Nối lại cung - cầu vốn, tiếp sức phục hồi doanh nghiệp

NHVN 08:12 14/06/2020

Đây cũng là chủ đề của buổi tọa đàm vừa diễn ra sáng nay, 12/6, do BizLIVE phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) tổ chức.

Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm.

Vay vốn ngân hàng là khó, ông Bùi Ngọc Tường (Tập đoàn Đầu tư nước sạch và môi trường Hùng Thành) phát biểu.

Hùng Thành đang quản lý 22 nhà máy nước sạch, địa bàn hoạt động trên khắp cả nước, thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, tức thuộc nhóm doanh nghiệp được ưu tiên. Nhưng theo ông Tường, cái khó của doanh nghiệp là các ngân hàng không chấp nhận tài sản hình thành trong tương lai đưa vào thế chấp, khiến cho cánh cửa vay vốn của doanh nghiệp thu hẹp lại.

Khái quát trên diện rộng, ông Dương Văn Dân, Giám đốc CTCP Bigsun Việt Nam, cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ rất thiếu vốn. Trong khi đó, 90% các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thiếu tài sản bảo đảm nên càng khó tiếp cận nguồn vốn. Ông Dân đặt câu hỏi, ngân hàng liệu có giải pháp gì để giãn nợ và nới lỏng điều kiện tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) nhận định, doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng không phải là việc mới, hay do dịch bệnh Covid-19, mà là vấn đề đã tồn tại. Thực tế, ngân hàng không thiếu tiền và ngân hàng cũng cần cho vay, nhưng vấn đề là doanh nghiệp cần chuẩn hóa lại để tiếp cận nguồn vốn.

“Tìm hiểu của tôi cho thấy, lãi suất không phải là vấn đề quá lớn. Các ngân hàng có thể hạ lãi suất 1-2%/năm, nhưng vấn đề là doanh nghiệp nào có thể cho vay được thì ngân hàng đã cho vay”, ông Tú Anh nói.

Thực tế cho thấy, lãi suất liên ngân hàng hồi tháng 3, đối với kỳ hạn qua đêm, cao nhất lên tới hơn 3,5% còn hiện nay chỉ khoảng 0,2-0,3%. Từ cuối tháng 3 đến nay, đã có khoảng 145 nghìn tỷ đồng được bơm ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Điều đó chứng tỏ thanh khoản hệ thống ngân hàng rất dồi dào, ông Tú Anh nói. Bản thân các ngân hàng cũng muốn cho vay, nhưng quan trọng là ngân hàng cũng phải thu lại được tiền.

Lý giải nguyên nhân, bà Tạ Thị Tuệ Anh, Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội cho rằng, việc doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn vay một phần là do lý lịch tín dụng của doanh nghiệp quá phức tạp, do giao dịch với quá nhiều ngân hàng. Bà cho rằng, muốn làm bạn, đồng hành với nhau, cần phải có sự tin tưởng dài hạn.

“Khi một doanh nghiệp hỏi vay vốn ngân hàng, nhưng thẩm định dự án lại phát hiện doanh nghiệp cũng đang dùng tiền của ngân hàng khác, thành ra quá trình vay khá phức tạp”, bà Tuệ Anh nói.

Trên thực tế, các ngân hàng thương mại cũng rất nỗ lực và chủ động để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Vũ Tuấn Anh, Quyền Giám đốc khối Ngân hàng doanh nghiệp của SHB cho biết ngay sau Tết Nguyên đán, SHB đã triển khai gói 5.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp.

Cụ thể, SHB đã triển khai gói tín dụng 25 nghìn tỷ đồng với lãi suất giảm 2% so với thông thường để đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ và NHNN, SHB đã thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi với các khách hàng đáp ứng đủ Thông tư 01; miễn giảm các phí giao dịch như phí giao dịch online, giao dịch liên ngân hàng…

"Ban điều hành cũng đã thống nhất sẽ cắt giảm 50% lương, lãnh đạo từ cấp phòng trở xuống giảm từ 10-30% lương để giúp ngân hàng cắt giảm chi phí, có điều kiện đồng hành cùng doanh nghiệp", ông Tuấn Anh thông tin.

Mới đây nhất, SHB và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên của VINASME nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả. Đồng thời, SHB cũng hợp tác với Amazon thúc đẩy thương mại điện tử, tạo ra các trung tâm hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại điện tử, hiện đã được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM.

Liên quan đến giải pháp dài hạn, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng gợi ý nên có một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, địa phương cũng sẽ bổ sung vốn của mình vào đó để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Theo Thời báo Ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/noi-lai-cung-cau-von-tiep-suc-phuc-hoi-doanh-nghiep-102895.html

Bạn đang đọc bài viết Nối lại cung - cầu vốn, tiếp sức phục hồi doanh nghiệp tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự