|
Tích cực hỗ trợ khách hàng
Thông tin tại Hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng” do NHNN tổ chức sáng ngày 4/7, NHNN cho biết, bên cạnh những tiện ích, tiện lợi mà các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên không gian mạng đem lại, ngành Ngân hàng hiện phải đối mặt với những rủi ro, thách thức liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật trước nguy cơ bị tấn công mạng, tình trạng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng của người dân, các thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp hơn.
Để hạn chế, giảm thiểu các rủi ro liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng trên môi trường số, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chủ động triển khai các nhóm giải pháp. Trong đó, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345), có hiệu lực từ 1/7/2024.
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, Quyết định 2345 giải quyết 2 điểm quan trọng. Đó là chấm dứt tình trạng mở tài khoản bằng giấy tờ giả và xóa bỏ việc mở tài khoản bằng giấy tờ thật nhưng không phải chính chủ mở. Việc xác thực sinh trắc học theo yêu cầu của Quyết định 2345 sẽ xác định đúng tài khoản, đúng người có căn cước công dân được Bộ Công an cấp. “Bản chất của Quyết định 2345 là làm sạch tài khoản, loại bỏ các tài khoản sử dụng giấy tờ giả, loại bỏ tài khoản không chính chủ”, Phó Thống đốc cho biết. Đồng thời lãnh đạo NHNN khẳng định, xác thực sinh trắc học là thêm 1 lớp bảo vệ nữa nên sẽ chỉ an toàn hơn cho khách hàng. Đây là một “chiến dịch lớn”, điều bắt buộc phải làm, không thể khác được.
Theo thống kê, tính đến 17 giờ ngày 3/7, có 16,6 triệu tài khoản khách hàng đã được các ngân hàng đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học của Bộ Công an. Con số này tương đương bằng cả 1 năm ngành Ngân hàng mở tài khoản cho khách hàng. Về cơ bản, đa số người có tài khoản có thể xác thực được qua điện thoại có NFC (viết tắt của Near-Field Communication - chuẩn kết nối không dây trong phạm vi tầm ngắn).
Tại hội thảo, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng thừa nhận một số vướng mắc trong quá trình triển khai xác thực sinh trắc học như: quét NFC, căn cước công dân gắn chip, chụp ảnh xác thực... Trước các vướng mắc này, các ngân hàng đều tích cực hỗ trợ khách hàng. Các ngân hàng lớn đã làm việc 24/7 để phục vụ khách hàng, thông suốt hệ thống. Có ngân hàng đã xác thực tới 2,6 triệu tài khoản khách hàng. “3 ngày vừa rồi là những ngày vô cùng căng thẳng của toàn ngành Ngân hàng. Toàn Ngành đã dồn lực, NHNN kiểm soát giao dịch từng giờ. Đến ngày 2 và 3/7, hệ thống ngân hàng đã thông suốt”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng chia sẻ.
Các ngân hàng đang tích cực hỗ trợ khách hàng xác thực sinh trắc học |
Tiếp tục gia tăng giải pháp bảo mật
Để có được kết quả trên, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định là nhờ sự nỗ lực của tất cả các nhà băng với mong muốn xây dựng “thành trì” kiên cố bảo vệ khách hàng. Là đơn vị có số lượng khách hàng khá lớn, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao - Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, Quyết định 2345 là nhiệm vụ nhưng đồng thời cũng là cơ hội và động lực thúc đẩy BIDV mở ra cơ hội mới trong kỷ nguyên số. Để triển khai quyết định này, BIDV đã triển khai chiến dịch “67 ngày đêm”, kết hợp tâm thế “3 đồng”: dựa trên 3 trụ cột. Cụ thể, đồng lòng trong toàn hệ thống, đồng bộ từ quy trình nội bộ tới khách hàng, đồng thời từ online tới offline. 3 trụ cột gồm sản phẩm tiên phong bài bản; phân tập khách hàng đúng, tiếp cận trúng và truyền thông đa kênh, đa chiều, đa điểm chạm.
Với tinh thần triển khai quyết liệt, đến nay BIDV đã có trên 1,7 triệu khách hàng thu thập thành công sinh trắc học, trong đó chỉ có 166 nghìn khách hàng thu thập qua kênh quầy và trên 1,6 triệu khách hàng thu thập qua kênh số.
Còn tại Vietcombank, đây là ngân hàng tiên phong ứng dụng dịch vụ xác thực điện tử của Bộ Công an, giúp khách hàng cập nhật thông tin sinh trắc học qua kết nối trực tiếp VNeID. Theo đó, khách hàng của Vietcombank có thể cập nhật thông tin sinh trắc học online thông qua giải pháp kết nối app-to-app giữa ứng dụng VCB Digibank và VNeID. Việc này giúp khách hàng có thêm lựa chọn về hình thức cập nhật thông tin sinh trắc học bên cạnh giải pháp sử dụng căn cước công dân gắn chip và điện thoại kết nối NFC.
Đại diện Vietcombank cho biết thêm, để triển khai thực hiện Quyết định 2345 của NHNN, các NHTM trong đó có Vietcombank đã thực hiện khối lượng công việc rất lớn. Có các nhóm “trực chiến” xây dựng triển khai các quy trình, trao đổi truyền thông, đào tạo, bảo đảm trực chiến 24/7.
Có thể nói, việc triển khai Quyết định 2345 góp phần bảo đảm các giao dịch thanh toán trực tuyến chỉ được thực hiện bởi chính chủ tài khoản. Qua đó sẽ nâng cao an ninh, an toàn, bảo mật cho các giao dịch thanh toán trực tuyến, giảm thiểu rủi ro gian lận, lừa đảo trong giao dịch thanh toán trực tuyến, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.
Thời gian tới, nhằm thúc đẩy, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật cho dịch vụ ngân hàng trên không gian mạng theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng, lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản, thông tư thay thế, sửa đổi, bổ sung quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet…; triển khai hiệu quả Quyết định 2345 nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật trong giao dịch thanh toán nói riêng và sử dụng dịch vụ ngân hàng nói chung.
Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin của các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán; đồng thời nâng cấp, phát triển các hạ tầng thanh toán đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, kết nối liền mạch, xuyên suốt với các ngành, lĩnh vực khác như dịch vụ công, y tế, giáo dục, thương mại điện tử… và kết nối thanh toán xuyên biên giới nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng đa dạng, ngày càng tăng nhanh của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ Công an triển khai hiệu quả Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030). Trong đó, chú trọng khai thác thông tin căn cước công dân gắn chip và tài khoản VNeID để định danh, xác thực chính xác thông tin khách hàng và phối hợp, hỗ trợ trong quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng một cách tiện lợi, an toàn, đảm bảo phòng ngừa rủi ro, tội phạm lợi dụng dịch vụ thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo…
Về phía ngân hàng, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao cho biết, để tiếp tục gia tăng các giải pháp bảo mật, ngân hàng cũng cần sự đồng hành từ các bộ, ngành. Hiện mới có dữ liệu dân cư tập trung, còn cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác chưa đầy đủ và đồng bộ. Chính vì vậy, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết số 175/NQ-CP về Phê duyệt đề án xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, tiếp tục tạo điều kiện để các ngân hàng được kết nối kho dữ liệu phục vụ khách hàng, đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển ngân hàng số, cần thiết nâng cấp giải pháp sinh trắc học, chống lại các công nghệ giả mạo, lừa đảo.
Để việc triển khai được hiệu quả hơn nữa, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao đề xuất NHNN có hướng dẫn các ngân hàng từng bước tiêu chuẩn cụ thể về sinh trắc học và xác thực định danh điện tử, đồng thời xây dựng bộ tiêu chuẩn chung để các ngân hàng áp dụng. Đối với người dùng, khách hàng, cần có nhận thức đúng và đủ về lợi ích của sinh trắc học và trang bị thêm kiến thức về giao dịch an toàn trên môi trường số.