Mở cửa sang thị trường có sức mua lớn thứ 2 thế giới
Ngày mai 8/6/2020, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Sau rất nhiều năm chờ đợi với hàng trăm cuộc đàm phán, đây có thể coi là một dấu mốc lịch sử với quan hệ kinh tế Việt Nam – EU, được không chỉ các chính trị gia mà cả cộng đồng DN Việt Nam đón chờ.
Doanh nghiệp Việt được hưởng lợi lớn từ EVFTA, nhưng hiệp định này không phải "cây đũa thần" nếu như doanh nghiệp không chủ động... |
Hiệp định EVFTA mở ra một viễn cảnh rất thuận lợi cho doanh nghiệp Việt nhờ việc tạo ra cơ hội xuất khẩu nhiều hơn nữa sang EU. Cùng với đó, luồng hàng hoá, dịch vụ và đầu tư từ EU cũng sẽ giúp người Việt được sử dụng các hàng công nghiệp của EU với giá cạnh tranh hơn.
Các luồng tư bản đầu tư giữa Việt Nam – EU cũng sẽ được thúc đẩy và hứa hẹn nhiều viễn cảnh tươi sáng cho các doanh nghiệp Việt cũng như thị trường tiêu dùng Việt Nam.
Doanh nghiệp cần xác định EVFTA không phải "cây đũa thần"
Tuy nhiên, trong niềm vui đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu và tìm hiểu kỹ lưỡng những điều khoản và cách thức vận hành của Hiệp định tự do thương mại này.
Trước hết, theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, mặc dù EVFTA được ví như “tuyến đường cao tốc hướng Tây” nhưng đó là một con đường không miễn phí và những quy tắc về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa được xem như những tấm vé lưu hành. Bởi EVFTA quy định các yêu cầu rất nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU và ngược lại cần đọc kỹ các quy định đã được ghi rõ trong hiệp định. Đồng thời, cần cập nhật những nội dung mới như cơ chế tự chứng nhận xuất xứ - đây là cơ chế mà nhà xuất khẩu tự khai xuất xứ của sản phẩm trong bộ tài liệu nộp cho cơ quan hải quan của nước nhập khẩu thay vì phải xin giấy chứng nhận xuất xứ (C/O truyền thống) từ các cơ quan chức năng.
Cụ thể, đối với hàng hóa xuất khẩu từ EU - với lô hàng có trị giá dưới 6.000 EUR, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng có thể tự chứng nhận xuất xứ. Với lô hàng có trị giá trên 6.000 EUR, có nhà xuất khẩu đủ điều kiện (Approved exporters) mới được tự chứng nhận xuất xứ. Hiện nay, EU đang xây dựng hệ thống nhà xuất khẩu đăng ký (Registered exporters) - là hệ thống cho phép nhà xuất khẩu chỉ cần đăng ký với cơ quan có thẩm quyền là có thể tự chứng nhận xuất xứ. Khi hệ thống này hoàn thiện và được áp dụng, EU sẽ thông báo cho Việt Nam trước khi thực hiện.
Đứng dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Phi – Chủ tịch Tập đoàn Giovanni cho biết, EVFTA đưa ra cam kết cắt giảm thuế với hàng hóa Việt Nam, nhưng chúng ta cần hiểu rõ, đó là thuế quan – tức là thuế nhập khẩu hàng hóa chứ hiệp định này không điều chỉnh các loại thuế nội địa, phí của từng thị trường, từng quốc gia như thuế VAT. Hay nói cách khác, EVFTA giúp hàng hóa Việt Nam có thể nhập khẩu vào thị trường Châu Âu với mức thuế nhập ưu đãi hơn, nhưng hàng hóa đó tiếp tục chịu các loại thuế, phí khác thì đây là câu chuyện khác.
Hơn nữa, EVFTA là một lợi thế, nhưng hiệp định này không phải cây đũa thần. Với việc cắt giảm thuế nhập vào EU, hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam sẽ rẻ đi tương đối, nhưng để bán được hay không thì đó cũng lại là một câu chuyện.
Các doanh nghiệp Việt Nam muốn hưởng lợi từ hiệp định này, ngoài việc nghiên cứu thỏa mãn các yêu cầu khắt khe của EVFTA thì bài toán của thị trường vẫn là bài toán mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải tìm lời giải: Thị trường EU đang cần gì và doanh nghiệp Việt Nam sẽ bán thứ gì?
