Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền ưu tiên cho phép các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm được tăng bội chi trong tổng mức bội chi ngân sách nhà nước để tăng mức vay lại của địa phương.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm.
Theo Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm quán triệt các quan điểm và nghiêm túc thực hiện quyết liệt: Đổi mới tư duy, sáng tạo, khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn vùng và từng địa phương, phát huy tinh thần tự lực, tự cường và xác định các yếu tố bứt phá để phấn đấu vươn lên, phát triển nhanh, bền vững, đóng góp một cách thiết thực vào việc hiện thực hóa khát vọng phát triển của vùng và của cả nước.
Khẩn trương hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về điều phối liên kết vùng để thúc đẩy liên kết vùng kinh tế trọng điểm đảm bảo chủ động, hiệu quả; kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các hoạt động liên kết vùng.
Xây dựng quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch cấp vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, tính liên kết đặc thù của từng vùng. Xây dựng quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp nhiều quy hoạch, thể hiện được vai trò "đầu tàu" của vùng kinh tế trọng điểm với cách làm đổi mới sáng tạo, không tư duy dàn trải, cát cứ, chỉ nghĩ lợi ích một địa phương mà bỏ qua các yếu tố vùng, yếu tố quốc gia.
Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù huy động nguồn lực xã hội và bố trí nguồn lực đầu tư thích đáng từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 để phát triển kết cấu hạ tầng của vùng kinh tế trọng điểm, nhất là các dự án giao thông, thủy lợi liên vùng, các dự án quan trọng quy mô lớn tác động lan tỏa tích cực, các công trình chống ngập, trữ nước, kiểm soát mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để thực hiện được nhiệm vụ đặt ra, Nghị quyết Chính phủ nêu rõ các giải pháp thực hiện. Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất phân bổ nguồn lực đầu tư thích đáng cho các vùng kinh tế trọng điểm trong đó có ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn nhà nước tham gia trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền ưu tiên cho phép các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm được tăng bội chi trong tổng mức bội chi ngân sách nhà nước để tăng mức vay lại của địa phương, từ đó có thêm nguồn vốn vay để đầu tư cho các dự án quan trọng, quy mô lớn của địa phương.
Đề xuất cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại và tỷ lệ điều tiết phù hợp trong giai đoạn 2022-2025 cho các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm, nhất là các địa phương có vai trò “đầu tàu”, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của cả nước.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung huy động các nguồn vốn nhàn rỗi để cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng với lãi suất hợp lý giúp doanh nghiệp, người dân khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt để đầu tư các dự án giúp phát huy thế mạnh, tiềm năng của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm.
Bộ Giao thông vận tải ưu tiên phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong phạm vi được giao quản lý để phát triển hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn mang tính kết nối vùng và liên vùng kinh tế trọng điểm.
Bộ Khoa học và Công nghệ ưu tiên hỗ trợ nguồn lực đầu tư xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong trường đại học, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế và các khu đô thị khoa học trên địa bàn tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm để từ đó là hạt nhân của hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm huy động đa dạng các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa trung ương và địa phương, đẩy mạnh thu hút có chọn lọc các dự án FDI, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân, và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, thúc đẩy liên kết vùng...