Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, Bộ Tài chính đã đề xuất tiếp tục xem xét giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất từ 10% còn 8% để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và đã được Chính phủ đồng ý.
Theo Bộ Tài chính tính toán, việc giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 25.000 tỷ đồng. Trong đó, mức giảm thu mỗi tháng đối với khâu nội địa là khoảng 2.700 tỷ đồng; giảm thu khâu nhập khẩu khoảng 1.475 tỷ đồng.
Điều này góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Người dân tiết kiệm chi phí mua sắm
Dưới góc độ là người tiêu dùng, chị Lê Thanh Thanh sống tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Tp.Hà Nội cho biết, gia đình chị có 3 thế hệ sống cùng nhau, vậy nên chi phí mua nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hàng tháng tại siêu thị lên đến gần 10 triệu đồng.
Từ đầu năm đến nay, nhờ chính sách giảm thuế VAT 2%, gia đình chị Thanh đã tiết kiệm được 200.000 - 250.000 đồng/tháng. Việc kéo dài giảm thuế sang 6 tháng đầu năm 2024 sẽ giúp gia đình chị Thanh tiết giảm đáng kể chi phí, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu mua sắm sẽ tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường.
“Trước những khó khăn trong thời điểm nền kinh tế suy giảm hiện nay, thu nhập gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Vậy nên chính sách thiết thực này khiến tôi cảm nhận được sự sẻ chia, đồng hành của Nhà nước với những người dân như tôi”, chị Thanh chia sẻ.
Việc giảm thuế VAT 2% giúp người dân tiết kiệm chi phí mua sắm. |
Còn anh Trần Văn Lâm sống tại đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Tp.Hà Nội cho rằng việc giảm thuế sẽ giúp doanh nghiệp duy trì được mặt bằng giá, giữ được dịch vụ ổn định. Từ đó, những người tiêu dùng như anh được hưởng lợi khi tiết kiệm chi phí mua sắm, tăng kích cầu tiêu dùng.
Anh Lâm nhìn nhận việc giảm giá được thấy rõ nhất ở những nơi bán hàng có hóa đơn rõ ràng như siêu thị, trung tâm thương mại nên anh ưu tiên mua sắm tại siêu thị hơn là mua tại chợ, bởi chính sách giảm giá áp dụng đúng quy định, giúp gia đình tiết kiệm được khoản chi tiêu hàng tháng.
Doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, quay vòng dòng tiền
Theo các chuyên gia, việc giảm 2% thuế VAT sẽ giúp cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều được hưởng lợi. Đối với doanh nghiệp, khi thuế đầu vào giảm sẽ có điều kiện giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ trong khi sức ép về chi phí tăng cao. Đối với người tiêu dùng, việc này giúp tiết kiệm chi phí mua sắm, tăng kích cầu tiêu dùng.
Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đánh giá, chính sách giảm thuế vào giai đoạn khó khăn đã thúc đẩy người dân chi tiêu nhiều hơn, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, qua đó kích thích sản xuất, kinh doanh và hạ giá thành sản phẩm, làm tăng cung - cầu trong nước, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chính sách giảm thuế VAT 2% sẽ thúc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. |
“Nền kinh tế thế giới dự báo tiếp tục có những biến động như giá cả nguyên liệu đầu vào vẫn tăng, lạm phát và lãi suất ở mức cao, ảnh hưởng đến kinh tế trong nước. Chính vì vậy, có thể nói, chính sách giảm thuế VAT áp dụng đến hết tháng 6/2024 là hết sức quan trọng, giúp doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, quay vòng dòng tiền. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu vẫn rất khó khăn, thì rất cần phải khơi thông thị trường trong nước” ông Mạc Quốc Anh đánh giá.
Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển đối tượng được hưởng lợi đầu tiên là người tiêu dùng, do đây là thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng, giá cả hàng hóa trên thị trường có thể giảm từ 1,5 - 1,7%. Thứ hai là doanh nghiệp.
Thứ ba, khi Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như người dân trong nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng sẽ thúc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế. Khi đó, giá hàng hóa giảm, đây là yếu tố quan trọng giúp ổn định lạm phát.
"Tuy nhiên, việc kích thích chi tiêu đòi hỏi tầm nhìn cần thiết dài hơi hơn để Việt Nam ứng phó với mọi biến động bên ngoài. Hiện xuất khẩu chưa thể phục hồi do thế giới suy thoái, giá hàng hóa, tiền tệ, đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn khó lường. Vì vậy, cần xem xét kéo dài chính sách giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024 để hỗ trợ, kích cầu ngấm đủ, sâu và căn cơ cho nền kinh tế phục hồi. Trong một quốc gia, sản xuất chi tiêu tiêu dùng nội địa là “căn cơ”, của cải lớn nhất”, ông Đinh Thế Hiển đề xuất.
Theo Người Đưa Tin