Vai trò của Bảo hiểm tiền gửi trong tiến trình áp dụng Basel II

THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TIỀN TỆ 05:57 24/11/2020

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nhất định tới lộ trình áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế Basel II của ngân hàng Việt Nam.

Thực hiện Basel II không chỉ là biện pháp ngắn hạn, mà là yếu tố dài hạn giúp ngân hàng tăng cường sức khoẻ, tăng khả năng chống chịu rủi ro phát sinh, đồng thời đẩy mạnh tính kỷ luật thị trường.Bài viết này đề cập tới vai trò của cơ chế Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) cũng như Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) trong tiến trình áp dụng Basel II.

Nỗ lực đáp ứng chuẩn mực của Basel II của các ngân hàng Việt Nam

Tiến trình xây dựng một hệ thống ngân hàng lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia bền vững được đánh dấu bởi những bước tiến đáng kể trong tái cấu trúc, nâng cao năng lực của các tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là về chất lượng tài sản, khả năng sinh lời, hệ số an toàn vốn và năng lực quản trị. Với định hướng đó, năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 51/NQ-CP về thực hiện Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, trong đó nhấn mạnh đến năm 2020, các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tới thời điểm hiện tại, có 76 TCTD (trong đó, 02 NHTM Nhà nước, 20 NHTMCP, 02 ngân hàng liên doanh, 09 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 43 chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, hiện chỉ còn 14 TCTD đề nghị được áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 22/2019/TT-NHNN.

Quy mô vốn được tăng cường là nền tảng vững chắc để các ngân hàng tiếp tục mở rộng kinh doanh trên cơ sở duy trì các tỷ lệ an toàn, đặc biệt là tỷ lệ an toàn vốn theo quy định tại Thông tư 41, đồng thời về lâu dài giúp duy trì kỷ luật thị trường.

Kỷ luật thị trường là khái niệm mới được giới thiệu từ khi Hiệp định Basel II ra đời. Khái niệm này bao gồm các hành động “trừng phạt” (Punitive Actions) của người gửi tiền đối với ngân hàng để chấp nhận rủi ro cao (Berger, 1991). Người gửi tiền luôn muốn lãi suất cao (bao gồm cả khoản chênh lệch lãi suất bù đắp cho rủi ro tín dụng) từ các ngân hàng theo đuổi các chính sách đầu tư mạo hiểm, hoặc đơn giản họ chỉ rút tiền gửi của họ. Giả thuyết Kỷ luật thị trường nhận định lãi suất cao có liên quan đến hành vi nguy cơ cao của các TCTD. Cùng với yêu cầu về vốn tối thiểu (trụ cột 1), quá trình kiểm tra – giám sát (trụ cột 2) thì Kỷ luật thị trường (trụ cột 3) trong lĩnh vực ngân hàng là một trong ba trụ cột cơ bản của khung Hiệp ước mới, hiệp ước Basel II. Kỷ luật thị trường gây áp lực lên các ngân hàng hoạt động kém hiệu quả hơn và do đó có thể nâng cao hiệu quả của hệ thống ngân hàng.

Vai trò của BHTG trong tiến trình áp dụng Basel II

Theo Basel II, một trong những yếu tố quan trọng có khả năng ảnh hưởng đến kỷ luật thị trường là mạng lưới an toàn tài chính. Mạng lưới an toàn tài chính bao gồm toàn bộ các quy định và các tổ chức tài chính mong muốn ngăn chặn hoặc hạn chế tổn thất tiền gửi trong trường hợp ngân hàng có thể bị phá sản. Theo định nghĩa này, mạng lưới an toàn tài chính bao gồm cơ chế BHTG, các thông lệ giải quyết TCTD đổ vỡ, chính sách kiên nhẫn và các hoạt động cho vay cứu cánh của Ngân hàng Trung ương tại quốc gia đó. Vì vậy, kỷ luật thị trường ở các nước là khác nhau, tùy theo quy mô hoạt động và mục đích riêng mà mỗi hệ thống BHTG tập trung vào những lĩnh vực kiểm tra, giám sát khác nhau, từ đó dẫn đến nội dung, quy trình và phạm vi cũng khác nhau.

Tại Việt Nam, hệ thống giám sát của BHTGVN từ trước đến nay được xây dựng theo hướng giám sát rủi ro, kết hợp chặt chẽ giữa giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ. Thông qua công tác kiểm tra đã bổ sung nhiều thông tin cần thiết phục vụ cho việc phân tích, đánh giá đầy đủ, chính xác hơn về hoạt động của tổ chức tham gia BHTG; đưa ra biện pháp xử lý và cảnh báo kịp thời, giúp tổ chức tham gia BHTG nâng cao ý thức trách nhiệm trong chấp hành quy định của pháp luật về BHTG và an toàn hoạt động ngân hàng. Qua đó góp phần nâng cao vị thế và vai trò của BHTGVN đối với các cơ quan, tổ chức tham gia BHTG.

