Vai trò quản lý đất đai thuộc trung ương hay địa phương?
Khu núi chùa Bái Đính rộng hơn 1.000 ha trong Khu du lịch sinh thái Tràng An, rộng hơn 1.500 ha. Đây là ngôi chùa to bậc nhất châu Á do doanh nghiệp Xuân Trường đầu tư. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT): Tỉnh Ninh Bình đã giao đất cho 03 cơ quan Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An và UBND huyện Gia Viễn…việc giao đất này “không thể hiện loại đất/mục đích sử dụng đất cụ thể theo quy định tại Điều 13 của Luật đất đai”.
Hàng ngàn ha đất Bái Đính được khai thác dịch vụ du lịch quy mô lớn, nhưng không ai đóng thuế đất. Cán bộ địa chính TK21 cầm bản đồ giấy ra bờ ruộng để xác định 6 loại đất nông nghiệp với 30 cách tô mầu khác nhau. Ảnh:Internet |
Sau 14 năm, mỗi năm đón bình quân khoảng 3,5 triệu du khách, nhưng Xuân Trường đóng góp bao nhiêu cho nân sách tỉnh Ninh Bình? Nếu lấy con số gần nhất là chỉ bằng tổng cộng 1-2% trong tổng thu ngân sách Ninh Bình (200-300 tỷ đồng/1.5000 tỷ đồng/năm 2019). Trong khi Hội An hay quận Hoàn Kiếm (có phố cổ thu hút khách du lịch), diện tích chỉ bằng 1/10 khu này, đón 4- 5 triệu du khách, nộp ngân sách trên 9.000 tỷ đồng/năm, tức cao hơn 30 lần.
Sở hữu đất rộng bằng đô thị Hội An và gấp đôi quận Hoàn Kiếm, khai thác dịch vụ du lịch quy mô lớn nhưng không ai nộp tiền thuê đất Bái Đính. Chưa rõ ai giao đất cho Chùa, nhưng vị đại diện cho rằng: “Đây là cơ sở, nơi thờ tự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được quản lý, vận hành theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.
Còn Bộ TN-MT khẳng định “Việc giao đất trái phép, không rõ ràng tại chùa Bái Đính và Tam Chúc thuộc trách nhiệm của UBND Ninh Bình và Hà Nam. Bộ đã yêu cầu UBND các tỉnh phải có văn bản báo cáo chính thức vụ việc này”. Trong quá trình kiểm toán đất đai sau cổ phần hóa (tại Ninh Bình), Kiểm toán Nhà nước gặp tình trạng cung cấp thông tin không chính xác, không đẩy đủ, thậm chí không cung cấp theo yêu cầu.
Quản lý đất đai chặt chẽ, chính xác, hiệu quả hay không do tư liệu quản lý, năng lực cá nhân người quản lý, bộ máy (thiết chế) và quy chế (quy trình) quản lý. Khiếu kiện đất đai luôn chiếm tỷ lệ lớn, nhiều vụ việc phức tạp kéo dài từ Thủ Thiêm đến Thủ Đô do nhiều lý do, nhưng nổi cộm thực trạng tài liệu quản lý đất đai đang rất bất ổn. Bộ TN-MT là cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn, giám sát, tiếp nhận kết quả kiểm kê hàng năm, tổng kiểm kê đất đai 5 năm/lần; Chi phí hàng ngàn tỷ đông đo vẽ/kiểm kê, nhưng khi cần thông tin lại không có, đẩy trách nhiệm xuống địa phương.
Nguyên nhân chính bởi hệ thống tài liệu quản lý đất đai lạc hậu, kế thừa thiết chế quản lý rộng đất từ thời bao cấp, dùng để chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tập trung, quan liêu: thống kê tới 36 mã loại đất, gần 300 cách tô mầu theo từng loại đất, tỷ lệ bản đồ: không phải là tài liệu quản lý mà chủ yếu để tô vẽ, in ấn, xuất bản bản đồ, nhưng lại quá phức tạp với cán bộ quản lý địa chính từ trung ương tới địa phương, trong khi họ còn mù mờ phân biệt đâu là đất tư không thể sai sót, đâu là đất công không thể vương vãi lãng phí? Ngành TN-MT có thể trả lời có bao nhiêu % cán bộ của ngành thao tác thành thạo công cụ lập hồ sơ quản lý này?
Việt Nam đã qua 30 năm kinh tế thị trường, đất đai đã là “tài sản” biến hóa giá trị nhanh chóng, thì bộ máy quản lý vẫn ôm đống “tài liệu” khô cứng, không có năng lực quản trị tài sản.
