Chuẩn bị cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ sáng nay (23/2), Thường trực Uỷ ban Kinh tế đã tham gia thẩm tra báo cáo này.
LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM TRONG XUẤT KHẨU GẠO
Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.
Sự chỉ đạo, điều hành sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ được đánh giá đã góp phần quan trọng tạo nên bước phát triển đáng ghi nhận trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước trong nhiệm kỳ qua.
Tuy nhiên, theo Thường trực Ủy ban, Báo cáo của Chính phủ chỉ mới tập trung đánh giá những kết quả đạt được mà chưa nêu được những tồn tại, hạn chế trên từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Cơ quan của Quốc hội đề nghị trong Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung đánh giá, phân tích để làm rõ thêm một số vấn đề.
Cụ thể, các chính sách hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội nhằm chia sẻ gánh nặng và khó khăn với người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là rất kịp thời, thể hiện sự chủ động, linh hoạt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Song, vẫn có những khó khăn, vướng mắc trong chi trả, hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng và kiểm soát không để trục lợi chính sách. Đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội cho doanh nghiệp và người dân.
Cơ quan thẩm tra còn cho rằng cần bổ sung các phân tích về thị trường vốn, chứng khoán, phát triển doanh nghiệp bên cạnh kết quả về điều hành chính sách tiền tệ đã được thể hiện trong Báo cáo.
Cần phân tích về các giải pháp điều hành và hiệu quả của các giải pháp liên quan đến phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách bền vững.
Đồng thời, bổ sung về các chỉ đạo của Chính phủ và giải pháp của cơ quan quản lý đối với xử lý nợ xấu trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về chính sách tài khóa, cần đánh giá đầy đủ hơn về cơ cấu thu ngân sách nhà nước (thu từ thuế, phí và thu từ quyền sử dụng đất) để phản ánh rõ hơn về kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2020 trong bối cảnh chịu tác động của Covid-19.
Đáng chú ý, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung phân tích, đánh giá về công tác phối hợp điều hành xuất khẩu gạo thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp và người dân, trong đó cần báo cáo, làm rõ những sai sót, xử lý trách nhiệm liên quan của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp (nếu có).
Gần một năm trước, vào tháng 4/2020, Ủy ban Kinh tế cũng đã có báo cáo riêng gửi Thường vụ Quốc hội, phản ánh là nhiều cử tri đã có ý kiến, doanh nghiệp có đơn thư kiến nghị, cầu cứu Chính phủ về những bất cập trong điều hành xuất khẩu gạo, gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp, nông dân.
XỬ LÝ DỨT ĐIỂM CÁC NGÂN HÀNG MUA BẮT BUỘC, NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cần tập trung vào một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới.
Theo đó, về chính sách, pháp luật cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng. Thực hiện tốt các luật mới được Quốc hội thông qua như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường…; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi một số luật hiện hành nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật như: Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, các luật thuế, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi hộ sản xuất, kinh doanh thành doanh nghiệp; khẩn trương triển khai xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hộ kinh doanh, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho loại hình này phát triển - báo cáo thẩm tra nêu quan điểm.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị chuyển trọng điểm chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng. Rà soát, sửa đổi chính sách về thị trường bất động sản, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Hoàn thiện thể chế về vùng; nghiên cứu hệ thống luật pháp về phân cấp, phân quyền để chính quyền địa phương phát huy trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo; có phương án bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm.
Với lĩnh vực tài chính, ngân hàng, cơ quan của Quốc hội cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; tập trung xử lý dứt điểm cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.
Cùng đó, nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán để thực sự trở thành một kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế. Nghiên cứu cơ chế huy động vốn trong nhân dân như phát hành trái phiếu huy động vốn cho công trình lớn, trọng điểm.