Hiệu quả của gói phục hồi kinh tế có thể nhìn thấy vào nửa cuối 2022?

Theo Doanh nhân Việt Nam 11:39 18/01/2022

Agriseco cho rằng lạm phát năm 2022 sẽ trong tầm kiểm soát dưới 4% nhưng áp lực lạm phát có thể nhích lên từ nửa cuối năm và tăng dần các năm tới.

Trong báo cáo vĩ mô mới đây, Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định với kịch bản cơ sở khi dịch bệnh được kiểm soát và độ phủ vắc xin tăng cao, tăng trưởng GDP 2022 sẽ đạt khoảng 6-6,5%. Sự hồi phục sẽ lan tỏa đến nhiều nhóm ngành sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại, tình hình kinh doanh sản xuất được phục hồi.

Hiệu quả của gói phục hồi kinh tế có thể nhìn thấy vào nửa cuối 2022? - Ảnh 1

Đánh giá về lạm phát, Agriseco cho biết điểm tích cực của nền kinh tế là lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt dưới 4% năm 2021.

Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc kéo dài các chính sách nới lỏng tiền tệ và chính sách tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau suy thoái, đồng thời tạo ra dư địa tăng trưởng cho các thị trường đầu tư như chứng khoán, bất động sản.

Công ty chứng khoán kỳ vọng lạm phát sẽ duy trì thấp nửa đầu năm 2022 do sức cầu yếu, giá hàng hóa thế giới đang dần hạ nhiệt, giá thịt lợn đang ở vùng đáy đồng thời sức cầu tiêu dùng thấp.

Vào nửa cuối năm 2022, áp lực lạm phát dự báo gia tăng do các gói kích cầu của Chính phủ sẽ có hiệu lực và có độ trễ tới lạm phát, đồng thời sức cầu hồi phục trong khi nguồn cung nội địa chưa thể đáp ứng đủ.

Mặc dù vậy, Agriseco vẫn dự báo lạm phát năm 2022 duy trì dưới 4% trước khi có thể tăng dần lên ở các năm tiếp theo.

Nguồn: Báo cáo Agriseco.
Nguồn: Báo cáo Agriseco.

Về bán lẻ và tiêu dùng, báo cáo của Agriseco đánh giá mảng tiêu dùng sẽ hồi phục nhưng sẽ chậm hơn các quốc gia khác do thời gian giãn cách vừa rồi tại Việt Nam kéo dài đặc biệt tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngoài ra, điều này còn do các gói hỗ trợ giải ngân tại Việt Nam có tỷ lệ hỗ trợ thấp hơn so với các nước khác và mức thu nhập và sức cầu của người dân chịu ảnh hưởng nặng nề.

Quá trình hồi phục có thể được đẩy nhanh khi nền kinh tế mở cửa hoàn toàn cùng với gói kích cầu vừa được Quốc hội thông qua vào giữa tháng 1 năm 2022, được kỳ vọng sẽ có tác động vào nửa cuối năm 2022.

Phòng phân tích Agriseco cũng đưa ra kỳ vọng cán cân thương mại tiếp tục thặng dư và dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới.

Hiệu quả của gói phục hồi kinh tế có thể nhìn thấy vào nửa cuối 2022? - Ảnh 2

Cán cân ngân sách đang chuyển sang trạng thái bội chi, tuy nhiên Agriseco đánh giá điều này không đáng lo ngại do việc tăng chi giai đoạn vừa rồi của Chính phủ nhằm mục đích hỗ trợ nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Công ty chứng khoán cho rằng đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong các năm tới nhờ tính lan tỏa tới nhiều ngành nghề và Việt Nam có thể chủ động được trong “đầu kéo” tăng trưởng này. Đây sẽ là tiền đề giúp các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng được hưởng lợi trong thời gian tới.

Với mức nợ công/GDP của Việt Nam vẫn trong mức kiểm soát (43,7% GDP) và chi ngân sách cho công tác phòng dịch COVID-19 còn thấp (khoảng 2,85% GDP), Agriseco kỳ vọng đây sẽ là tiền để để Chính phủ điều hành nới lỏng chính sách tài khóa trong thời gian tới.

Ngoài ra, Agriseco đánh giá với việc lập ra các tổ kiểm tra đốc thúc giải ngân đầu tư công, quá trình giải ngân sẽ diễn ra nhanh hơn trong năm 2022 và từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Đánh giá về những rủi ro trong năm tới, Agriseco cho rằng lạm phát năm 2022 sẽ trong tầm kiểm soát dưới 4% nhưng áp lực lạm phát có thể nhích lên từ nửa cuối năm và tăng dần các năm tới.

Trường hợp lạm phát tăng cao hơn nhiều so với kỳ vọng có thể ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cũng như các dòng tiền tham gia thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, các biến chủng COVID-19 mới và tình hình COVID-19 đang tăng trở lại tại các tỉnh thành ở Việt Nam có thể làm chậm lại đà phục hồi của nền kinh tế.

Bạn đang đọc bài viết Hiệu quả của gói phục hồi kinh tế có thể nhìn thấy vào nửa cuối 2022? tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự