Ngay trong thời điểm căng thẳng nhất của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ nhất, ngày 3/4/2020, Tập đoàn Vingroup quyết định cấp tốc triển khai sản xuất máy thở các loại và máy đo thân nhiệt nhằm đáp ứng nhanh chóng cho cuộc chiến đấu chống lại đại dịch ở Việt Nam.
Trước đó, 12 giờ trưa ngày 30/3/2020, lãnh đạo Tập đoàn triệu tập họp khẩn cấp yêu cầu tất cả các Viện nghiên cứu của Tập đoàn dừng hết các công việc hàng ngày, tập trung tìm kiếm và nghiên cứu các phương án để sản xuất được các loại máy thở. Các đơn vị được giao trọng trách chủ lực là Viện nghiên cứu - thiết kế ô tô 1 và 2, Viện nghiên cứu thiết bị di động, Viện nghiên cứu - thiết kế thiết bị gia đình thông minh, Viện nghiên cứu thiết kế thiết bị viễn thông, Viện nghiên cứu thiết kế pin thông minh, Nhà máy sản xuất ô tô VinFast và Nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử VinSmart. Tất cả lãnh đạo Tập đoàn, cán bộ các ban phòng chuyên môn đều có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ và kết nối điện thoại 24/24h.
Chỉ trong một ngày đêm, họ đã tìm được các đối tác đồng ý chia sẻ thiết kế và thông tin cần thiết để triển khai. Ngay sau đó, Vingroup ký hợp đồng license với Hãng Medtronic (Mỹ) để sử dụng thiết kế máy thở xâm nhập nhãn hiệu PB560 của họ và đồng thời bắt tay vào nghiên cứu máy thở không xâm nhập dựa theo thiết kế do trường Đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng.
Tổng giám đốc Vingroup cho biết: Tập đoàn sẽ chuyển nhanh cho Bộ Y tế 5.000 máy thở không xâm nhập để kịp thời chống dịch. Tiếp theo, với công suất đã thiết kế, các nhà máy VinFast và VinSmart có thể sản xuất tới 45.000 máy thở không xâm nhập, 10.000 máy thở xâm nhập/tháng và hỗ trợ các nhà sản xuất trên thế giới gia công thiết bị hoặc cung cấp một phần nhu cầu cụ thể phụ thuộc vào khả năng cung ứng linh kiện của các đối tác. Với nền tảng công nghiệp, công nghệ sẵn có của VinFast và dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh Vsmart, Vingroup đã linh hoạt điều chỉnh để nhanh chóng chuyển sang sản xuất máy thở phục vụ chống dịch.
Hình ảnh trong khu sản xuất máy thở của Vingroup được phóng viên các hãng thông tấn lớn như AFP, Bloomberg và Reuters đưa tin, được truyền thông Mỹ, châu Âu, châu Á dẫn lại, đã tạo nên những cảm xúc rất tích cực trên toàn thế giới. Đây được xem là bước ngoặt công nghệ và là một hoạt động tiêu biểu của Việt Nam trong phòng chống và điều trị dịch bệnh COVID-19.
Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn được xây dựng cấp tốc ngay khi bắt đầu đợt bùng phát thứ 2 của dịch COVID-19 tại Đà Nẵng. Với gần 4 ngày thi công, vượt 2,5 ngày so với dự kiến, 284 giường bệnh tại sàn thi đấu tầng 1 và có khả năng tăng tới 700- 1.000 giường bệnh đáp ứng nhu cầu nếu dịch bùng phát mạnh hơn.
Dù là bệnh viện dã chiến, được thi công rất nhanh, nhưng bệnh viện này có phương án quản lý, vận hành mang tính chuyên môn cao, chuyên nghiệp, hiện đại, không thua kém các bệnh viện có điều kiện tốt nhất trên địa bàn thành phố, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho công tác phòng chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Chúng tôi đã kiểm tra, giám sát và góp ý về các quy trình chuẩn bị của bệnh viện dã chiến này và rất hài lòng về chất lượng bệnh viện. Đây là một trong những bệnh viện dã chiến được lập với thời gian nhanh nhất. Việc xây dựng thực hiện trong tình hình dịch rất khó khăn, việc huy động nhân viên, công nhân, đặc biệt là vận chuyển các nguyên vật liệu, thiết bị để hoàn tất trong thời gian ngắn, nhưng Sun Group đã vào cuộc quyết liệt, hoàn thành đúng tiến độ.
