Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng các đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang); Nguyễn Hồng Sơn (Hải Dương); Âu Thị Mai (Tuyên Quang); Trần Quang Minh (Quảng Bình)... chất vấn về nội dung: Kinh nghiệm quốc tế trong triển khai các gói hỗ trợ và việc thực hiện ở Việt Nam; ý kiến về việc nên sớm triển khai tuyến đường cao tốc nối Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang; xây dựng chỉ tiêu GDP; giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, vốn ODA; giải pháp để ưu tiên đầu tư phát triển các vùng đang khó khăn;...
Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đặt câu hỏi chất vấn |
5 nhóm giải pháp thực hiện mục tiêu kép
Trả lời chất vấn của đại biểu về các giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế, thực hiện thành công mục tiêu kép trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã xây dựng 5 nhóm giải pháp như sau:
Thứ nhất, tập trung mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch và thực hiện Nghị quyết 128 một cách thắt chặt an toàn, có lộ trình phù hợp với chiến lược phòng, chống dịch và khả năng tiêm vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế. Tăng tính chủ động cho doanh nghiệp để duy trì hoạt động liên tục.
Thứ hai, tập trung hỗ trợ an sinh xã hội và tạo việc làm, theo đó hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người lao động, đào tạo, đào tạo lại lao động, kết nối việc làm, phát triển thị trường lao động, chính sách dạy nghề, nhà ở xã hội...
Thứ ba, là hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp. Vừa qua, doanh nghiệp bị ảnh hưởng tổn thương rất nhiều và khả năng chống chịu đã bị bào mòn rất nhiều, đặc biệt và một số lĩnh vực bị tác động mạnh mẽ.
Về các chính sách chung, Bộ sẽ xem xét để trình Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền để cho phép kéo dài các chính sách về miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí.
Bên cạnh đó, hỗ trợ cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp vay trong một số lĩnh vực ưu tiên, có một số các chính sách riêng đối với ngành và lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số...
Thứ tư, là phát triển kết cấu hạ tầng, khuyến khích PPP để thực hiện các hạ tầng này; đầu tư công tập trung cho hạ tầng chiến lược và những công trình trọng điểm quốc gia mang tính động lực lớn lan tỏa, kết nối để phát triển bền vững trong thời gian tới, công trình an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập, ứng phó với biến đổi...
Thứ năm, là tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư và đi kèm với đó phải có chính sách về quản trị rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội |
Luật hóa để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp
Trả lời chất vấn về giải pháp đột phá để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp tại nhiệm kỳ trước, trên thực tế là không đạt được.
Bộ trưởng cho rằng, để thực hiện được mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2025 cần những giải pháp căn cơ.
Một trong những điều kiện để thực hiện mục tiêu này là tập trung phát triển hộ kinh doanh. Hiện Việt Nam có 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, với 8 triệu lao động, tuy nhiên hiện vẫn chưa có một môi trường pháp lý phù hợp.
Trong nhiệm kỳ trước, Chính phủ có đề xuất bổ sung vào Luật doanh nghiệp, tuy nhiên Quốc hội đề nghị tách thành luật riêng. Theo đó, thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ báo cáo Chính phủ, có thể xây dựng luật riêng cho hộ kinh doanh cá thể, trình cấp có thẩm quyền thông qua để phát huy lợi thế, tiềm năng của các hộ kinh doanh, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh phát triển "lớn lên" doanh nghiệp.
Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2025 có thể đạt được nếu có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hộ kinh doanh chuyển sang thành doanh nghiệp, Bộ trưởng nói.
Gói hỗ trợ phải có quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp
Về kinh nghiệm triển khai các gói hỗ trợ của các nước trên thế giới, Bộ trưởng cho biết, các nước thường đưa ra các gói hỗ trợ rất lớn, quyết định rất nhanh, chấp nhận tăng nợ công... qua đó khôi phục kinh tế rất nhanh.
Về tài khóa các nước đều tăng cho y tế, hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cấp phát tiền mặt, miễn giảm thuế phí đối với những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; đầu tư cho hạ tầng.... Về tín dụng, nhìn chung các nước hỗ trợ lãi suất, nới lỏng quy định cho vay...
Đối với Việt Nam, gói hỗ trợ phải có quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp, bảo đảm kinh tế vĩ mô, kết hợp linh hoạt chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ; gắn kết chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, chính sách tái cơ cấu nền kinh tế; tính toán đến cả những tác động trong ngắn hạn, dài hạn; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khả thi, hiệu quả... để nền kinh tế phục hồi, phát triển nhanh theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống dịch hiệu quả, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2020-2025 đã đề ra.
