Tăng nguồn lực, quyền chủ động cho Thủ đô Hà Nội trong điều kiện mới

NHVN 16:23 01/06/2020

Tiếp tục phiên họp thứ 45, sáng nay (1/6), UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội.

Đa số ý kiến tán thành với các lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù với Thành phố Hà Nội nhằm góp phần tăng nguồn lực, quyền chủ động trong điều kiện mới. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc ban hành Nghị quyết cần đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về nội dung dự thảo Nghị quyết, tiếp thu ý kiến UBTVQH tại phiên họp thứ 44, Chính phủ đã soạn thảo các nội dung Nghị quyết, đó là: (1) Nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc Thủ đô phải đảm bảo khả năng trả nợ; (2) Cho phép tạm ứng Quỹ Dự trữ tài chính của thành phố để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng; (3) Được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi các dự án đầu tư phát triển và chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội; (4) Cho phép sử dụng kinh phí thường xuyên của một số đơn vị do tiết kiệm được để đầu tư công trình nhỏ mang tính chất xây dựng cơ bản, không phải theo quy trình của Luật Đầu tư công; (5) Cho phép sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác (trong nước) để đầu tư xây dựng một số công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo chương trình hợp tác giữa Thủ đô và các địa phương.

Cho phép tăng mức thu hoặc tỷ lệ thu phí không quá 1,5 lần

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, các nội dung này đã được Ủy ban thẩm tra và theo đó về thẩm quyền quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí, các ý kiến cho rằng, thẩm quyền bổ sung các khoản phí, lệ phí chưa có trong Danh mục ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí đã được giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội (căn cứ Điều 17 của Luật Phí và lệ phí), nay Chính phủ xin ý kiến UBTVQH xem xét trình Quốc hội cho phép thí điểm giao cho HĐND Thành phố Hà Nội thực hiện quyền hạn này, thực chất là để phân cấp cho HĐND Thành phố Hà Nội quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động cho HĐND Thành phố Hà Nội trong việc tổ chức thực hiện Luật phí, lệ phí. Quy định này tương thích với cơ chế thí điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Vì vậy, cơ bản nhất trí với nội dung Chính phủ trình.

Về việc cho phép tăng mức thu hoặc tỷ lệ thu phí không quá 1,5 lần đối với các loại phí (không kể loại phí thuộc nguồn thu ngân sách TW hưởng 100%): Đa số ý kiến đồng ý với đề nghị của Chính phủ, nhưng đề nghị không quy định trần tăng thu, mức tăng cụ thể do HĐND Thành phố quyết định trên cơ sở thực tế và có sự đồng thuận của nhân dân. Bên cạnh đó, có ý kiến đồng ý với việc tăng mức thu phí 1,5 lần so với quy định hiện hành nhưng phải kiểm soát, quản lý chặt chẽ, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến thị trường và xã hội.

Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất

Đa số ý kiến cho rằng, khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn liền với đất sau khi trừ đi chi phí di dời, xây dựng trụ sở mới của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố thì số còn lại (khoảng 30%) là nguồn thu của ngân sách TW nhưng Chính phủ xin cho phép Thành phố được hưởng 50% khoản thu này (tương ứng khoảng 15% số thu tiền sử dụng đất và bán tài sản công còn lại), để hỗ trợ cho Thành phố có thêm nguồn lực đầu tư tốt hơn một số cơ sở hạ tầng quan trọng theo Chiến lược phát triển Thủ đô đến năm 2030.

Về cơ bản, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề nghị của Chính phủ vì quy định này tương thích với cơ chế thí điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc bán tài sản công có nhiều khó khăn, quy trình và thủ tục phức tạp, kéo dài. Vì vậy, để đảm bảo quy định này có tính khả thi, đề nghị UBND Thành phố cần chủ động có Đề án tổng thể và đánh giá đầy đủ nguồn thu, lộ trình và kế hoạch, tổ chức thu từ lĩnh vực này trên địa bàn Thành phố, để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng khoản thu này là nguồn thu thuộc 100% của ngân sách TW, do đó, để giảm áp lực mất cân đối trong thời gian tới, đề nghị mức được giữ lại từ các khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công sau khi trừ đi các khoản chi theo quy định do Thành phố quản lý là 40% (thấp hơn 50% do Chính phủ trình). Ý kiến khác đề nghị cần rà soát lại các khoản chi phí được trừ để xác định số thu bán tài sản công còn lại theo đúng quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Nhất trí cho Hà Nội được giữ lại số thu từ sắp xếp, cổ phẩn hóa DNNN

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, căn cứ Điều 37 Luật NSNN, có hiệu lực từ năm ngân sách 2017, khoản thu hồi vốn của ngân sách Thành phố đầu tư tại các tổ chức kinh tế, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận được chia, lợi nhuận sau thuế còn lại tại các tổ chức kinh tế do UBND Thành phố đại diện chủ sở hữu là nguồn thu ngân sách Thành phố được hưởng 100%. Do quá trình cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của ngân sách Thành phố tại các tổ chức kinh tế đã diễn ra từ trước năm 2017, đến nay có một số khoản đã thu hồi vẫn do UBND Thành phố quản lý. Để có cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho UBND Thành phố sử dụng nguồn thu này nhằm tăng nguồn lực đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng quan trọng của Thủ đô như cơ chế thí điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14, đa số ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung Chính phủ trình và đề nghị Thành phố báo cáo số liệu cụ thể của các DNNN và dự kiến nguồn thu này.

Đề nghị Chính phủ rà soát lại một số văn bản quy định về việc sử dụng nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư tại các DNNN do UBND tỉnh, Thành phố là đại diện chủ sở hữu để sửa đổi cho thống nhất với Luật NSNN hoặc các khoản thu này theo quy định của Luật NSNN là 100% của thu ngân sách địa phương thì không quy định lại trong Nghị quyết này.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, để không gây ảnh hưởng cân đối của ngân sách TW, đáp ứng nhu cầu thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025 đề nghị cân nhắc việc để lại toàn bộ số thu này, có thể mức để lại cho Thành phố Hà Nội bằng khoảng 70% so với mức Chính phủ đề xuất là hợp lý. Tuy có thấp hơn so với mức thí điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh nhưng thể hiện đúng nghĩa Thủ đô vì cả nước trong bối cảnh khó khăn cân đối NSNN do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo Thời báo ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/tang-nguon-luc-quyen-chu-dong-cho-thu-do-trong-dieu-kien-moi-102415.html

Bạn đang đọc bài viết Tăng nguồn lực, quyền chủ động cho Thủ đô Hà Nội trong điều kiện mới tại chuyên mục Chính phủ - Bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chính phủ - Bộ ngành