Ngoài Tập đoàn Sun Group tài trợ phần xây dựng và các thiết bị cơ bản cho các buồng bệnh, còn có rất nhiều đơn vị khác cùng đóng góp để bệnh viện này trở thành “bệnh viện thông minh nhất”. Có thể kể ra: Máy thở do Tập đoàn Vingroup tài trợ, Tập đoàn FPT thực hiện việc lắp đặt mạng wife miễn phí, Tập đoàn Viettel phủ sóng 4G, Tập đoàn Ecopark tài trợ hệ thống xử lý nước thải y tế. Các loại máy tính, ga gối và cả suất ăn của bệnh viện cũng đã có các doanh nghiệp đăng ký tài trợ.
Cũng trong những thời khắc toàn cầu căng thẳng nhất, các tuyến hàng không thương mại đóng sập lại, thì với nỗ lực của các cơ quan chức năng, với sự hỗ trợ vật chất của các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu, mấy chục chuyến bay đã mở ra liên tục để đưa đồng bào Việt Nam đang bị mắc kẹt tại nhiều nơi trở về quê hương xứ sở của mình. Các chuyến bay đầu tiên hạ cánh xuống Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Sau đó, do yêu cầu nghiêm ngặt hơn, đã hạ cánh xuống Vân Đồn và Cần Thơ. Sân bay Vân Đồn của Sun Group mở ra là để đón khách du lịch, không ai hình dung, chỉ một thời gian ngắn sau khi hiện diện, đã bền bỉ đón những chuyến bay từ tâm dịch đưa đồng bào về nước, theo một quy trình đặc biệt an toàn lần đầu tiên có tại Việt Nam. Vân Đồn trở thành một đích đến trên đường trở về nước Việt của những người con xa xứ trong những ngày hoạn nạn...
Đến thời điểm hiện tại, công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam đã tiến gần tới đích. Nhiều máy thở không dùng đến, bệnh viện dã chiến không sử dụng, các chuyến bay thương mại bắt đầu mở lại...
Thật sự, chúng ta đã hạnh phúc và cảm nhận được niềm vui chiến thắng.
Công cuộc phòng chống đại dịch của Việt Nam được thế giới ghi nhận và đánh giá rất cao. Người Việt Nam đã cảnh giác, đoàn kết và sáng tạo đi qua đại dịch. Và một điều quan trọng nữa, chúng ta nhận ra mình đã có nhiều tiềm năng và sức mạnh mới để vượt qua biến cố. Là một nước đang phát triển, các chỉ số về y tế và ứng phó thảm họa chưa đạt tới tiên tiến, nhưng chúng ta đã ứng phó tốt, năng lực đã vượt lên trên tình hình thực tế. Qua biến cố này, chúng ta tự tin hơn vào sức mạnh quốc gia trong bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân.
Sức mạnh quốc gia trong phòng chống đại dịch vừa qua bắt nguồn từ chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của hệ thống chính trị kết hợp với huy động được sức mạnh tiềm ẩn trong nền kinh tế, đặc biệt là từ các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu. Bằng lòng yêu nước, tinh thần xả thân và trách nhiệm với cộng đồng, các doanh nhân Việt Nam là người tạo nên những biểu tượng đẹp đẽ chiến thắng đại dịch ở Việt Nam.
Doanh nhân là người dẫn dắt, truyền cảm hứng trong công cuộc kiến tạo đất nước và doanh nhân cũng là một nguồn dự trữ sức mạnh quốc gia để sẵn sàng đương đầu với những bất trắc mang tính toàn cầu đe dọa cuộc sống bình yên và phát triển của đất nước chúng ta.