Hội Nhà văn từ chối đề xuất xét duyệt Nhà văn nhân dân, Nhà văn ưu tú

NGƯỜI ĐƯA TIN 09:29 15/06/2022

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, nhà văn không phù hợp để được xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: "Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu đơn vị nêu quan điểm về đề xuất xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cho các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, soạn giả sân khấu và tác giả văn học. Sau khi hỏi ý kiến hội viên thuộc nhiều lứa tuổi, Hội Nhà văn thống nhất quan điểm: Đồng tình chủ trương mở rộng đối tượng được trao danh hiệu, nhưng không phải Nhà văn".

Văn hoá - Hội Nhà văn từ chối đề xuất xét duyệt Nhà văn nhân dân, Nhà văn ưu tú

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Trong công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Hội nhà văn viết: "Các nhà văn có sứ mệnh, trách nhiệm cao cả, tác phẩm của nhà văn phản ánh hiện thực cuộc sống, viết lên tiếng lòng của nhân dân, các nhà văn có thiên chức đặc biệt cảnh báo và dự báo xã hội. Để đánh giá một nhà văn phải thông qua giá trị tác phẩm, tác phẩm có giá trị phải có tính lan tỏa rộng lớn và tác động mạnh mẽ tới nhân dân, tới xã hội. Khó có định lượng cụ thể nào cho một tác phẩm của nhà văn để mang ra xét Nhà văn Ưu tú hay Nhà văn Nhân dân. Nhà văn không phải nghệ sĩ. Đối với người lao động sáng tạo trong văn học, danh xưng "nhà văn" là cao quý, thiêng liêng".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ thêm: "Nhà văn là một danh hiệu và cũng có những giải thưởng của Hội Nhà văn, giải thưởng của Liên hiệp hội Văn học Nghệ thuật và đặc biệt là Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh. Vì thế riêng trong lĩnh vực văn học, các nhà văn không cần có thêm danh hiệu hay chức danh nào khác. Hai từ "Nhà văn" nếu thực thi đúng nghĩa và đúng bản chất của văn chương thì nó không cần thêm một danh hiệu nào nữa".

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt bày tỏ quan điểm với Người Đưa Tin: "Với tôi, việc mở rộng phong tặng là cần thiết, vì bất cứ lĩnh vực sáng tạo nào trong nghệ thuật chung quy mục đích cuối cùng đều mang đến những giá trị tốt đẹp cho con người và cuộc sống. Thành ra việc hạn chế danh xưng ở nghề này nhưng thoải mái với nghề kia theo tôi là không nên cứng nhắc. Tuy nhiên, mọi thứ nên có lộ trình và cần có những chuẩn mực rõ ràng, tránh việc lạm dụng danh hiệu cũng như trao danh hiệu bừa bãi dẫn đến đánh mất những yếu tố ý nghĩa, trân trọng với những người thật sự xứng đáng".

Nhà văn Ngọc Huyền cho biết: "Nhà văn chính là danh xưng cao quý rồi, không cần một danh xưng nào nữa. Nhà văn là người sáng tác, vì thế nên để cho họ chuyên tâm viết chứ không nên bận lòng với những danh hiệu nào nữa. Có một thực tế là nhiều nghệ sĩ hiện nay được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú mà ít người biết họ là ai. Vì thế, hãy để họ sáng tạo, cống hiến thay vì bận tâm với những danh xưng ngoài kia.

Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú chỉ nên dành cho những người biểu diễn, còn các kiến trúc sư, nhà văn, nhạc sĩ, soạn giả đã có các giải thưởng thuộc hội chuyên môn".

Trước đó, trong cuộc họp ngày 27/5 (kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15) về Dự thảo Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi), một số đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng xét duyệt NSND, NSƯT cho một số lĩnh vực, ngành nghề. Ông Đỗ Văn Yên (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng danh hiệu nên được trao cho các nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên.

Bà Trần Thị Thu Đông (Đoàn Bạc Liêu) nêu ý kiến cần đưa vào Luật danh hiệu Kiến trúc sư nhân dân, Kiến trúc sư Ưu tú hoặc phong tặng NSND, NSƯT vì công trình của họ là lao động sáng tạo nghệ thuật. Theo quy định hiện hành, danh hiệu này chỉ dành cho những người tham gia hoạt động biểu diễn trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Theo Nghị định 89 của Chính phủ về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, các cá nhân được xét tặng phải hoạt động nghệ thuật tại các đơn vị nghệ thuật cơ sở; cá nhân hoạt động nghệ thuật tự do phải đạt đủ các tiêu chuẩn sau: Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 10 năm trở lên; có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia hoặc 1 giải Vàng quốc gia và 2 giải Bạc quốc gia...

Với danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, tiêu chuẩn về thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của nghệ sĩ phải từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên. Đã được tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Ưu tú" và sau đó đạt một trong các tiêu chí: có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (trong đó có 1 giải Vàng là của cá nhân) hoặc có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/hoi-nha-van-tu-choi-de-xuat-xet-duyet-nha-van-nhan-dan-nha-van-uu-tu-a556520.html

Bạn đang đọc bài viết Hội Nhà văn từ chối đề xuất xét duyệt Nhà văn nhân dân, Nhà văn ưu tú tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự