải qua một năm 2020 khá thuận lợi với lợi nhuận hợp nhất cao kỷ lục hơn 13 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 127,5% kế hoạch đề ra. Động lực tăng trưởng lợi nhuận đến từ ngân hàng mẹ (đóng góp 71% tỷ trọng) trong bối cảnh chi phí hoạt động vẫn tiếp tục được tối ưu hóa.

Chi phí hoạt động của ngân hàng đã giảm kỷ lục trong quý 4, xuống mức còn chiếm 26,2% thu nhập hoạt động của ngân hàng. Song song với đó, chất lượng tài sản và hiệu quả hoạt động được cải thiện rõ rệt. Dư nợ cấp tín dụng ngân hàng mẹ tăng trưởng gần 22% trong khi tỷ lệ nợ xấu giảm xuống dưới mức 2%.

Những con số trên cho thấy VPBank không chỉ tăng trưởng bứt phá mà còn có nền tảng khá vững chắc để tiếp tục duy trì vị thế trong cuộc đua trở thành một trong ba ngân hàng có giá trị nhất như đã đề ra cho giai đoạn 2018 - 2022.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, thành quả này có được là nhờ hoạt động thay đổi chiến lược rốt ráo của ngân hàng nhiều năm qua. Bắt đầu từ việc quyết liệt theo đuổi số hóa hệ thống ngân hàng, tiếp đến là một chính sách thay đổi mang tính toàn diện có tên Be Fit.

Được triển khai từ tháng 4/2019, Be Fit tập trung vào 3 mục tiêu chính. Đó là nâng cao hiệu suất lao động, tinh chỉnh cơ cấu tổ chức, tối ưu quy trình làm việc. Việc triển khai chương trình này đồng thời với sự thay đổi các hệ thống nền tảng của ngân hàng cũng như đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ ứng dụng số hóa, tự động hóa đã dịch chuyển mạnh mẽ mô hình vận hành.

Việc triển khai Be Fit đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động nội bộ của VPBank. Ngay tại trụ sở chính, sự điều chỉnh là thay đổi cơ cấu và kiện toàn nhân sự để tối ưu hóa nguồn lực. Các kênh bán hàng tập trung vào sự chuyển đổi mạnh mẽ mô hình bán hàng để tăng năng suất lao động, như chuyên môn hóa hoạt động tìm khách hàng mới và khai thác tốt khách hàng hiện hữu, tăng cường mô hình quản lý tập trung, và quy chuẩn hóa lại tiêu chuẩn chi nhánh tại Hà Nội và TPHCM.

Bên cạnh các hoạt động sắp xếp lại bộ máy, ngân hàng còn đẩy mạnh việc ứng dụng số hóa và tự động hóa trong các hoạt động vận hành bộ máy và chăm sóc khách hàng. Hàng loạt các sáng kiến cải tiến quy trình và tự động hóa hệ thống qua các ứng dụng điện thoại di động, ứng dụng phần mềm robot tự động, ứng dụng video live chat và ứng dụng ECM/BPM… giúp tăng năng suất lao động.

Trong năm 2020, Be Fit tiếp tục để lại nhiều dấu ấn, không chỉ ở khía cạnh tối ưu, tinh giản nhân sự mà còn mở rộng đầu tư và hiệu quả hoạt động. VPBank là một trong những ngân hàng đầu tiên trên thị trường ứng dụng thành công eKYC để mở tài khoản trực tuyến. Ứng dụng VPBank online được xây dựng hoàn toàn dựa hoàn toàn trên nguồn lực nội bộ, được tích hợp AI cũng như Big Data mang lại những kết quả ấn tượng. Số giao dịch trực tuyến năm vừa rồi tăng gấp 2 lần so với năm 2019; Khách hàng hoạt động trên nền tảng số đã tăng 58% và số lượng hợp đồng cho vay trực tuyến tăng 35%.

Chi phí hoạt động, qua đó tiếp tục được tối ưu hóa khi CIR xuống mức 30,5% tại vào thời điểm cuối năm 2020, giảm 7,5 điểm % so với năm 2019 và cũng là mức thấp nhất so với các ngân hàng lớn trên thị trường.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, Be Fit sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2021 để có thể tối ưu hóa chi phí cũng như tinh giản hóa bộ máy tổ chức. Bên cạnh đó, trọng tâm tiếp theo sẽ là tối ưu hóa bảng cân đối.

"Chi phí vốn của VPBank đã giảm 0,6% trong năm 2020. Chúng tôi kỳ vọng với tình hình thanh khoản càng ngày dồi dào của thị trường cũng như với cơ cấu huy động tối ưu của ngân hàng thì ngân hàng sẽ giảm chi phí vốn xuống thêm 1% nữa trong năm 2021, qua đó cải thiện biên lợi nhuận", ông Vinh chia sẻ.

Mặt khác, một nhiệm vụ quan trọng của Be Fit đó là phải tăng cường chất lượng nhân sự. Trong năm đầu tiên triển khai Be Fit, lượng nhân sự tại ngân hàng mẹ đã giảm hơn 17%, tương đương khoảng 2.000 người, chủ yếu là thay thế những vị trí lao động đơn thuần bằng ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, Be Fit không chỉ hướng tới mục tiêu cắt giảm nhân sự mà còn liên tục tìm kiếm các nhân tố mới thông qua các chương trình cũng như chính sách dài hơi về nhân sự hấp dẫn để thu hút những người đặc biệt giỏi tham gia vào ngân hàng.

Ở khía cạnh công nghệ, sau khi tối ưu quy trình và đẩy mạnh giao dịch số, VPBank bắt đầu cho bước tiếp theo của chiến lược số hóa. Cụ thể, ngân hàng đã triển khai hàng loạt chương trình hợp tác với startup công nghệ Be Group, triển khai ngân hàng số Cake hay tự xây dựng các sản phẩm số như Ubank.

Theo tổng giám đốc VPBank, việc bắt tay với hàng loạt các đối tác công nghệ khác nhằm xây dựng một hệ sinh thái toàn diện, nhằm cung cấp những sản phẩm và dịch vụ phù hợp thông qua những kênh phù hợp nhất để khách hàng.

"Thời điểm hiện tại chúng tôi đang hướng đến những trạm tiếp theo trong quá trình số hóa. Trong đó VPBank sẽ thúc đẩy mối quan hệ với các đối tác công nghệ như Fintech và nhiều startup về thương mại điện tử khác để họ kết nối với hệ thống ngân hàng của VPBank. Thông qua sự việc hỗ trợ trên nhiều nền tảng, các sản phẩm của ngân hàng sẽ có khả năng thâm nhập sâu hơn, dễ dàng tiếp cận và gần gũi với khách hàng hơn", ông Vinh cho biết.

Bạn đang đọc bài viết Đằng sau những tham vọng của VPBank tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn