Tăng ưu đãi để kích cầu ngành du lịch

NHVN 10:39 05/06/2020

Sau thời gian dài ngừng hoạt động vì dịch COVID-19, hàng loạt các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đã trở lại hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”, đồng thời triển khai nhiều khuyến mãi hấp dẫn...

78% khách sạn và khu nghỉ dưỡng mở cửa trở lại

Theo báo cáo mới nhất của Savills tiến hành khảo sát 635 khách sạn và khu nghỉ dưỡng thuộc phân khúc bốn và năm sao tại Việt Nam, kết quả cho thấy đã có 493 cơ sở lưu trú, tương đương 78% đã mở cửa đón khách. Trong đó, đa phần các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đã cung cấp đầy đủ tiện ích đi kèm, chỉ có một số ít các cơ sở áp dụng chiến lược tạm ngưng một phần để cắt giảm chi phí.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á - Thái Bình Dương đánh giá: “Việc mở cửa trở lại các khách sạn và khu nghỉ dưỡng để đón khách được xem là một bước đi dũng cảm của các chủ đầu tư Việt Nam, đặc biệt là khi so sánh với các quốc gia lân cận như Thái Lan, nơi hầu hết các khách sạn vẫn đang tạm ngưng hoạt động để chờ sự khôi phục của thị trường khách quốc tế”.

Bất động sản nghỉ dưỡng đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực sau đại địch. Ảnh: Internet

Theo khảo sát, phần lớn các cơ sở lưu trú ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đều mở cửa hoạt động trở lại nhằm giữ chân các nhân sự chủ chốt và tránh mất thị phần trong trường hợp thị trường có sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch.

Các cơ sở lưu trú tại thị trường ven biển dường như thận trọng hơn trong quyết định mở cửa đón khách, điển hình như Phú Quốc hay Quảng Nam với tỷ lệ mở lại lần lượt là 58% và 55%.

Đặc biệt, với phân khúc những khách sạn cao cấp và hạng sang tại các thành phố lớn do phụ thuộc chủ yếu vào nguồn khách quốc tế và khách công vụ nên công suất sụt giảm xuống chỉ còn một chữ số, trong đó một số cơ sở chỉ đạt mức 5%. Một số cơ sở lưu trú nhờ có lượng khách dài hạn nên có thể duy trì công suất ở mức cao hơn.

Bà Phạm Thị Hằng, chủ chuỗi khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel chia sẻ: Mặc dù thị trường du lịch nội địa đã có những khởi sắc, lượng khách đã quay trở lại. Thế nhưng, với phân khúc khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp, lượng khách chủ yếu là khách du lịch nước ngoài nên hiện tại vẫn rất khó khăn. Khách du lịch nội địa thường chọn phân khúc khách sạn tầm trung hơn là khách sạn cao cấp.

Đơn cử như chuỗi khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel do bà Hằng làm chủ vẫn trong tình trạng đóng cửa, nhân viên vẫn chưa thể quay lại làm việc. Và nếu tình hình dịch bệnh ở các nước được kiểm soát, ít nhất phải mất 6 tháng để phân khúc khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp có thể phục hồi và trở lại hoạt động bình thường.

Đồng loạt tung ưu đãi để kích cầu

Trở lại sau thời gian “đóng băng” vì dịch, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đều đồng loạt tung các chương trình ưu đãi hấp dẫn. Kết quả khảo sát của Savills Hotels cho thấy gần một nửa các cơ sở lưu trú đã đưa ra những chương trình ưu đãi và giảm giá sau khi mở cửa trở lại.

Các cơ sở lưu trú thuộc phân khúc cao cấp thường đưa ra những chương trình ưu đãi như cung cấp các gói dịch vụ hấp dẫn, miễn phí các dịch vụ như ăn uống, vận chuyển… nhằm thu hút khách du lịch trong nước.

Việc giảm giá phòng và kết hợp nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn được xem là chiến lược tốt giúp các cơ sở lưu trú nâng cao khả năng cạnh tranh nhằm đón đầu sự phục hồi của thị trường du lịch trong thời gian tới.

Theo ông Mauro, sự giảm mạnh của lượng khách du lịch đã khiến cho giá phòng trung bình trong tháng 4 vừa qua tại các cơ sở lưu trú, đặc biệt là phân khúc phụ thuộc vào nguồn khách quốc tế bị sụt giảm đáng kể.

Cụ thể, giá phòng trung bình của thị trường trong tháng 4 đã giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, có thể thấy các khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp đã bắt buộc phải giảm giá phòng và kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường sau khi đường bay quốc tế và các doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Đặc biệt, tại các địa điểm nghỉ dưỡng ven biển như Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Nam và Phan Thiết đều đưa ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn và cạnh tranh hơn cả sau khi mở cửa đón khách trở lại.

Nguyên nhân được cho là vì các khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại đây đều chịu ảnh hưởng nhiều bởi sự sụt giảm khách quốc tế. Do vậy, việc đưa ra các chương trình khuyến mãi trong giai đoạn này sẽ giúp kích cầu du lịch nội địa.

Theo các chuyên gia, do chưa ấn định ngày trở lại của các đường bay quốc tế nên thị trường du lịch nội địa sẽ là “cứu cánh” cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch tại thời điểm này. Đặc biệt, mùa du lịch hè đang đến gần, đây là thời điểm vàng để có thể kích cầu du lịch nội địa.

Các hãng hàng không cũng đang tích cực đưa ra nhiều ưu đãi, giảm giá vé máy bay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”… đây là những yếu tố thuận lợi để thị trường du lịch nội địa có thể phục hồi nhanh chóng.

Theo Thời báo Ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/du-lich-nghi-duong-tang-uu-dai-de-kich-cau-102562.html

Bạn đang đọc bài viết Tăng ưu đãi để kích cầu ngành du lịch tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự