Chấp nhận cuộc chơi lớn thì phải làm ăn lớn

THỜI BÁO NGÂN HÀNG 06:05 24/11/2020

Đó là khẳng định của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú tại Hội thảo “Hiệp định EVFTA - Vai trò của ngân hàng trong hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu vào thị trường EU

Khung chính sách tín dụng đón đầu xu hướng

Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020. EVFTA được ví von như “con đường cao tốc” dẫn hàng hóa Việt vào thị trường châu Âu, đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam là nông thủy sản. Tuy nhiên, với những đòi hỏi khắt khe của thị trường EU, một mình doanh nghiệp hay người nông dân Việt Nam không thể “đơn thương độc mã” tiến vào thị trường này. Bởi vậy, mối liên kết giữa ngân hàng - doanh nghiệp - nông dân trong chuỗi giá trị là con đường tất yếu chinh phục thị trường châu Âu khó tính.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, xác định tầm quan trọng của việc phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp là sống còn, từ trước khi có EVFTA, ngành Ngân hàng đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này. Từ chính sách chung về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều cơ chế ưu đãi đặc thù, tới chính sách cụ thể về trần lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm nhiều lần và hiện chỉ còn 4,5%/năm; gia hạn thời hạn TCTD phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn để bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao... Đặc biệt, NHNN đã ban hành Quyết định số 1575/QĐ-NHNN ngày 4/9/2020 về Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp Việt cải tiến dây chuyền, nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp hàng hóa Việt Nam có thể tiến sâu vào thị trường EU, mở rộng thị phần và xuất khẩu bền vững.

chap nhan cuoc choi lon thi phai lam an lon
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo

Bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đến ngày 17/11/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8.790.536 tỷ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 là 10,28%). Trong đó, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến 30/10/2020 ước tăng 6,5% so với cuối năm 2019. Lĩnh vực cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 2,16 triệu tỷ đồng. Trong 2,16 triệu tỷ đồng nói trên có 27.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; 5.000 tỷ đồng cho những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết giá trị. Tính bình quân giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt 19,83%, cao hơn mức tăng 16,02% tín dụng chung của nền kinh tế.

Mặc dù tín dụng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn tăng trưởng tích cực, nhưng theo lãnh đạo NHNN đầu tư tín dụng với các mô hình liên kết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế và kết quả hiện tại chưa phải là con số mong đợi. “Rõ ràng, chủ trương của Đảng và Nhà nước rất ủng hộ; cơ chế chính sách không thiếu; rồi có mạng lưới rộng khắp của các tổ chức tín dụng, vậy mà tại sao vốn vào hai lĩnh vực nói trên vẫn chưa gia tăng được? Chưa phát triển nhanh được? Đây là vấn đề mà chúng ta phải thảo luận”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đặt vấn đề.

Rất chia sẻ với băn khoăn của lãnh đạo NHNN, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV chỉ ra những bất cập: chính sách ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa được cụ thể hóa và chưa được nhất quán thực hiện nên chưa thu hút được nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. Sự liên kết hợp tác giữa 6 nhà (Nhà nông - Nhà nước - Nhà băng - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp và Nhà HTX/Hiệp hội trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ) còn thiếu chặt chẽ, bền vững. Các cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra chưa được thực hiện nghiêm túc, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ hàng hóa tạo khó khăn cho ngân hàng khi thu hồi vốn vay. Về phía người vay thường thiếu tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo có vấn đề, như đất nông nghiệp không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu để đăng ký giao dịch bảo đảm, thiếu các công cụ phòng ngừa, hạn chế rủi ro dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp trong khi triển khai bảo hiểm nông nghiệp trong thực tế còn chậm, chưa thực sự là công cụ phòng ngừa rủi ro. Sự phối hợp chính sách thực hiện giữa các bộ, ngành, các bên liên quan trong phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung, nông nghiệp công nghệ cao chưa thực sự tốt.

Bà Hà Thu Giang bổ sung thêm một số khó khăn trong triển khai cho vay liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của các TCTD, như đầu tư tín dụng đối với các mô hình liên kết còn nhiều hạn chế do hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có vốn đầu tư lớn, tuy nhiên hiện nay số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận chưa nhiều; chưa có nhiều mô hình bài bản, hiệu quả, nguồn lực tài chính yếu. Sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt trong giai đoạn gần đây, ngành nông nghiệp đang phải chịu ảnh hưởng kép: vừa bị ảnh hưởng xấu do dịch bệnh…

Sản phẩm đặc thù cho khách hàng đặc biệt

Để khắc phục những khó khăn, thách thức, đồng thời tạo đòn bẩy giúp nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, TS. Cấn Văn Lực đề xuất cần có một Nghị quyết mới của Đảng về phát triển tam nông. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xây dựng và hoàn thiện hệ thống các kênh thông tin dự báo về thị trường, giá cả nông sản nhằm giúp nông dân và doanh nghiệp có định hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định. Về phía các TCTD, theo ông Lực, cần xây dựng, đổi mới chính sách và quy trình cấp tín dụng nông nghiệp nông thôn đối với từng phân khúc khách hàng. Bên cạnh đó, thiết kế các sản phẩm đặc thù, nhất là tài trợ chuỗi cung ứng/chuỗi giá trị. Về phía doanh nghiệp nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng, cần chủ động tiếp cận đánh giá nhu cầu thị trường; Có chiến lược tiếp thị và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, tập trung xây dựng thương hiệu, tận dụng FTA thế hệ mới, nhất là EVFTA...

chap nhan cuoc choi lon thi phai lam an lon
Nông nghiệp công nghệ cao vẫn gặp khó khăn ở đầu ra sản phẩm

Ở góc độ doanh nghiệp, để tận dụng cơ hội mà EVFTA mang đến, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vina T&T Group cho rằng, trong chuỗi liên kết nông dân - doanh nghiệp - ngân hàng quan trọng là cần phương án kinh doanh của doanh nghiệp tốt. Ngân hàng sẽ cho nông dân vay vốn. Ngân hàng sẽ bám vườn, bằng cách nào đó họ sẽ khiến toàn bộ hàng của nông dân bán cho doanh nghiệp, doanh nghiệp trả tiền cho nông dân và nông dân trả lại cho ngân hàng.

Với mong muốn thúc đẩy cho vay chuỗi giá trị đối với nông sản Việt, ThS. Phạm Xuân Hòe kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo NHNN và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát tổng thể lại chính sách cho vay theo chuỗi giá trị nông sản và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để đồng bộ hóa một gói chính sách, nhằm thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị nông sản và cho vay theo chuỗi giá trị nông sản. Thậm chí, vị chuyên gia này đề nghị xây dựng một nghị định riêng về cho vay theo chuỗi giá trị đối với nông sản chủ yếu của Việt Nam.

Ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của các chuyên gia tại hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, muốn xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU, tận dụng được cơ hội từ Hiệp định EVFTA chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi là có sản phẩm chất lượng tốt, ứng dụng khoa học công nghệ cao. Muốn làm được điều đó thì DN Việt phải “làm ăn lớn”. Song muốn làm ăn lớn thì phải có nguồn vốn lớn, đầu tư lớn. Nhận thức được điều này, ngành Ngân hàng luôn hỗ trợ tối đa cho nông dân, DN. “Tuy nhiên về phía doanh nghiệp cũng cần phải có sự quyết tâm cao, phải rất tích cực để hoàn thành được các mục tiêu đề ra. Đặc biệt để hoàn thành được các mục tiêu, không nên nôn nóng, đốt cháy giai đoạn mà phải thực hiện từng bước một, thật chắc chắn”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/chap-nhan-cuoc-choi-lon-thi-phai-lam-an-lon-108983.html

Bạn đang đọc bài viết Chấp nhận cuộc chơi lớn thì phải làm ăn lớn tại chuyên mục Chính phủ - Bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chính phủ - Bộ ngành