EVFTA chỉ đề cập đến khía cạnh hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam sẽ được hưởng lợi chứ không nói tới hàng hóa đó có cần phải do doanh nghiệp của người Việt hay không. Điều này khiến chúng ta nhận ra rằng, nếu doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam sử dụng nhân công người Việt, nguyên phụ liệu đầu vào của Việt Nam nhưng ông chủ là người ngoại quốc thì cuối cùng, chúng ta vẫn tiếp tục đi làm thuê ở khâu thấp nhất trong chuỗi giá trị. Doanh nghiệp Việt Nam có vốn sở hữu nước ngoài sản xuất gia công đồ may mặc, da giày xuất sang Châu Âu từ hàng chục năm nay sẽ là những đơn vị hưởng lợi nhất từ FTA này.
Vì thế, để EVFTA thực sự phục vụ lợi ích của người Việt, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần có những hoạt động liên kết, hợp tác để tận dụng tối đa vận hội này. Hơn bao giờ hết, việc tự chủ về sản xuất, chế tạo, tự chủ về nguồn cung ứng nguyên phụ liệu trở thành bài toán cấp thiết cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là dệt nhuộm, may mặc, da giày, túi xách.
Người Việt cần nắm lấy hoạt động sản xuất hàng hóa, đặc biệt là khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển về hướng Đông Nam Á. Chỉ có đầu tư vào những nhà máy sản xuất xanh-sạch-hiện đại mới là tương lai của Việt Nam trong mối quan hệ với EU dưới sự tác động của EVFTA.
“Một mô hình giống như cách Giovanni đã làm hơn 15 năm qua hứa hẹn sẽ trở nên phổ biến và hiệu quả ở phân khúc hàng hóa cao cấp khi doanh nghiệp Việt Nam sở hữu hệ thống sản xuất hiện đại và tay nghề chế tác tinh xảo, nhờ EVFTA có thể nhập về những nguyên phụ liệu cao cấp từ chính EU để gia công sản xuất trong những cơ sở chế tác hiện đại sau đó cung ứng không chỉ cho nội địa Việt Nam mà còn hướng tới chinh phục lại EU.
Khi biểu thuế quan được cắt giảm, hàng hóa theo hình thái này sẽ hấp dẫn người tiêu dùng không chỉ về giá mà còn dễ dàng chinh phục họ nhờ yếu tố cao cấp của vật liệu cũng như tay nghề của người Việt Nam xưa nay chưa hề thôi làm thế giới phải trầm trồ”, ông Phi nhấn mạnh.
TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận: “Chúng ta đã kỳ vọng nhiều vào EVFTA, nó thể hiện quan điểm nhất quán của Việt Nam là tiếp tục hội nhập, chủ động hội nhập và mở cửa nền kinh tế. Chúng ta có một số cơ hội, đặc biệt là trong việc xuất khẩu nông sản sang thị trường EU. Bởi trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu về nông sản, thực phẩm không những không thay đổi mà tiếp tục gia tăng thêm.
Việt Nam là nước kiểm soát được dịch bệnh rất tốt, hoạt động trong nước gần như quay trở lại bình thường.. đây cũng là cơ hội để chúng ta thúc đẩy, mở rộng sản xuất. Từ đó sẽ đầu tư nhiều hơn, thay đổi nhiều hơn vào nông nghiệp và tái cấu trúc trên 3 phương diện: tái cấu trúc thị trường, tái cấu trúc sản phẩm và tái cấu trúc về tổ chức sản xuất”.
Dịch Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, gây tổn thất nặng nề về người và ảnh hưởng nặng nề tới tình hình kinh tế - xã hội, trong đó có các đối tác của Việt Nam là thành viên EU tham gia Hiệp định EVFTA. Điều này cho thấy các hoạt động thương mại, đầu tư khó đạt như kỳ vọng. Song, rõ ràng, với các cam kết chặt chẽ của hiệp định này, đây chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, có thể tận dụng tối đa các ưu đãi mà hiệp định mang lại. Đồng thời, cũng là cơ hội để thêm một lần nữa, Việt Nam rà soát lại việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống Pháp luật cho phù hợp thông lệ quốc tế cũng như các cam kết ký kết trong Hiệp định; Là cơ hội để nâng cao hơn nữa hiệu quả của quản lý nhà nước cũng như tiếp tục thực hiện những cải cách, đảm bảo cho môi trường đầu tư, kinh doanh và các hoạt động quản lý nhà nước phải gắn chặt với những nội dung của cam kết và hướng vào việc hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, để khai thác được cơ hội từ EVFTA.