Bước tiến hóa quản lý đất đai Hà Nội cách đây hơn 100 năm
Cách đây 150 năm, Hà Nội thời Nguyễn là một tỉnh, có sơ đồ định danh hành chính, còn quản lý đất đai bằng sổ sách, chia ra các loại đất: “Quân điền” đất của Vua, sở hữu nhà nước; “Công điền/công thổ” là đất công, không được bán, phân cho dân đinh cày cấy; “Bản thôn điền” cũng là đất công do cộng đồng tự quản; “Tư điền” là đất riêng.
Đền Yên Nội trên phố Hàng Nón: sơ đồ tự vẽ, bản đạc công bố công khai trước khi đưa vào hồ sơ “Địa Chính và Công thổ”. Đền cũ nay là UBND phường Hàng Gai. Ảnh: Internet |
Khi Pháp chiếm Hà Nội, tới năm 1885 đã đo đạc bản đồ theo cách hiện đại, phân ra hai loại đất: công và tư (trong đó có 55% là đất công). Năm 1903, thành phố sung công 2.333 thửa đất/8.528 thửa đất (chiếm 1/3 diện tích thành phố lúc đó) để cho thuê lại và bán đi nhập vào công quỹ, chi dùng mở rộng đường phố, các việc công ích, nhờ đó hạ tầng thành phố Hà Nội hiện đại hóa, thay đổi từng ngày.
Cũng có chuyện trưởng phố thông đồng với dân phố xác nhận gian dối, thành phố có biện pháp ngay, bởi đất đai và thuế là nguồn thu chính để Thành phố kiến thiết và trả lương cho bộ máy quản lý. Ví dụ đất Đình, Chùa… đại diện các cộng đồng làng xã tự vẽ sơ đồ, trình lên thành phố bản Thần tích, Thần sắc liên quan, kê khai tục lệ, lễ nghi cúng tế, mô tả nguồn gốc đất đai trước khi có Đình, Chùa ra sao, cấm kỵ những điều gì, thỏa ước cộng đồng thế nào?.
Căn cứ vào tài liệu đó, Nha Địa chính và Công thổ đo đạc, gắn số thửa vào bản đồ quản lý, cấp Bằng khoán điền thổ; bao gồm trích lục bản đồ tỷ lệ 1/200, ghi rõ: “ Đình, Chùa… tọa lạc trên thửa đất số… là đất công”. Tài liệu được Quốc gia lưu trữ, vượt qua nhiều biến cố vẫn được bảo vệ vững vàng, chống lại lấn chiếm hay sử dụng tùy tiện, tranh tụng lôi thôi, nhiều làng đã mất đi nhưng chùa làng vẫn còn.
Quản trị tài nguyên đất đai có vị trí quan trọng, tạo nên nguồn lực để phát triển kinh tế quốc gia, đòi hỏi ngành quản trị tài nguyên đất đai tiến hóa vượt bậc, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ toàn cầu: các công cụ tân tiến nhất đã làm đơn giản hóa cách tiếp cận thông tin vạn vật, mà thông tin quản lý đất đai chỉ là một phần nhỏ.
Có thể học hỏi mô hình quản trị đất đai Việt Nam cách đây hơn 100 năm, hay nước Pháp hiện đại, nơi ngành Địa chính nằm trong Tổng cục Thuế: với 9.000 người (trong đó 1.500 nhân viên đo đạc), quản lý 88 triệu khoảnh đất, 27 triệu chủ sở hữu, 6 triệu con đường và địa điểm, khai thác 2 triệu trích lục, chứng thư và phát hành 20 triệu thông báo thuế/ năm.
Trong khi ngành TN-MT đang rất lúng túng thì tư nhân đã đầu tư số hóa/ đồng bộ hồ sơ quy hoạch sử dụng đất tích hợp với các nội dung khác đặt trên nền bản đồ vệ tinh, cung cấp miễn phí tại “quyhoach.hanoi.vn “ bởi VietPalm. Ví dụ bản đồ tổng thể Hà Nội và phóng to chi tiết một lô đất. Ảnh: Internet |
Thu thuế từ đất đai và tài sản trên đất góp hơn 1/3 ngân sách quốc gia nên ngành Thuế liên tục đầu tư hiện đại hóa địa chính nhằm đo đạc chính xác hơn, thu nhiều tiền hơn. Ngành Địa chính là công cụ thu thuế, làm giàu cho ngân sách chứ không phải tổ chức tiêu tiền thuế vào những nghiên cứu vu vơ, xuất bản tài liệu mù mờ - thiếu tin cậy, không có khả năng định ra giá trị tiền bạc cho xã hội.
Hy vọng ngành quản trị tài nguyên đất đai/Địa chính Việt Nam sớm đáp ứng được những yêu cầu mới của đất nước.
Theo Tài chính doanh nghiệp