Tiếp tục phiên họp thứ 48, sáng 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác phòng chống tham nhũng năm 2020. Chính phủ cho biết, với những nỗ lực không ngừng kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ, tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm.
Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, việc kê khai tài sản lần đầu phải hoàn thành trước 31/12/2019 nhưng do Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập chưa được ban hành nên việc kê khai tài sản, thu nhập theo luật mới chưa thực hiện được.
Tuy nhiên, việc kê khai tài sản, thu nhập liên quan đến nhân sự chủ chốt phục vụ Đại hội đảng bộ các cấp đã được tiến hành nghiêm túc theo đúng Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Về xử lý trách nhiệm, trong kỳ báo cáo, có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người; trong đó có 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Về xử lý tham nhũng, các cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 508 vụ án, 1.186 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 286 vụ, 606 bị can, thiệt hại trên 9.000 tỷ đồng và 45.503,5 m2 đất; thu hồi trên 10.000 tỷ đồng.
Đối với những vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, tính đến hết ngày 31/7/2020, các cơ quan địa phương tổ chức thi hành 58 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Trong đó, 15 vụ việc đã được tổ chức thi hành xong, 43 vụ đang tổ chức thi hành.
Chính phủ đánh giá, cùng với những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII có thể khẳng định, công tác phòng chống tham nhũng không những không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, được cán bộ, đảng viên, nhân dân, dư luận quốc tế ủng hộ, đánh giá cao.
Chính phủ dự báo, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi.
Trước tình hình đó, năm 2021 Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, bảo đảm “không thể tham nhũng” theo đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo. Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tiêu cực, tham nhũng như: các dự án đầu tư lớn; quản lý, sử dụng đất đai; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; các dự án mua sắm lớn từ tài sản nhà nước…
Chính phủ đề nghị TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát được phát hiện; kiên quyết không để xảy ra tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.