Về triển khai tuyến cao tốc nối Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang, Bộ trưởng cho biết, theo quy hoạch tuyến này sẽ được triển khai sau năm 2025. Tuy nhiên, nếu được triển khai sớm hơn, kết hợp với các tuyến cao tốc khác, sẽ hình thành mạng lưới đường cao tốc, kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc với thủ đô Hà Nội, đồng bằng Bắc Bộ,... Theo Bộ trưởng, điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển mới ở khu vực miền núi phía Bắc. Bộ KH&ĐT hoàn toàn ủng hộ chủ trương này và sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án ODA
Về giải pháp triển khai hiệu quả các dự án ODA, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với một số dự án ODA, ngoài việc phải thực hiện các thủ tục theo quy trình, thủ tục và pháp luật trong nước còn phải làm thêm các quy trình, thủ tục của nhà tài trợ.
Như vậy, phải làm đồng thời hai việc, mà mỗi việc lại mất rất nhiều thời gian, nhất là thời gian trong giãn cách vừa qua thì chỉ một thay đổi nhỏ như thay đổi tên, địa giới, phạm vi diện tích… cũng rất khó thực hiện.
Tiếp đó là vấn đề về lao động và chuyên gia lao động. Lao động ở các dự án này phải có giấy phép, chuyên gia thì phải có xác nhận tư cách chuyên gia. Những “động tác” này đều phải làm các thủ tục xong mới làm được. Thế nên các dự án ODA hiện nay đang giải ngân rất chậm.
Thêm vào đó, các nguyên nhân như khâu nhập khẩu máy móc gặp khó khăn hay chuyên gia lao động bị cách ly, không được di chuyển giữa địa phương này đến địa phương kia… càng khiến tốc độ giải ngân các dự án có vốn ODA thấp. Ngoài ra, có một số dự án ODA do triển khai, lựa chọn và tổ chức thực hiện chưa tốt dẫn đến lãng phí.
Thời gian tới, Bộ sẽ cùng với các ngành, địa phương rà soát lại những dự án nào có vướng mắc có thể tháo gỡ nhằm thúc đẩy tiến độ, đảm bảo hiệu quả.
Những dự án nào không thực sự hiệu quả, không còn phù hợp sẽ bàn với nhà tài trợ để "đóng" các dự án này, không để kéo dài và lãng phí.
Giải ngân chậm – tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu
Dẫn thông tin từ báo cáo của Chính phủ đến ngày 31/10/2021 tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng như việc giải ngân vốn ODA còn đạt thấp so với kế hoạch, đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) đề nghị, Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của việc giải ngân chậm và giải pháp gì để thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và những năm tiếp theo. Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn ODA?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, giải ngân đầu tư công là một vấn đề được rất nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước quan tâm và cũng đã được nêu tại rất nhiều tại các kỳ họp của Quốc hội. Thế nhưng các vấn đề vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để và tỉ lệ giải ngân vẫn rất thấp, đặc biệt là năm nay. Theo Bộ trưởng, tình trạng này có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Thứ nhất, do công tác chuẩn bị dự án rất kém, chất lượng không cao, mang tính hình thức nhiều, sau khi được chấp thuận, chủ trương thì mới bắt đầu thực hiện một cách thực tế và lúc đó lại mất thời gian để "điều chỉnh đi, điều chỉnh lại", mất rất nhiều thời gian.
Bộ KH&ĐT đã tham mưu ban hành nhiều chính sách chưa có tiền lệ để kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp |
Thứ hai, về giải phóng mặt bằng. Đây cũng là câu chuyện muôn thuở mà chưa thể giải quyết ngay được nếu các quyết định của Luật Đất đai không giải quyết triệt để thì công tác giải phóng mặt bằng không giải quyết được. Thực tế cho thấy, quá trình thực hiện bị vướng mắc về nguồn gốc đất đai, giá đền bù, tranh chấp, khiếu kiện, ý thức người dân, các công tác đấu thầu, không được bố trí vốn đối ứng …
Riêng năm 2021, có những nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phải giãn cách xã hội ảnh hưởng nhiều các vấn đề về nguyên, nhiên vật liệu, nhân công, thiếu lao động, chi phí tăng cao và các nguyên vật liệu cũng tăng cao. Đây cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, khâu tổ chức thực hiện hiện nay vẫn là khâu yếu, toàn bộ vấn đề từ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, tất cả các nhóm A, B, C đã phân cấp cho địa phương, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đã phân cấp cho địa phương. Điều chỉnh chủ trương đầu tư đã phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương. Phê duyệt, giao vốn chi tiết điều chỉnh kế hoạch cũng là phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch Đầu tư hiện nay chỉ còn có ba chức năng chính.
