Ngày 31/5, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đưa tin Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã nghe Bộ Y tế báo cáo về tình hình, tiến độ nhập khẩu vaccine phòng COVID-19.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu: “... tìm mọi giải pháp để có vaccine sớm nhất. Mọi vướng mắc phải được tháo gỡ ngay. Mọi điều chưa rõ phải được hướng dẫn ngay”.
Phó Thủ tướng yêu cầu công khai chủ trương: Tất cả các vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép dù nhà sản xuất chưa làm thủ tục xin cấp phép, cấp số đăng ký tại Việt Nam cũng vẫn được tiến hành nhập khẩu. Đối với những vaccine Tổ chức Y tế Thế giới chưa cấp phép nhưng đã được các nước cấp phép sử dụng thì khi có đơn vị nào tiếp cận được, Bộ Y tế cũng tiến hành cấp phép ngay.
Đối với Hồ sơ chứng nhận xuất xứ, chất lượng, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế quan tâm đến tình huống các doanh nghiệp, hiệp hội qua các mối quan hệ đối tác có thể nhập được một lượng vaccine không lớn nên khó có đủ bộ hồ sơ từ nhà sản xuất. Bộ Y tế cam kết sẽ hướng dẫn, xử lý từng trường hợp một cách thuận lợi và nhanh nhất, nếu nhận được đề nghị.
Một vấn đề được cuộc họp thảo luận là nhiều doanh nghiệp, hiệp hội tham gia tài trợ Quỹ vaccine phòng COVID-19 và mong muốn các nhân viên của doanh nghiệp, hiệp hội mình được ưu tiên tiêm trước. Về lâu dài, cũng như nhiều loại vaccine khác, sẽ có vaccine miễn phí theo chương trình tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế và vaccine dịch vụ theo nhu cầu và khả năng chi trả của một bộ phận nhân dân.
Tuy nhiên, với vaccine chống COVID-19 trong điều kiện khan hiếm hiện nay, các tổ chức quốc tế luôn yêu cầu các nước tuân thủ nguyên tắc tiếp cận công bằng nên rất khó khăn khi xử lý những đề nghị “hợp tình, hợp lý” của các doanh nghiệp.
Tờ Vnexpress đưa tin, cũng trong khuôn khổ nội dung cuộc họp kể trên, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Bộ không “độc quyền” mà khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vaccine tham gia.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cảnh báo tình trạng "lừa đảo vaccine". Nhiều tổ chức, cá nhân tự giới thiệu là đại diện được ủy quyền các nhà sản xuất để chào bán vaccine nhưng khi Bộ liên hệ thì các nhà sản xuất đều khẳng định là không đúng sự thật.
Theo quy định hiện hành, chỉ các công ty có chức năng nhập khẩu, kinh doanh vaccine mới được nhập khẩu mặt hàng này. Việt Nam hiện có 27 đơn vị có chức năng này. Các đơn vị có điều kiện tiếp cận nguồn cung vaccine có thể trực tiếp làm việc với Bộ Y tế hoặc với một trong 27 đơn vị này.
Các vaccine phải được Bộ Y tế cấp phép, cấp số đăng ký, từng lô vaccine phải có hồ sơ chứng thực xuất xứ, chất lượng. Việt Nam đã cấp phép cho 2 loại vaccine của Astra Zeneca và Sputnik V; đang xem xét hồ sơ đối với 2 loại khác.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ nhiều tháng nay, Bộ đã liên tục có hàng chục cuộc tiếp xúc, đàm phán với các nhà sản xuất vaccine cũng như cơ quan y tế, đại diện ngoại giao các nước có sản xuất vaccine nhằm tranh thủ mọi khả năng, nguồn lực để có vaccine sớm nhất, "phấn đầu cuối năm 2021 sẽ có miễn dịch cộng đồng".
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, mặc dù hiện nay tình trạng khan hiếm vaccine trên thế giới vẫn căng thẳng nhưng với các thỏa thuận đã đạt được, "mục tiêu nhập khẩu được 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 là rất khả thi".
Vaccine Covid-19 đang tiêm ở Việt Nam là của Astrazeneca. Đến nay, tổng số người được tiêm là 1.038.741. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 28.529 người.