Căn cứ vào kết quả kiểm tra, giám sát, BHTGVN có thể đánh giá, phân loại tổ chức tham gia BHTG một cách chính xác nhất, tạo nguồn dữ liệu đáng tin cậy tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước trong quá trình xếp hạng tổ chức tham gia BHTG, là cơ sở quan trọng để thực hiện thu phí theo mức độ rủi ro nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch.

Đối với lĩnh vực BHTG, triển khai Basel II giúp nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ của tổ chức, qua đó góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Đối với tổ chức BHTG, việc kiểm soát tốt rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG giúp bảo đảm tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền thông qua triển khai các hoạt động nghiệp vụ về BHTG như giám sát, kiểm tra, thu phí BHTG...

Một điểm quan trọng hơn nữa, khi các TCTD áp dụng Basel II, khả năng đổ vỡ có xu hướng giảm đi. Từ đó, xác suất phải chi trả tiền gửi được bảo hiểm của tổ chức BHTG cũng giảm, quỹ BHTG được bảo toàn. Bên cạnh đó, khi xác suất đổ vỡ ngân hàng giảm, khả năng xảy ra khủng hoảng cũng sẽ giảm, từ đó, chi phí xử lý khủng hoảng giảm, giảm áp lực lên ngân sách Nhà nước và các nguồn lực xã hội khác.

Trong những năm qua, chính sách BHTG và hoạt động của BHTGVN đã và đang góp phần duy trì sự ổn định hệ thống tài chính – ngân hàng quốc gia. Tuy nhiên, cùng với sự cải cách không ngừng của ngành ngân hàng, việc thiết lập cơ chế BHTG hiệu quả trở thành một bước đi quan trọng trong tiến trình cải cách sâu rộng ngành ngân hàng nước ta. Đồng thời, cần phải tiếp tục tăng cường giám sát ngân hàng, kiểm soát nội bộ cũng như tăng cường minh bạch thông tin tài chính của các TCTD.

Việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động BHTG; sửa đổi, bổ sung Luật BHTG là một yêu cầu khách quan nhằm phát triển thị trường tài chính lành mạnh trên cơ sở bảo vệ lợi ích của người gửi tiền, tạo môi trường pháp lý cho thị trường tài chính nói chung, thị trường tiền tệ nói riêng phát triển an toàn, bền vững. Việc sửa đổi, bổ sung cần theo hướng để BHTGVN có vai trò quan trọng hơn trong bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và kiểm soát rủi ro tổ chức tín dụng; tăng cường năng lực tài chính cho BHTGVN; giúp Chính phủ sử dụng hiệu quả nguồn lực từ BHTGVN vào thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu; nâng hạn mức chi trả BHTG phù hợp với yêu cầu thực tế, nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tổ chức tín dụng.

Luật BHTG sửa đổi, bổ sung cần theo hướng đồng bộ với các quy định pháp luật khác có liên quan để việc thực thi đạt hiệu quả trong thực tế; khắc phục những bất cập, hạn chế qua quá trình thực thi Luật BHTG từ năm 2013 đến nay. Các quy định của Luật BHTG cần sửa đổi, bổ sung theo hướng bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới của BHTGVN, trên cơ sở tham khảo, học tập kinh nghiệm xây dựng Luật BHTG của các nước, tham khảo hướng dẫn phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của các tổ chức quốc tế, bảo đảm Luật BHTG của Việt Nam đáp ứng được chuẩn mực chung của quốc tế.

Có thể nói, trong cả 03 trụ cột của Basel II, BHTG cũng như tổ chức BHTG có vai trò quan trọng. Trong bối cảnh thị trường tài chính hậu dịch Covid-19 có nhiều biến động cùng với đặc thù hoạt động tài chính – ngân hàng mang tính chất nhạy cảm và tính lan truyền cao, đòi hỏi hệ thống các cơ quan: Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, BHTGVN phải có cơ chế quy định rõ ràng các quy trình phối hợp, trao đổi, xử lý thông tin nhanh chóng, kịp thời nhằm xử lý nhanh nhất các tình huống có thể xảy ra, giảm thiểu chi phí và đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích của người gửi tiền. Mặt khác, cần có sự phân công rõ ràng về khu vực giám sát của từng cấu phần để tạo tính chủ động, trách nhiệm trong quá trình giám sát, tránh tình trạng chồng chéo hoặc bỏ trống, ảnh hưởng đến hiệu quả giám sát. Vì vậy, cần có một lộ trình thích hợp để từng bước hoàn thiện cơ chế BHTG cũng như góp phần làm cho kỷ luật thị trường tài chính – ngân hàng phát huy đầy đủ vai trò trong nền kinh tế.

Link gốc : https://thitruongtaichinhtiente.vn/vai-tro-cua-bao-hiem-tien-gui-trong-tien-trinh-ap-dung-basel-ii-32649.html

Bạn đang đọc bài viết Vai trò của Bảo hiểm tiền gửi trong tiến trình áp dụng Basel II tại chuyên mục Bảo hiểm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bảo hiểm