Trước đó, trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã tán thành với sự cần thiết tăng vốn điều lệ cho Agribank.
Thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu Quốc hội tán thành đưa vào nghị quyết chung của Kỳ họp lần thứ 9 việc tăng vốn điều lệ cho Agribank. Vốn bổ sung được cấp từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách Nhà nước 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng có một số đại biểu còn băn khoăn về các vấn đề như: nguồn vốn và thời điểm tăng vốn, tính cấp bách của việc tăng vốn cũng như tác động của việc tăng vốn đến ngân sách Nhà nước.Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), việc tăng vốn sẽ góp phần bảo đảm an toàn vốn cho Agribank. Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động và bất thường thì việc tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần tăng sức chịu đựng của ngân hàng. Đồng thời, giúp tăng khả năng huy động vốn, từ đó mở rộng được tín dụng, đặc biệt là tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phát triển kinh tế nông thôn, phát triển ngành nông nghiệp bền vững hơn.
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu), việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây thiệt hại nặng nề, thu ngân sách Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn thì nguồn và thời điểm tăng vốn lúc này liệu có hợp lý?
Một số đại biểu khác nêu ý kiến về việc cần có nghị quyết riêng về nội dung này, không đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 9 để tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Giải trình thêm về các vấn đề đại biểu quan tâm, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là rất cần thiết, cấp bách và có căn cứ pháp lý để thực hiện.
Agribank là doanh nghiệp 100% vốn thuộc sở hữu của Nhà nước. Việc Nhà nước đầu tư và vốn điều lệ cho Agribank được thực hiện theo quy định của Luật số 69/2014/QH13, Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn luật và Nghị định 91 của Chính phủ.
Căn cứ vào các quy định trên, Agribank là đối tượng được Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ vì là doanh nghiệp 100% vốn thuộc sở hữu của Nhà nước, cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; có tổng vốn đầu tư lớn, có hoạt động tăng trưởng ổn định…
Tuy nhiên, Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội quy định không dùng ngân sách Nhà nước để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại. Do vậy, việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ ngân sách Nhà nước thì Chính phủ phải báo cáo Quốc hội và sau khi Quốc xem xét, có chủ trương thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo NHNN và các bộ, ngành liên quan thực hiện các quy trình, trình tự thủ tục tăng vốn cho Agribank theo quy định.
Về tính cấp bách và thời điểm, thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo và NHNN cũng đã chỉ đạo Agribank triển khai rất nhiều giải pháp để tăng vốn, cải thiện chỉ số an toàn, cơ cấu lại các tài sản theo hướng kiểm soát tốc độ tăng trưởng giữa tài sản và rủi ro, tăng dần tỷ trọng các tài sản có độ an toàn cao cũng như thoái các khoản đầu tư góp vốn không hiệu quả, bổ sung nguồn vốn từ phát hành trái phiếu…
Theo quy định hiện nay, tỷ lệ trái phiếu được tính vào vốn cấp 2 so với vốn cấp 1 tối đa là 50%. Hiện nay quy mô trái phiếu của Agribank đã phát hành đủ điều kiện để tính vào vốn cấp 2 hiện đã gần 25 nghìn tỷ đồng, tức là đã vào khoảng 49% theo quy định. Như vậy, khả năng phát hành thêm trong thời gian tới là rất hạn chế. Vì vậy, cần các giải pháp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank ngay trong năm nay để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định, đảm bảo an toàn hoạt động cũng như đảm bảo khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Nếu không được tăng vốn, tăng trưởng dư nợ của Agribank năm nay chỉ 4,5%, như vậy nhu cầu vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay và Agribank đã dự kiến dành 100 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất của khu vực này.
Theo tính toán, để đáp ứng được các nhu cầu đó mức tăng trưởng tín dụng của Agribank năm nay tối thiểu phải 11% nhưng như vậy thì tỷ lệ an toàn vốn chỉ đạt khoảng 7,9%, không đạt mức tối thiểu theo quy định. Ngay cả khi thực hiện tối đa các giải pháp tăng vốn thì nhu cầu vốn còn lại vẫn cần 3.500 tỷ đồng và đây chính là cơ sở để đề xuất mức bổ sung này cho Agribank.
Việc bổ sung 3.500 tỷ đồng cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương 2019, tương đương số tiền nộp ngân sách năm 2020 của nhà băng này, do đó sẽ không ảnh hưởng quá lớn tới cân đối ngân sách Nhà nước.
Theo Thời báo Ngân hàng