Thứ nhất là xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, đảm bảo đúng chiến lược của 15 và kế hoạch 5 năm.
Thứ hai là, xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí để báo cáo Quốc hội cho kế hoạch 5 năm.
Thứ ba, xây dựng thêm nguyên tắc trong cái kế hoạch hàng năm.
Còn lại tất cả các vấn đề: lựa chọn dự án, phê duyệt dự án, thẩm định phương án điều chỉnh dự án kéo dài hay không, giao vốn chi tiết đã giao triệt để, phân cấp triệt để cho tất cả các Bộ, ngành, địa phương. Đến nay, Thủ tướng chỉ giao vốn một lần ngay từ năm trước cho các Bộ, ngành, địa phương.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng, các công tác này cần phải thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm túc hơn các nghị quyết của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 63 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Cùng với đó, là trách nhiệm người đừng đầu phải làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng để đấu thầu phải làm nhanh hơn. Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng cũng phải phát huy tinh thần để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời.
Bộ KH&ĐT cũng đang rà soát lại vướng mắc trong sửa các Luật sắp tới, tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, các địa phương và các Bộ, ngành phải nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định thì mới giải quyết tận gốc của vấn đề, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tham mưu ban hành nhiều chính sách chưa có tiền lệ kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Bộ KH&ĐT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đầu tư công trung hạn, cơ cấu lại nền kinh tế, quy hoạch các cấp, các ngành và địa phương, các cơ chế, chính sách đặc thù của một số địa phương.
Đây là những quyết sách quan trọng cụ thể hóa định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Đảng nêu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và cũng là căn cứ quan trọng để các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, Bộ KH&ĐT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, ban hành nhiều đạo luật quan trọng với tư duy và tầm nhìn đổi mới, tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc, tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, tạo quyền chủ động cho các cấp, các ngành trong đầu tư sản xuất kinh doanh để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư, phát triển, nhất là các cấp, các ngành, các lĩnh vực và địa phương cũng như là cả vùng và cả nước.
Mặc dù vậy, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Bộ KH&ĐT đang tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đề xuất để kịp thời sửa đổi, tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình thực hiện.
Với sự đồng ý của Quốc hội, Bộ đang phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi để khắc phục các khó khăn, vướng mắc này thông qua xây dựng 1 luật sửa 10 luật sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới.
Trong đó có 6 luật liên quan đến đầu tư sản xuất kinh doanh, xây dựng đề án thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư cùng với các quy định thực hiện để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.
Trước tác động của dịch bệnh COVID-19, ngay từ đầu năm 2020, Bộ KH&ĐT đã chủ động chia sẻ, lắng nghe ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế tổ chức khảo sát, điều tra, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan để kịp thời tham mưu ban hành các chính sách chưa từng có tiền lệ để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động giảm chi phí, duy trì sản xuất, khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, sớm trở lại hoạt động khi dịch bệnh được kiểm soát.
Đóng góp chung vào kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020 và 10 tháng đầu năm 2021 của cả nước, các chính sách đã ban hành nhằm kịp thời hỗ trợ cho người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hạn chế tác động đứt gãy của chuỗi cung ứng chuỗi sản xuất kinh doanh song thời gian dài bị ảnh hưởng của năm 2021, sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, đưa đất nước phục hồi, thích ứng và phát triển bền vững trong tương lai; thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021 – 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 – 2030 mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Bộ trưởng cho biết, Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội để trình Quốc hội vào kỳ họp tới.
Đây là một vấn đề lớn, phức tạp, quan trọng của đất nước, tác động toàn diện tới nền kinh tế, đòi hỏi kết hợp giữa thực tiễn trong và ngoài nước, phù hợp với mục tiêu phát triển và khả năng thực hiện của đất nước nên Bộ KH&ĐTmong tiếp tục nhận được những ý kiến đề xuất sâu sắc tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện nội dung Chương trình, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và sớm phát huy hiệu quả trong cuộc sống.
Theo Thương hiệu sản phẩm